12/09/2021 - 08:25

Vận động quyên góp, ủng hộ “máy tính cho em” 

* Cần Thơ: Nhiều phương án hỗ trợ học sinh khó khăn thiếu thiết bị

Đại diện Đoàn phường An Thới, quận Bình Thủy trao thiết bị cho học sinh khó khăn trên địa bàn quận Bình Thủy đầu tháng 9-2021.

Đại diện Đoàn phường An Thới, quận Bình Thủy trao thiết bị cho học sinh khó khăn trên địa bàn quận Bình Thủy đầu tháng 9-2021.

(CT)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn về việc vận động quyên góp, ủng hộ “máy tính cho em”.

Theo Bộ GD&ĐT, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hàng triệu học sinh không thể đến lớp, đến trường. Việc chuyển sang dạy và học trực tuyến là cần thiết và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên,  nhiều gia đình học sinh còn rất khó khăn, không đủ điều kiện, khả năng để trang bị thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu (như máy tính, máy tính bảng, ti vi,...) dẫn đến hàng triệu học sinh không có cơ hội được học tập khi ngành giáo dục chuyển trạng thái hoạt động.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bộ GD&ĐT cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động quyên góp, ủng hộ “máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến, trước mắt ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “máy tính cho em” tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc; kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là 1 ngày thu nhập. 

Đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT, chuyển về tài khoản: Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam, TK: 111 000 052 001, tại: Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh Đống Đa, Hà Nội.

Đối với các Sở GD&ĐT các địa phương, Bộ giao Công đoàn ngành giáo dục tại địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận. Số kinh phí này sẽ sử dụng trên nguyên tắc: công khai minh bạch; ban vận động quyên góp, ủng hộ, tiếp nhận, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh của Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo ưu tiên mua thiết bị học trực tuyến hỗ trợ các đối tượng học sinh khó khăn ngay tại địa phương và có sự điều phối chung giữa các địa phương trong cả nước.

Tại TP Cần Thơ, Sở GD&ĐT thành phố đã có văn bản gửi các công ty kinh doanh thiết bị thông minh về việc phối hợp, hỗ trợ cung cấp các thiết bị thông minh (ipad, điện thoại, máy tính...) với giá ưu đãi cho giáo viên và học sinh trong mùa dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các trường rà soát, xác định để có phương án hỗ trợ học sinh khó khăn trong quá trình tham gia học trực tuyến; có phương án gửi bài học cho các em; hoặc những học sinh ở gần nhau có thể tạo thành nhóm, nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh... Nhiều trường còn xây dựng thư viện thiết bị điện tử; thay vì cho mượn sách thì cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng để có thể tham gia lớp học trực tuyến. Hiện thành phố có khoảng 400 học sinh khối THPT, gần 4.000 học sinh THCS khó khăn, thiếu thiết bị vào đầu năm học 2021-2022.

Tin, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết