* TÔ BỬU GIÁM
(Chủ tịch Ủy Ban Giải thưởng Trần Văn Giàu)
I
Trả lời câu hỏi: Vì sao trong 7 năm qua, giải Trần Văn Giàu chỉ phát giải thưởng về lịch sử, còn lĩnh vực lịch sử tư tưởng không được giải nào, Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu đã tự phê bình, nêu ra nhiều nguyên nhân trong đó có 2 khuyết điểm của Ủy ban giải thưởng: Một là công tác quảng bá còn yếu, chưa làm cho cô bác các tỉnh thành trong cả nước (nơi có đông đảo người có thể tham gia giải), các vụ, viện khoa học, các viện nghiên cứu (nơi có nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu nhất là lớp trẻ) thông hiểu ý nghĩa của giải thưởng và tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu, chưa dựa và phát huy sức mạnh của giới báo chí truyền thông trong việc quảng bá giải thưởng. Hai là nội dung 2 lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng nêu còn quá chung. Với nội dung về lịch sử thì mọi người có thể nắm vững vì đề tài khá phong phú về tên đất, tên người, tên địa phương, tên ngành, nghề... của vùng đất mới của Tổ quốc, còn về lĩnh vực lịch sử tư tưởng nhiều người thấy có vẻ cao siêu, xa vời, đậm nét triết học.
Có phải lịch sử tư tưởng là lịch sử triết học không? Xin được thưa như sau:
Phạm trù triết học và phạm trù tư tưởng có những điểm chung nhưng không phải là một.
Các học giả trước đây coi triết học là khoa học trên các khoa học, “khoa học của các khoa học”, nhưng sau này thừa nhận triết học là một khoa học như các khoa học khác, có đối tượng của riêng mình. Triết học nghiên cứu các quy luật về hình thành, vận động là phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người.
Tư duy, với các tên gọi là tư tưởng, sự suy nghĩ, tinh thần, ý thức cùng các khái niệm khác như tâm lý, đạo đức, tâm linh, tín ngưỡng, đạo giáo, phong tục, tập quán... đều là sản phẩm của cơ sở vật chất của xã hội, phản ánh vào đầu óc con người. Tuy là sản phẩm của cơ sở vật chất nhưng tư tưởng có tính độc lập tương đối, tác động trở lại cơ sở vật chất xã hội đó, có thể làm thay đổi diện mạo, tính chất của tồn tại xã hội.
Như vậy, nói về lịch sử tư tưởng, không phải đề cập đến các mặt nghiên cứu khác của Triết học về tự nhiên và xã hội
II
Về lịch sử tư tưởng, giáo sư Trần Văn Giàu đã có tác phẩm nhan đề “Sự phát triển các tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám” in thành 3 cuốn:
- Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử
- Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử
- Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong các tác phẩm quan trọng này, giáo sư đã điểm qua lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua các thời kỳ phong kiến dưới triều Nguyễn- Gia Long, thời kỳ dân tộc Việt Nam bị Pháp cai trị, thời kỳ trước và sau khi có Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc giành độc lập và tự do cho đất nước. Trong các thời kỳ này, giáo sư có điểm qua các hoạt động, các phong trào đấu tranh tự phát và tự giác của nhân dân ta, được các hệ tư tưởng khi thì phong kiến, khi thì tư sản, tiểu tư sản dẫn dắt (các hệ này đôi khi pha lẫn màu sắc tôn giáo thần quyền).
Việc chọn lọc giữa các dòng tư tưởng chỉ đạo từ nhiều hướng đan xen nhau, chống đối nhau, như: giữa thủ cựu và duy tân, giữa chủ hòa và chủ chiến, giữa chính đạo và tà giáo, để tìm ra tư tưởng chủ đạo của thời kỳ đó là rất khó khăn. Nhưng theo giáo sư, vấn đề cần thiết là làm sáng rõ truyền thống xuyên suốt của ông bà ta từ trước đến nay.
Qua tác phẩm này, giáo sư đã vạch rõ tư tưởng cốt lõi, chủ đạo của cuộc đấu tranh của dân tộc trong lịch sử mấy trăm năm từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ sau 1945 trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống Pháp Mỹ và sau đó, giáo sư hy vọng các thế hệ sẽ bổ sung những điều đã tổng kết và viết tiếp. Xin nói thêm, tác phẩm này giáo sư viết năm 1973. Lúc đó, vấn đề viết lịch sử tư tưởng đã được Viện Triết Học đặt ra từ 1964 nhưng đến 1984, mới có cuộc họp các nhà khoa học (lịch sử, triết học) xác định mục đích, đối tượng, nội dung tư tưởng. Về phương pháp nghiên cứu nói rõ tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, trong suốt quá trình lịch sử trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược trong mối quan hệ phức tạp hòa trộn lẫn nhau giữa tư tưởng chính thống và tư tưởng dân gian, giữa truyền thống dân tộc và các trào lưu tư tưởng bên ngoài, tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo...
III
Lịch sử tư tưởng giáo sư Trần Văn Giàu chưa viết là từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay. Trong thời gian này bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều điểm mới.
30 năm từ 8-1945 đến 5-1975, nhân dân Việt Nam phải chiến đấu cực kỳ gian khổ chống 2 kẻ thù hùng mạnh là đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai do chúng dựng lên.
Gần 40 năm trở lại đây, nhân dân Việt Nam phải nỗ lực để khôi phục nền kinh tế xã hội bị chiến tranh tàn phá, cố gắng bằng sức mình xây dựng lại đất nước, ổn định đời sống đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân khi đã có hòa bình.
Cuộc đấu tranh về ý thức hệ trong ba mươi năm chiến tranh tuy gay gắt nhưng chiến tuyến phân định giữa địch và ta rõ ràng. Những tư tưởng được bọn tay sai tô sơn trát phấn tuy có vẻ hào nhoáng, dùng để mua chuộc những người nhẹ dạ, cả tin nhưng dễ bị lột trần, không ngăn cản được tinh thần yêu nước, căm thù giặc quyết chiến và quyết thắng của nhân dân ta. Tất cả, từ Nam chí Bắc đều dồn tâm lực, trí tuệ của mình để bẻ gãy các âm mưu, thủ đoạn lừa mị, mua chuộc của kẻ thù và cuối cùng đã chiến thắng.
Khi hòa bình lập lại, thuận lợi trên mặt trận tư tưởng nhiều hơn. Với tinh thần thừa thắng xông lên, ta đã phát huy lòng tự hào dân tộc, có pha đôi chút “kiêu ngạo Cộng sản”, quyết tâm xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn” như Bác Hồ đã chỉ dẫn.
Cuộc đấu tranh về ý thức hệ chống kẻ thù đế quốc - tuy thua nhưng vẫn còn đầy dẫy âm mưu và thủ đoạn chống phá ta. Đi đôi với việc xây dựng tinh thần tự lực tự cường trong việc giải quyết những khó khăn về vật chất để cải thiện đời sống nhân dân ta còn phải khắc phục những yếu kém trong tư duy lãnh đạo còn chịu ảnh hưởng tư tưởng quan liêu, bao cấp, không sát thực tiễn, xa rời đời sống nhân dân, gây ra những khó khăn mới trong đời sống xã hội. Dựa vào chỗ khó khăn về kinh tế xã hội, những tệ nạn và hủ tục lỗi thời cùng với những nọc độc của chế độ cũ còn sót lại được sống lại do việc mở cửa không kiểm soát chặt chẽ của ta với văn hóa nước ngoài đã góp phần làm rối ren an ninh, chính trị, và trật tự an toàn xã hội.
Trên vùng đất mới của đất nước ta, trong gần 500 năm (nếu kể từ khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào để sát nhập vào lương vực quốc gia cũng hơn 300 năm), có nhiều tộc người, người thổ dân, có thể là hậu duệ người Phù Nam còn lại, người Việt từ Đằng Trong vào khai hoang lập đất (đi tự do hay theo kêu gọi của chúa Nguyễn), quân binh, bất mãn chế độ cai trị hà khắc của quan lại địa phương, những người bị tù đày, hay thất bại trong việc làm ăn, những người gốc Trung Quốc... theo Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch chống triều Mãn Thanh Trung Quốc, hay theo Mạc Cửu vào buôn bán trong Nam, những người Chân Lạp xuôi dòng sông Mêkong vào đây tìm nơi sinh sống, trú ngụ. Tất cả, với những nguồn gốc khác nhau, ý nguyện khác nhau đã khai hoang, khẩn đất ở vùng đất còn hoang vu này. Họ đã sinh con đẻ cháu, hình thành cụm, làng, xóm tự tại, tự tồn, không do ai cai trị, kiểm soát, sống theo tập quán, phong tục của riêng tộc người của họ. Các chùa, miếu mọc lên cùng các lễ hội, thờ cúng... cho từng tộc người như Tết Đôn-ta, Chol Chnam Thmay, đưa nước, cúng trăng... của người Khmer, Rơ mơn Wan của người Chăm, Tết Hàn thực, Đoan ngọ, Trùng Cửu của người Hoa, Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Trung thu, ngày lễ Vu lan, đưa Ông Táo... của người Việt và người Hoa, lễ cúng chùa Ông Bổn, Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ ở An Giang, Bà Đen ở Tây Ninh, lễ Nghinh Ông thờ Nam Hải Ngạc Thần ở Bà Rịa Vũng Tàu... thu hút không chỉ những người trong họ tộc mà được bà con hưởng ứng, tham gia đông đảo như là ngày hội của chính mình. Cùng với các phong tục tập quán đó, các tín ngưỡng, đạo giáo cũng phát triển. Có đạo từ ngoài xâm nhập từ lâu như đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Ki-tô (còn gọi là Thiên Chúa giáo), có đạo chỉ riêng ở Nam Bộ như đạo Cao Đài (do các ông Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung sáng lập), được thực dân Pháp làm lơ cho khai đạo từ năm 1926, có đạo như Cửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Âm Hiếu Nghĩa do ông Ngô Viên sáng lập, truyền đạo từ năm 1886 bị Pháp cấm đoán đã nhiều lần đổi tên, Phật giáo Hòa Hảo xuất hiện năm 1940 với giáo chủ Huỳnh Phú Sổ...
Tất cả các tín ngưỡng, đạo giáo, phong tục tập quán đó tuy nhiều nguồn gốc khác nhau, ít nhiều có tính chất dân tộc, đều nằm chung trong hệ ý thức nước ta từ khi vùng đất mới được hình ở phía Nam Tổ quốc Việt Nam. Tất cả tuy ít, tuy nhiều đều bị cuốn hút vào tư tưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, tự lực, tự chủ, quyết tâm bảo vệ độc lập thống nhất, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ít nhiều đều bị xâm nhập, chống phá bằng nhiều cách của tư tưởng thù địch.
IV
Như trên đã nói, giáo sư Trần Văn Giàu đã có tác phẩm “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám” gồm 3 tập: hệ ý thức phong kiến, hệ ý thức tư sản và chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Giáo sư chưa viết về phong trào cách mạng và tư tưởng Việt Nam từ sau 1945, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng và thời gian sau đó.Tâm nguyện, kỳ vọng của giáo sư là các nhà khoa học trẻ, các sử gia tiếp tục tổng kết lịch sử và lịch sử tư tưởng của thời gian sôi động, thời sự nhất hiện nay.
Nêu hai lĩnh vực: lịch sử và lịch sử tư tưởng cho giải thưởng Trần Văn Giàu, chính giáo sư muốn động viên để khuyến khích những nhà khoa học, các sử gia tập trung nghiên cứu, khám phá những gì mới bổ sung vào tổng kết của giáo sư về các giai đoạn trước, mở rộng ra chân trời nghiên cứu khoa học về lịch sử và lịch sử tư tưởng. Qua đó, sẽ làm giàu cho những kiến thức về đất nước mà những hạt ngọc quý giá còn đang tiềm ẩn, nhất là trong vùng đất mới phía Nam Tổ quốc.
Về lịch sử 30 năm sau Cách mạng Tháng Tám trong hai cuộc kháng chiến, lồng vào đó là cả những tư tưởng về chiến lược, sách lược, về phương châm, phương thức đấu tranh ở các miền, đã có nhiều công trình nghiên cứu ngày càng phong phú và bổ sung cho nhau.
Riêng về lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có công trình khoa học, sưu khảo, nghiên cứu, biên tập gần10 năm nay, trong đó phần kháng chiến chống Pháp (1945-1950) đã được giải về lịch sử của giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 3 năm 2006. Về công trình này, giáo sư có viết: “Nghiên cứu lịch sử Nam Bộ kháng chiến rất khó. Tập thể tác giả đã làm việc rất nghiêm túc, công phu, xứng đáng được nhận giải thưởng”.
Phần kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) cũng rất phong phú với nhiều tư liệu mới, chưa từng công bố qua các tư liệu mật, các tàng thư, hồi ức của những người lãnh đạo trong cuộc, các sách báo của các nhà khoa học nước ngoài đã dày công theo dõi và nghiên cứu sử Việt Nam. Là tài liệu về sử nhưng trong đó có nhiều vấn đề về tư tưởng, vận dụng bài học về truyền thống yêu nước của dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược của tổ tiên, tư tưởng đoàn kết dân tộc, hòa hợp hòa giải dân tộc, gạt bỏ những hiềm khích cá nhân và thù nhà để “vua tôi đồng thuận, cả nước một lòng” cùng nhau đánh giặc cứu nước. Phần này khá dầy, đang chờ nghiệm thu quốc gia, nếu được công bố sẽ trở thành một nguồn tài liệu tốt để tham khảo, nghiên cứu và học tập.
Về giai đoạn sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hòa bình lập lại trên toàn cõi Việt Nam, một trang sử mới đã mở ra đưa đất nước tiến lên như thế nào để đem lại ấm no và hạnh phúc cho toàn dân, để dân ta hiên ngang sánh vai cùng các cường quốc khác trên thế giới. Về điểm này, đường lối tư tưởng chủ đạo khá rõ là vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khắc phục những yếu kém, trì trệ do xa rời thực tiễn, kém linh hoạt trong việc đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp. Phải đổi mới, nhưng đổi mới như thế nào, đổi mới về tư duy hay đổi mới cả về tổ chức, cải tổ cả bộ máy lãnh đạo, điều hành..., thực hiện cơ chế thị trường như thế nào? Theo hay không theo định hướng xã hội chủ nghĩa v.v... Với các tôn giáo, đạo cũ, đạo mới, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, cúng bái, mở cửa du nhập những thành quả văn hóa, sản phẩm nước ngoài như thế nào cho phù hợp để bảo tồn văn hóa dân tộc mà không bị ảnh hưởng không lành mạnh của văn hóa Tây phương... Làm sao gạn lọc được những màu sắc mê tín, huyền bí của các đạo giáo cũng như những đua đòi quá mức của một số thanh niên sùng thị hiếu nước ngoài.
Phải nghiên cứu và đề xuất gì đây gọi là có khám phá mới, tìm tòi mới trên cơ sở tình hình mới nêu trên về lĩnh vực lịch sử tư tưởng theo quy định của giải thưởng Trần Văn Giàu. Chúng ta đều biết là tư tưởng là vô hình, trừu tượng, chỉ có trong đầu óc và thể hiện qua ngôn ngữ và hành động của con người. Người Việt Nam, nhất là người miền Nam, làm nhiều nhưng ít nói, ít tổng kết bằng lý luận những việc làm của mình. Có những việc làm rất quyết liệt, táo bạo, sáng tạo, tuy bề ngoài thấy bình thường nhưng thể hiện một tư tưởng rất sâu sắc. Một ví dụ mà giáo sư Trần Văn Giàu có nhắc là việc di dời hài cốt cụ Võ Trường Toản về an táng ở Bến Tre khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay xâm lược Pháp, thể hiện tư tưởng yêu nước, bất hợp tác với Pháp rất sâu sắc. Do đó, trong việc nghiên cứu, sưu tầm cho công trình khoa học về lịch sử tư tưởng, có lẽ nên để thì giờ đi vào thực tiễn, gặp gỡ các tầng lớp nhân dân đi sâu thu nhận những cái tiềm ẩn trong các truyện kể, truyền thuyết, giai thoại ngày xưa về các di tích còn để lại ngày nay. Bên cạnh tư tưởng yêu nước, tinh thần quyết liệt chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền của đất nước, những phong trào, những hoạt động bằng hành động này, việc làm nọ, có khi tự phát, những hoạt động bất phục, ngụy quyền, chống lại các luật lệ do bọn xâm lược áp đặt đều là những lĩnh vực tư tưởng cần đi sâu nghiên cứu, khai thác.
Nên chăng có những công trình nghiên cứu về phong trào tỵ địa của sĩ phu yêu nước và nhân dân rời bỏ quê hương ba tỉnh bị thất thủ ở miền Đông Nam Bộ về miền Tây trong đó có các nhà nho: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị... hay cuộc di dân tập hợp ở Nam Trung Bộ theo Nguyễn Thông để tỏ rõ sự bất hợp tác của nhân dân ta với thực dân Pháp xâm lược? Nên chăng có công trình nghiên cứu không phải riêng lẻ mà có tính chất hệ thống tư tưởng tiến bộ, muốn độc lập tự chủ trong các đạo giáo ở Nam Bộ như Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Dừa, đạo Ông Trần, gạt bớt phần mê tín... để hiểu sâu thêm về tinh thần yêu nước của đông đảo tín đồ, phần lớn là nông dân ta? Nên chăng có công trình viết về đạo đức Việt Nam, về đạo thờ ông bà ở Việt Nam? Nên chăng có công trình nghiên cứu có tính chất tổng hợp về các lễ hội, theo tập tục người Khmer như Tết Chol Chnam Thmay, Tết Đôn-ta, Tết cúng trăng đưa nước, lễ hội đua nghe ngo Ok-đom-bok, các tập tục thờ ông Bổn (nơi thờ Trịnh Hòa, nơi thờ Trịnh Ân), thờ Quan Công, thờ Bà Thiên Hậu của người Hoa, các lễ bà Chúa Xứ ở An Giang, bà Đen ở Tây Ninh, lễ Nghinh Ông thờ Nam Hải Ngạc Thần ở các tỉnh ven biển miền Nam v.v... Về các lễ hội này nên tìm hiểu sâu nguồn gốc, ý nghĩa của các việc thờ cúng, mặt tích cực của các lễ tục tập quán ở các địa phương, nhất là ở những nơi vùng sâu vùng xa... Và cuối cùng, nếu có khả năng, nên chăng có công trình nghiên cứu tiếp theo các tập 1,2,3 của giáo sư Trần Văn Giàu về sự phát triển của tư tưởng Việt Nam sau khi đất nước độc lập, khi Đảng đã cầm quyền để xây dựng đất nước trong tình hình mới (1975 đến nay 2009 và sau này).
Những công trình nghiên cứu này dựa trên các tư liệu, tài liệu xác thực, được tuyển chọn thận trọng, có luận giải khoa học, phát hiện nhân tố mới, chưa ai đề cập đến hoặc đề cập chưa sâu, với những lý lẽ thuyết phục sẽ là những tư liệu quý giá, dù được giải hay không, cũng như viên kim cương tỏa sáng, giúp hiểu sâu về đất nước Việt Nam. Tin chắc rằng với công sức đóng góp, của toàn thể đồng bào, các nhà nghiên cứu, và khoa học trẻ, công trình nghiên cứu gửi về dự giải sẽ rất phong phú, đáp ứng được lòng mong đợi của một nhà cách mạng lão thành, một học giả xuất sắc Trần Văn Giàu đã gần tròn 100 tuổi.
T. B. G