02/09/2008 - 21:36

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND Tp Cần Thơ:

Ưu tiên sử dụng vốn ODA cho lĩnh vực nâng cấp đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội

* Tiến độ giải ngân xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh chậm

(CT)- Sáng ngày 1-9-2008, đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với các ngành hữu quan về tình hình vận động và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) TP Cần Thơ, đến cuối tháng 8-2008, trên địa bàn TP Cần Thơ có 9 dự án sử dụng vốn ODA (những dự án được chuyển tiếp từ năm 2007) với tổng vốn đầu tư gần 68,65 triệu USD, trong đó vốn đối ứng trên 19,83 triệu USD. Tuy nhiên, do biến động về giá nên phần lớn các dự án sử dụng vốn ODA triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt 49% so với kế hoạch. Sở KH-ĐT thành phố đã trình UBND TP Cần Thơ 8 dự án đăng ký Bộ KH-ĐT đưa vào danh mục dự án yêu cầu tài trợ vốn ODA, tổng vốn khoảng 677 triệu USD (vốn ODA khoảng 582 triệu USD).

Tại buổi họp, đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: Sở KH-ĐT cần tăng cường vai trò đầu mối trong việc quản lý như đôn đốc các sở, ngành hữu quan đẩy nhanh thực hiện các dự án có sử dụng vốn ODA. Sở KH-ĐT cần sớm làm tham mưu cho UBND thành phố tổ chức lớp đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý các dự án có sử dụng vốn ODA của thành phố; xem xét việc thành lập tổ công tác liên ngành về quản lý nguồn vốn ODA trên địa bàn thành phố... Thời gian tới, việc lập các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cần chú ý đến lĩnh vực nâng cấp đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội... Trong đó, đặc biệt chú ý đến các dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông, văn hóa – xã hội...

* Theo báo cáo kết quả phân bổ nguồn vốn xổ số kiến thiết cho lĩnh vực văn hóa- xã hội của Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng Nhân dân TP Cần Thơ), năm 2008, thành phố đã dành hơn 29 tỉ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết để đầu tư xây dựng cơ bản các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Trong đó, huyện Thốt Nốt được phân bổ số tiền lớn nhất: 11 tỉ 964 triệu đồng (đầu tư xây dựng 3 công trình giáo dục); huyện Phong Điền: 8 tỉ 653 triệu đồng (xây dựng 7 công trình giáo dục, 1 công trình y tế và 1 công trình văn hóa); quận Bình Thủy: 8 tỉ 465 triệu đồng (xây dựng 3 công trình giáo dục, 2 công trình y tế).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều công trình đã hết thời hạn thi công nhưng vẫn chưa hoàn thành, tiến độ giải ngân chậm (huyện Phong Điền 11%; huyện Thốt Nốt 28% và quận Bình Thủy 29%). Theo UBND các quận, huyện này, tiến độ giải ngân chậm là do thủ tục giải ngân phức tạp, phải điều chỉnh nhiều lần, mất thời gian; một số nhà thầu năng lực thi công yếu, khối lượng thực hiện không nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân...

HÀ TRIỀU - NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết