27/02/2009 - 08:17

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009

* Từ 1-9-2009 có thể sẽ mở rộng đối tượng Việt kiều được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam

Sáng 26-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến vào phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009. Việc phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ là để đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đánh giá về tình hình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 và các năm trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc điều hành và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tình trạng giải ngân chậm, một số dự án, công trình kéo dài, gây lãng phí, hiệu quả thấp, làm tổng mức đầu tư tăng cao và không có điểm dừng; công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả vẫn chưa được quan tâm. Điều đó thể hiện qua việc phân bổ và bố trí vốn trái phiếu Chính phủ chưa cương quyết loại bỏ các dự án, công trình thi công kéo dài, kém hiệu quả. Việc bổ sung các dự án, công trình cấp bách, sớm phát huy hiệu quả tích cực, làm tăng thu ngân sách, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế cho cả một vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tiến độ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm, mặc dù năm 2008 đã cắt giảm 25% tổng vốn trái phiếu Chính phủ so với Nghị quyết của Quốc hội nhằm kiềm chế lạm phát. Theo báo cáo của Chính phủ, đến 31-12-2008, cả nước mới giải ngân được trên 18.799 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 87,2% kế hoạch giao. Hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ chưa cao, việc bố trí vốn cho các dự án, công trình còn chưa sát thực tế, chưa tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình có hiệu quả, sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, có những dự án, công trình không có khả năng hấp thụ vốn vẫn được bố trí đầy đủ vốn theo tiến độ thực hiện. “Thực tế trên đã và đang làm cho hiệu quả sử dụng nguồn vốn này đạt được rất thấp. Nhiều công trình, dự án kéo dài vượt quá quy định của pháp luật và cùng với sự biến động của giá cả nguyên vật liệu, của việc đền bù, giải phóng mặt bằng... đã làm cho tổng mức đầu tư ngày càng tăng cao, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhận xét.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong năm 2009 điều kiện kinh tế suy giảm, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, giá dầu thô lên xuống khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách Trung ương; do vậy, việc sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2009 một cách có hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng nằm góp phần ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị kế hoạch phân bổ trái phiếu Chính phủ phải bám sát các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung bố trí vốn, giải quyết dứt điểm các công trình, dự án trọng điểm các công trình, dự án có hiệu quả đã có trong danh mục theo Quyết định 171, các dự án giáo dục y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Cần cơ cấu lại vốn đầu tư, theo hướng vừa ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn, vừa bổ sung và bố trí vốn hợp lý cho các công trình thiết yếu ở các khu kinh tế trọng điểm, các vùng động lực, các vùng lúa... Ngoài số vốn trái phiếu Chính phủ 36.000 tỉ đồng trong năm 2009, Chính phủ đề nghị cho phép phát hành bổ sung khoảng 11.500 tỉ đồng và khoảng 7.733 tỉ đồng được chuyển nguồn sang năm 2009. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc bối cảnh kinh tế thế giới, nguồn thu ngân sách sụt giảm, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp..., Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã đề nghị Chính phủ tính toán, có thể tăng mức phát hành đến 20.000 tỉ đồng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2009).

Đề nghị của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về việc Chính phủ tính toán tăng mức phát hành đến 20.000 tỉ đồng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã nhận được nhiều ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hầu hết các Ủy viên đều cho rằng chủ trương trương phát hành trái phiếu là rất cần thiết, đúng với tình hình thực tế hiện nay của đất nước.

* Chiều 26-2, Phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai.

Qua ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi bổ sung điều 121 Luật Đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tiến hành sửa đổi, bổ sung 2 điều luật trên để trình Quốc hội, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 thì sẽ đưa vào áp dụng kể từ 1-9-2009.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và 121 Luật Đất đai theo hướng mở rộng đối tượng và quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là cần thiết, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa kiều bào ta ở nước ngoài với quê hương, khuyến khích các nhà đầu tư, nhà khoa học, những người có tài năng... đóng góp cho đất nước.

BÍCH THỦY- XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết