22/11/2019 - 09:29

Vẻ đẹp “Nóc nhà miền Tây” 

Có độ cao trên 700m, núi Cấm được mệnh danh “Nóc nhà miền Tây”, tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với phong cảnh hữu tình, trùng điệp núi non bao quanh, cùng những huyền sử linh thiêng, núi Cấm là một trong những địa điểm du lịch khó bỏ qua mỗi lần đến với An Giang.

Du khách viếng Phật Di Lặc trên Núi Cấm.

Bên cạnh cáp treo, du khách có thể thuê ô tô để lên núi Cấm. Nếu đi cáp treo mang đến cảm giác lãng mạn khi được ngắm nhìn phong cảnh núi non, thì cảm giác ngồi trên ô tô phiêu lưu hơn bởi xe len lỏi qua những con đường quanh co, khúc khuỷu. Đường lên núi Cấm vòng vèo, một bên là núi, một bên là những thung lũng mát rượi bóng cây xanh, mây uốn gió lượn. Ngồi trên xe, bác tài tranh thủ giới thiệu về vẻ đẹp hùng vĩ và thiêng liêng của vùng Bảy Núi (với 7 ngọn: Núi Cấm, Núi Cô Tô, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước và Núi Dài Năm Giếng). Trong đó, núi Cấm được nhiều người biết đến nhất.

Núi Cấm gắn liền với nhiều truyền thuyết và tên gọi được lý giải bằng nhiều sự tích ly kỳ khác nhau. Có người kể rằng, Chúa Nguyễn Ánh khi thất bại trước quân Tây Sơn, đã đến ẩn náu ở núi này. Để khỏi bị lộ, ông lệnh cấm dân chúng vào ra núi, với lý lẽ vùng núi lắm thú dữ và nguy hiểm. Do vậy, mọi người gọi là Ông Cấm, tức Vua Cấm. Tên gọi núi Cấm có lẽ bắt nguồn từ đó. Lại có người cho rằng, núi Cấm hoang vu, cây mọc um tùm, núi đá gồ ghề là nơi ẩn trốn của bọn đầu trộm, đuôi cướp. Để đảm bảo sự an lành cho dân chúng, chính quyền vì thế mà cấm vào ra. Cũng có người nói Đức Phật thầy Tây An tiên tri ngày sau tại đây sẽ có đền vàng điện ngọc của Minh Hoàng nên cấm đệ tử lui tới, tránh kinh động đến vùng đất thiêng…

Những câu chuyện khiến du khách thêm náo nức lên núi Cấm. Đến đây rồi thì chìm đắm trong phong cảnh núi non, chùa chiền ẩn hiện trong những tán rừng xanh huyền diệu và bình yên. Núi Cấm không chỉ có hệ rừng sinh thái thiên nhiên, mà còn có những công trình tâm linh hòa quyện như Vạn Linh tự, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thanh Long, động Thủy Liêm, vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, suối Thanh Long, điện 13 tầng, hang Ông Thẻ…

Đến đây, quý giá nhất là bầu không khí trong lành, du khách được tận hưởng không gian yên bình, thư thái với núi non, rừng cây. Du khách thường thích dạo quanh khu vực hồ Thủy Liêm, ngắm nhìn những đàn cá tung tăng bơi lội. Khung cảnh ở đây vào buổi sáng sớm rất nên thơ với những đám mây là đà trên mặt hồ, non nước hữu tình khiến lòng khách thập phương tĩnh lặng, nhẹ nhàng trong âm thanh hư không của tiếng chuông chùa.

Đặc biệt trên núi Cấm là quần thể kiến trúc tâm linh quanh khu vực hồ Thủy Liêm. Ở đây có chùa Vạn Linh, ngôi chùa lớn và đẹp với tòa tháp cao 7 tầng. Tòa tháp chỉ mở cửa cho khách vào các ngày 14, 15, 29, 30 âm lịch (hoặc mùng 1 nếu là tháng thiếu) và thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần. Đứng trên tòa tháp cao nhất, mở ra trước mắt du khách là khung trời Thiên Cấm sơn với bao la một màu xanh mát mắt của núi non trùng điệp. Mỗi tòa tháp đều thờ Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Trên núi Cấm, khách còn được chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc với nụ cười tự tại giữa trời cao. Tượng có chiều cao hơn 33,6m, nặng khoảng 600 tấn, trong tư thế ngồi và gương mặt đang mỉm cười nhìn du khách. Đây là bức tượng đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) công nhận là tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam. Ở đây, du khách sẽ cảm thấy lắng đọng khi thắp nén nhang trước tượng Phật Di Lặc từ bi, hay lắng nghe tiếng chuông từ chùa Vạn Linh vang vọng xuống mặt nước trong xanh. Điều này làm núi Cấm có nét phảng phất của Đà Lạt và rất khác biệt so với phần còn lại của vùng Bảy Núi.

Với tiềm năng du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng, núi Cấm đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn chinh phục “Nóc nhà miền Tây” và tìm kiếm chút Đà Lạt mộng mơ giữa Bảy Núi.

Bài, ảnh: NGUYỄN TOÀN

 

Chia sẻ bài viết