* Cơ chế, chính sách mới trong Luật Thủ đô phải phản ánh được tính đặc thù cho riêng Hà Nội
Sáng 15-9, tiếp tục phiên họp thứ 34, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo để chuẩn bị trình Quốc hội (khóa XII) lần đầu, tại kỳ họp thứ 8.
Các thành viên UBTVQH đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tố cáo và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự án Luật được chuẩn bị khá công phu, các tài liệu kèm theo tương đối đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, các chuyên gia; cố gắng tổng kết, đánh giá thực trạng tình hình, đưa được nhiều nội dung mới vào dự án Luật như các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo; thời hiệu xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, bảo vệ người tố cáo...
Các thành viên UBTVQH cho rằng tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề xã hội phức tạp nhưng rất quan trọng, bởi vì loại trừ yếu tố tiêu cực, lợi dụng và lạm dụng, thì tố cáo, giải quyết tố cáo phản ánh trình độ nhận thức, trách nhiệm công dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, cấp độ phát triển của bộ máy nhà nước, thước đo của nền dân chủ ở mỗi quốc gia. Việc xây dựng Luật Tố cáo cần xuất phát từ yếu tố tích cực của việc tố cáo, đó là thông qua việc tố cáo giúp các cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần làm trong sạch bộ máy, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lành mạnh hóa nền công vụ quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là đảm bảo cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả...
Các thành viên UBTVQH đã dành nhiều thời gian thảo luận về những điểm có nhiều ý kiến khác nhau, như về chủ thể tố cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cho rằng chủ thể tố cáo nên quy định là công dân, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành và cũng phù hợp với quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện hành là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, không quy định tổ chức là chủ thể của tội phạm. Nếu trong trường hợp nhiều người tố cáo về một vấn đề thì có người đứng đầu đứng ra tố cáo. Việc tổ chức có quyền tố cáo hay không thì cần chờ sửa Hiến pháp chứ Luật không thể quy định khác với Hiến pháp...
Các thành viên UBTVQH cũng đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã dành Chương V để quy định về việc bảo vệ bí mật, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, an toàn việc làm cho người tố cáo và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo. Đây là nội dung quan trọng, cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tố cáo. Tuy nhiên, các thành viên cho rằng các quy định về bảo vệ người tố cáo như dự thảo luật vẫn còn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn. Vì vậy cần nghiên cứu để quy định chi tiết hơn về việc bảo vệ người tố cáo. Đồng thời cũng cần nghiên cứu để đề ra được những quy định, cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, bảo đảm khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.
Các thành viên UBTVQH cũng dành nhiều thời gian thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật; Trách nhiệm của người tố cáo (Điều 14); Hình thức tố cáo (Điều 23); Thời hiệu xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (Điều 26, Điều 42)...
* Chiều 15-9, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, những cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô cần thực sự mang tính đặc thù.
Thẩm tra dự án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: Cần xác định rõ mục tiêu ban hành Luật là xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Thủ đô, chứ không phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù gắn với mô hình chính quyền tự quản; chẳng hạn như việc xác định Thủ đô là đơn vị hành chính đặc biệt, danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô... Tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội, tuy nhiên Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa trách nhiệm với Trung ương và các địa phương khác.
Theo Ủy ban Pháp luật, những cơ chế, chính sách đặc thù phải được xây dựng dựa trên đặc điểm Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Các vấn đề như đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông... là vấn đề đặt ra đối với tất cả các địa phương chứ không chỉ riêng Hà Nội. Hầu hết các cơ chế mới chưa phản ánh được tính đặc thù cho riêng Hà Nội. Cùng với việc đặt ra cho Hà Nội một số cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng “mở” hơn so với các địa phương khác, thì cần phải đặt ra các quy định mang tính ràng buộc, kiểm soát chặt chẽ hơn. Cũng cần cân nhắc việc có nên quy định quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và không thống nhất với các luật khác hay không để bảo đảm hạn chế thấp nhất sự phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, cũng chỉ nên quy định những cơ chế, chính sách có tính ổn định lâu dài; hạn chế những quy định mang tính định hướng, chung chung, khó triển khai thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Đề cập việc tìm ra những đặc thù của Thủ đô, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần xuất phát từ quan điểm lâu nay không ai phủ nhận được: Hà Nội là trái tim của cả nước. Do đó, cần xác định trách nhiệm của Thủ đô đến đâu, các cơ quan, bộ ngành, các cơ quan quốc tế, người dân Thủ đô đến đâu thì mới tìm ra được những điểm đặc thù cho Hà Nội. Chủ tịch nhấn mạnh thêm: Phải coi Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, không thể giống như các thành phố, địa phương khác.
PHÚC HẰNG-THANH HÒA (TTXVN)