22/11/2014 - 22:04

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ban Kinh tế Trung ương ký kết thỏa thuận hợp tác

Sáng 22-11, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong hai năm 2014-2015.

Nội dung thỏa thuận hợp tác xoay quanh việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về quá trình phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế; đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đối với các chính sách xã hội. Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ban Kinh tế Trung ương cùng nhau nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng trong các chính sách xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020.

Hai bên tham gia vào quá trình sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các luật, nghị quyết của Quốc hội, các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực các vấn đề xã hội. Trên cơ sở đó, phối hợp đề xuất các định hướng, chính sách mới…

Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng thống nhất cho rằng tuy hai cơ quan có vị trí và nhiệm vụ khác nhau nhưng có những điểm tương đồng và cùng hướng tới mục tiêu đảm bảo sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Cụ thể hóa thỏa thuận này, thời gian tới, hai bên sẽ lựa chọn cách thức phối hợp để đảm bảo hợp tác thực chất, phát huy được hiệu quả cao nhất.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác, Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ban Kinh tế Trung ương tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm hoạt động giữa hai bên; đề xuất chính sách liên quan đến chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, lao động- việc làm, y tế, dân số và các vấn đề xã hội khác, góp phần thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Hai bên phát huy sự tham gia, hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn, tăng tính phản biện khoa học về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực các vấn đề xã hội, góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng vào hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước…

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết