26/07/2008 - 08:13

Phiên họp thứ mười của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Vẫn còn nhiều băn khoăn về mức đóng bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng

* Tạo hành lang pháp lý quốc tế đối với công tác bảo vệ trẻ em được cho làm con nuôi

Sáng 25-7, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) xung quanh các vấn đề cùng chi trả, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, quản lý và cân đối quỹ, lộ trình thực hiện của Dự thảo Luật.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và khẳng định: BHYT là hình thức bảo hiểm mang tính xã hội duy nhất do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận, được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm bảo đảm chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT khi họ ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về đối tượng đóng BHYT được quy định tại chương II, điều 13 còn quá chung chung, thiếu cụ thể, thậm chí thiếu tính chính xác. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục- thanh niên- thiếu niên và nhi đồng, BHYT mang tính chất an sinh xã hội, có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân nhưng tinh thần ấy chưa được quy định cơ chế đóng góp cụ thể khiến người dân hiểu lầm cứ người đóng nhiều sẽ “bao” cho người khác. Ông đề nghị dự thảo Luật nên thể hiện rõ mối quan hệ giữa những người đóng góp và vấn đề chi trả phải bình đẳng.

Về BHYT cho nông dân, có ý kiến đề nghị Nhà nước hỗ trợ một phần để người nông dân tham gia BHYT nhằm thực hiện chính sách phúc lợi xã hội đối với nông dân. Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cần quy định cụ thể việc hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho nông dân có mức sống trung bình để thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người nông dân.

Liên quan đến việc kiểm toán Quỹ BHYT, một số ý kiến cho rằng quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ định kỳ 3 năm một lần là chưa phù hợp và đề nghị kiểm toán Quỹ phải được tổ chức thường xuyên, ít nhất 1 năm một lần.

* Chiều 25-7, tại phiên họp thứ mười, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký kết Công ước Lahay ngày 29 tháng 5 năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Tờ trình của Chính phủ đã đánh giá mức độ tương thích giữa Công ước Lahay với pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi, theo đó về những nguyên tắc cơ bản, pháp luật Việt Nam cũng có những nguyên tắc, quy định nhìn chung là phù hợp với các nguyên tắc của Công ước. Xét về chi tiết, tinh thần của một số nguyên tắc của Công ước mới chỉ được thể hiện chung chung trong các văn bản pháp luật nước ta, chưa rõ ràng, cụ thể, đặc biệt chưa có đầy đủ các biện pháp để bảo đảm thực thi. Về điều kiện nuôi con nuôi, điểm khác nhau cơ bản là pháp luật Việt Nam chỉ cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống (hoặc trẻ em trên 15 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu là trẻ em tàn tật, mất năng lực hành vi). Về việc chỉ định cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế, Cục Con nuôi quốc tế hiện nay được coi là Cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế của Việt Nam theo các Hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước.

Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về tờ trình nêu rõ: Việc Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế là phù hợp; đồng thời các nội dung của Công ước đều mang đậm tính nhân đạo, nhân văn và phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc ký và phê chuẩn Công ước Lahay về bảo vệ và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Ngày 28-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.

LƯU THỊ THOAN - QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết