15/07/2008 - 08:06

Kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2008)

Vẫn như ngày nào trên tuyến lửa!

Ngày ấy, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn thanh niên đã dũng cảm xung phong vào tuyến lửa đương đầu với bom đạn để phục vụ chiến đấu, hy sinh tuổi thanh xuân, mang theo niềm tin đất nước được giải phóng. Giờ đây, những cựu thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa với mái đầu điểm bạc và nhiều người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường hay ngày đêm bị bệnh tật hành hạ… Nhưng trong lòng họ vẫn tràn đầy nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ, sẵn sàng cống hiến sức mình, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Cô Lưu Thị Khích 

1- Dưới cái nắng oi bức của những ngày đầu tháng bảy, tôi ghé nhà cô Lưu Thị Khích, khu vực 4, phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Chờ mãi, chờ mãi đến trưa, cô mới về tới. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, cô cười bảo: “Hôm nay, cô thu thuế nhà đất bà con chỉ được vài trăm ngàn đồng thôi. Cô cố gắng đôn đốc bà con thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Có những hộ bận bịu với việc kinh doanh mua bán, cô phải đến tận nhà thu thuế để bà con không phải đi nộp, đôi khi phải tới lui nhiều lần mới thu được”. Ngoài nhiệm vụ của một chi ủy viên, tổ phó tổ nhân dân tự quản, cô còn tham gia cùng địa phương trong công tác thu thuế. Với cô, việc thường xuyên đến với từng nhà dân thu thuế thì đâu sá gì những khó khăn, vất vả như những năm tháng tham gia phục vụ chiến đấu ở chiến trường. Những ký ức hào hùng, những đêm thức trắng cùng đồng đội băng rừng, lội suối, đập đá lấp hố bom... như vẫn còn sống mãi.

Quê ở tỉnh Hà Tĩnh, năm 17 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô gái Lưu Thị Khích đã tình nguyện tham gia vào Tổng đội TNXP phục vụ chiến đấu chống đế quốc Mỹ cứu nước. Cô kể: “Hồi đó, ở nhà chỉ quen với việc đào đất, kéo xe, nhưng khi ra chiến trường phải đập đá, kéo đá lấp hố bom... Tất cả chỉ bằng đôi tay với những dụng cụ thô sơ, vậy mà chị em ai cũng làm việc hăng say lắm. Lúc đầu bị phồng rộp da đau buốt, nhưng làm riết rồi cũng quen...”. Ngày ấy, lực lượng TNXP dũng cảm, kiên cường bám trụ các trọng điểm đánh phá của địch, mau chóng lập lại giao thông phục vụ vận tải. Nhiều con đường ở miền Bắc đã in dấu chân của cô và đồng đội TNXP trong khi làm nhiệm vụ lấp hố bom mỗi khi máy bay Mỹ ném bom tàn phá. Với nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, cô đã cùng đồng đội tập trung làm lại đường, san lấp hố bom, cứu xe, cứu hàng ở những trọng điểm ác liệt, có hôm làm suốt cả đêm để đảm bảo thông tuyến cho đoàn xe chở hàng hóa, vũ khí của quân đội ta kịp ra tiền tuyến. Cô nói: “TNXP đã có mặt trên khắp các tuyến đường, thực hiện yêu cầu ở đâu có bom đạn giặc Mỹ, ở đó có TNXP...”.

Một đêm cuối năm 1968, trong lúc cô cùng đồng đội chuẩn bị lấp hố bom do máy bay Mỹ vừa ném, thì máy bay Mỹ quay lại bắn phá liên tục làm cô bị 3 vết thương, nặng nhất là vết thương ở chân phải, máu ra nhiều làm cô ngất lịm. Cô nhớ lại: “Khi tỉnh lại, thấy mình nằm trong bệnh viện huyện. Anh em bảo cứ tưởng cô đã chết nên chuẩn bị làm lễ truy điệu rồi đấy”. Sau thời gian điều trị lành vết thương, trở về đơn vị, sức khỏe yếu, cô được giao nhiệm vụ làm thủ kho. Năm 1972, sau thời gian miệt mài học tập, cô thi đậu vào trường trung cấp kế toán. Sau nhiều lần được tổ chức phân công công tác, cô về phụ trách kế toán cho Công ty Xây lắp Cần Thơ, đến năm 1993 thì nghỉ hưu.

Những tưởng chiến tranh qua đi, những mất mát đau thương sẽ lùi lại, cuộc đời cô sẽ sống hạnh phúc bên cạnh chồng con. Thế rồi, người nữ thương binh 4/4 ấy lại tiếp tục đối mặt với nỗi đau xé lòng: chồng bỏ đi khi đứa con thơ Trần Trọng Quý vừa tròn 5 tuổi, với khối u ở tay phải. Đó là di chứng của những năm tháng cô đã xông pha chiến trường, bị nhiễm chất độc màu da cam. Khối u ngày càng lớn dần cũng là lúc mẹ con cô Khích phải ngày đêm túc trực hết bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh rồi Hà Nội để điều trị. Dù bị khối u hành hạ đau nhức nhưng Quý vẫn kiên trì học đến lớp 6 thì phải cắt bỏ cánh tay. Sau giờ làm việc vất vả ở cơ quan, cô Khích kiên trì giúp con tập viết, làm việc... bằng tay trái. Thương mẹ vất vả, Quý luôn cố gắng học tập. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Quý tiếp tục học trung cấp kế toán và vào làm ở một xí nghiệp cơ khí. Nhắc về Quý, cô tự hào khoe: “Một tay vậy mà Quý làm được tất cả mọi việc giỏi lắm, từ nấu cơm, giặt đồ, lau nhà...”.

Năm nay đã 60 tuổi, nhưng ngày ngày sau khi đưa con đến nơi làm việc, cô Khích lại tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Với vai trò là một chi ủy viên, tổ phó tổ nhân dân tự quản, cô đã xông xáo trong công tác như tuyên truyền, vận động bà con diệt lăng quăng, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân như nộp các loại thuế, quỹ... Cô tâm sự: “Còn sức khỏe là còn cống hiến, với mong muốn góp phần cùng bà con xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”.

***

Cô Lê Hồng Đào với kỷ vật của một thời TNXP. 

2- Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ, Lê Kim Anh được cha mẹ, anh chị truyền cho ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Năm 16 tuổi, cùng với hàng vạn thanh niên cả nước, người con gái đất mũi Cà Mau đã thoát ly gia đình theo cách mạng, với nhiệm vụ làm giao liên của xã. Rồi theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, Kim Anh tình nguyện tham gia lực lượng TNXP phục vụ chiến trường miền Đông. Cũng từ đó, cái tên Lê Kim Anh được thay bằng Lê Hồng Đào để che mắt của kẻ thù.

Nhắc lại chuyện xưa, người nữ cựu TNXP Hồng Đào bật cười: “Giờ đây, mỗi lần nhớ lại cảnh phải băng đồng, vượt sông... để vận chuyển vũ khí, lương thực ra tiền tuyến thì không thể hình dung được sức khỏe của mình phi thường đến thế. Ngày đó, vừa lội bộ nhưng trên vai mỗi người phải vác ba lô nặng từ 45 đến 50 kg. Hành quân ròng rã ngày đêm liên tục nhưng chiếc ba lô vẫn ở trên lưng, mang theo đồ dùng cá nhân thì ít mà tập trung mang đầy đủ số lượng đạn dược, lương thực... phục vụ tiền tuyến”. Lấy sức người thay cho phương tiện, cô cùng đội quân TNXP bất chấp máy bay, bom đạn của kẻ thù để vận chuyển hàng hóa đến nơi an toàn. Nhiều người đã ngã xuống, những người còn lại tiếp nối nhau đi... Lời kể của cô như nghẹn lại khi nhắc đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh gởi lại thân thể nơi chiến trường. Chỉ di ảnh trên bàn thờ trong nhà, cô Hồng Đào cho biết: “Đó là Hồng Quýt, một nữ TNXP cùng đơn vị với cô. Trong thời gian phục vụ chiến đấu, sau một trận sốt rét ác tính, Hồng Quýt đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ”.

Tại chiến trường miền Đông, trong một lần hành quân, cô bị máy bay Mỹ ném bom, trúng 8 vết thương trên mình. Vậy mà khi vết thương chưa lành hẳn, cô lại tiếp tục cùng đồng đội lao ra trận tuyến phục vụ bộ đội chiến đấu. Sau đó, trở về chiến trường miền Tây, cô Hồng Đào được phân công phối hợp với địa phương làm công tác binh vận. Với dáng người mảnh khảnh cộng với nước da trắng, Hồng Đào đóng vai “một tiểu thư” len lỏi đi vận động vợ con binh lính, gầy dựng cơ sở cách mạng. Để tiếp xúc được với đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang, cô phải học tiếng nói, điệu múa dân tộc... Cầm những kỷ vật của những năm tháng hoạt động cách mạng nào là váy, áo, khăn... của đồng bào dân tộc Khmer, cô Hồng Đào nói: “Mình phải sống hòa đồng với bà con thì công tác tuyên truyền vận động mới đạt hiệu quả cao. Khi tạo được niềm tin thì bà con sẵn sàng hỗ trợ cho mình”.

Hiện nay, mặc dù sức khỏe yếu do những vết thương luôn đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng cô vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Là Chi ủy viên Chi bộ 3 thuộc Đảng bộ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, cô tích cực góp phần cùng chi bộ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Cô thường xuyên vận động bà con trong khu vực thực hiện nếp sống văn hóa, giữ vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội... Từng trải qua những năm tháng khó khăn trong cuộc sống, cô rất quan tâm đến công tác nâng cao đời sống chị em phụ nữ. Cô thường gặp, động viên các chị vượt khó, cần cù lao động, tham gia các phong trào thi đua, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Ở tuổi 67, nhưng cô Hồng Đào vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ phường Cái Khế với 20 thành viên. Cô tâm sự: “Những bài hát truyền thống cách mạng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước... cũng là một hình thức giáo dục thế hệ trẻ. Cô luôn mong muốn những thế hệ trẻ hôm nay hãy nối tiếp truyền thống “xung phong” của các cựu TNXP ngày xưa mà cống hiến sức mình, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp” .

***

Chia tay những cựu TNXP đầy nhiệt huyết, tôi nhớ mãi những lời hát “Cô gái miền quê ra đi cứu nước. Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn. Bàn tay em phá đá mở đường. Gian khó phải lùi nhường em tiến bước... Em đang bước tiếp chặng đường, theo những anh hùng Tổ quốc yêu thương, góp công cùng tiền phương chiến thắng thù...”. Chính niềm tin, nghị lực phi thường đã giúp cho những cựu TNXP vượt qua khó khăn, vất vả, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Giờ đây, nhiều cựu chiến binh, cựu TNXP giàu tâm huyết vẫn âm thầm “xung phong”, ngày đêm góp sức cùng mọi người xây dựng quê hương, đất nước...

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết