25/06/2018 - 15:25

Khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức 

Ngày 15-11-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg Quy định việc thanh toán thuốc kháng vi-rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV. Đây là chủ trương quan trọng nhằm ứng phó kịp thời, duy trì và tăng số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị, chăm sóc sau khi các nguồn viện trợ quốc tế kết thúc.

Bệnh nhân làm thủ tục nhận thuốc ARV tại Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt.

Đột phá từ Quyết định 2188

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Quyết định 2188/QĐ-TTg là chủ trương quan trọng, cho phép đấu thầu tập trung cấp quốc gia thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT): cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung ứng thuốc; UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Đồng thời, căn cứ vào khả năng ngân sách, các địa phương đảm bảo hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi-rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có BHYT thông qua Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV.

Thực hiện Quyết định 2188, tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV tăng lên rõ rệt, từ 50% vào năm 2016 đã tăng lên 83,4% vào tháng 3-2018. Đặc biệt có 5 tỉnh, thành phố đạt 100% là Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và Cà Mau. Ngoài ra, 30 tỉnh, thành có độ bao phủ đạt trên 90%. Trong số bệnh nhân có BHYT, có 24% được hưởng 100% từ quỹ BHYT, 4% hưởng 95% và còn lại bệnh nhân hưởng 80% từ quỹ BHYT. Hiện nay, có 27 tỉnh, thành hỗ trợ mua thẻ BHYT; 11 tỉnh có quyết định hỗ trợ đồng chi trả BHYT thuốc ARV.

Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết: “Chương trình HIV quốc gia được đánh giá là tiên phong trong các chương trình y tế công cộng tại Việt Nam. WHO đánh giá Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương sử dụng nguồn BHYT để điều trị cho bệnh nhân HIV với lộ trình và bước đi chắc chắn”. Bà Stephanie De Goes, Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam, cho biết: Việt Nam liên tục vượt qua các mục tiêu về người nhiễm HIV tham gia BHYT. Nhưng hiện nay còn một số khó khăn, thách thức, cần nỗ lực mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. PEPFAR cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam để đạt mục tiêu này.

Nhiều thách thức

Lộ trình năm 2019, cả nước có 191 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT, tương ứng với 48.000 bệnh nhân; và năm 2020, sẽ có 306 cơ sở với 106.000 bệnh nhân. Bà Dương Thúy Anh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế băn khoăn: Khi đi khám, cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có dán ảnh. Trong khi đó, hiện nay, còn 10% người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân nên không sử dụng các dịch vụ khám, điều trị liên quan đến HIV/AIDS bằng BHYT được. Ngoài ra, theo bà Stephanie De Goes, khi chuyển từ điều trị bằng nguồn viện trợ sang nguồn BHYT, nhiều lo ngại rằng số bệnh nhân điều trị sụt giảm vì bệnh nhân sợ bị lộ thông tin nhiễm HIV, bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở cơ sở y tế...

Cần Thơ: 92% người nhiễm HIV có thẻ BHYT

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Cần Thơ, tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV tại Cần Thơ là 2.597 bệnh nhân. Trong đó, 2.389 bệnh nhân đã có BHYT, chiếm 92% tổng số bệnh nhân. Còn 208 bệnh nhân chưa có thẻ BHYT là những bệnh nhân ngoài tỉnh hoặc đang tạm trú trên địa bàn TP Cần Thơ (không có hộ khẩu tại Cần Thơ). Đối với các trường hợp này, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS dự kiến sẽ sử dụng kinh phí từ dự án Quỹ toàn cầu năm 2018 để mua và cấp thẻ BHYT.

Sắp tới, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15 sửa đổi có cơ chế cho người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân được tham gia BHYT và sử dụng các dịch vụ khám, điều trị liên quan đến HIV/AIDS bằng nguồn BHYT. PEPFAR cũng tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để cùng Việt Nam tạo ra môi trường điều trị thân thiện với người nhiễm HIV. Ngoài ra, Trung ương, địa phương cần có cơ chế chính sách tiếp cận điều trị ARV bằng tự chi trả đối với những người nhiễm HIV là bệnh nhân ngoại tỉnh, di chuyển liên tục không đủ thời gian để đăng ký tạm trú, người nhiễm không sử dụng BHYT do lo sợ lộ danh tính, bị kỳ thị phân biệt đối xử...

Theo lộ trình, ngày 1-1-2019, viên thuốc ARV đầu tiên bằng nguồn BHYT được cấp cho cơ sở điều trị. Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu gởi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia xây dựng kế hoạch đấu thầu. Dự kiến tháng 7-2018, có kết quả đấu thầu, ký thỏa thuận khung và tháng 11, 12-2018, phân thuốc về các kho của cơ sở y tế. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn về việc phác đồ điều trị mới theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế chưa có trong danh mục thuốc BHYT. Thuốc ARV bậc 2 chưa đấu thầu trong năm 2018. Vì thế, trong năm 2019,  BHYT chỉ mới có thuốc ARV bậc 1 của người lớn. Còn thuốc ARV của trẻ em, bậc 2- 3 của người lớn vẫn miễn phí. Tuy nhiên, khi không có thẻ BHYT, bệnh nhân phải tự chi trả các xét nghiệm cơ bản, xét nghiệm CD4, tải lượng vi-rút...

Ngoài hỗ trợ mua thẻ BHYT, Quyết định 2188 còn quy định hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Hiện nay, kinh phí từ các tỉnh hỗ trợ cho đồng chi trả chỉ mới 3,2 tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2019 cần đến 21,6 tỉ đồng để đồng chi trả thuốc ARV và đến năm 2020 cần đến 62 tỉ đồng. Theo bà Dương Thúy Anh, đến 31-7-2018, các cơ sở điều trị có thể ký hợp đồng khám, điều trị HIV/AIDS bằng BHYT. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Năm 2019, quỹ BHYT chính thức thanh toán thuốc ARV; do đó, một trong những công việc cần tập trung của năm 2019 là quản lý theo dõi sử dụng và quyết toán thuốc ARV bằng nguồn BHYT, giải tỏa nỗi lo xuất toán của các cơ sở y tế.

Để giải quyết các khó khăn, tại hội nghị vừa được tổ chức ở Cần Thơ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS kiến nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS, ký hợp đồng cung cấp khám chữa bệnh BHYT cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Đối với các cơ sở không thể thực hiện điều này, cần có kế hoạch điều chuyển bệnh nhân đến các cơ sở đủ điều kiện khám chữa bệnh bằng BHYT trước ngày 31-7-2018. Trong quá trình thực hiện khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV bằng BHYT, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cho các địa phương tháo gỡ khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT trong quá trình khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người nhiễm HIV cũng cần nhận thức rằng, viện trợ giảm dần, tiến đến ngưng hỗ trợ, vì thế, việc tham gia BHYT mới chính là giải pháp bền vững.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết