02/12/2016 - 08:37

Ứng dụng công nghệ tiên tiến nâng cấp, sửa chữa cầu

Ứng dụng công nghệ mới trong nâng cấp, sửa chữa cầu đã đáp ứng yêu cầu khắc phục nhanh chóng, hiệu quả các sự cố cầu bị hư hỏng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư xây cầu mới còn hạn chế, việc ứng dụng tiến bộ mới trong quản lý, khai thác các công trình cầu cũng là giải pháp rất quan trọng để tăng khả năng phục vụ của công trình, đảm bảo tính liên tục và an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

* Nhu cầu bức thiết

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, nằm liền kề với TP Hồ Chí Minh và là cửa ngõ thuận lợi giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Những năm gần đây, mạng lưới giao thông trong vùng đã được Trung ương và các địa phương quan tâm đầu tư quy mô tương đối lớn, với các tuyến trục dọc, trục ngang và các vành đai ven biển kết nối với nhau tạo sự liên hoàn, thông suốt.

Cầu Quang Trung nối liền quận trung tâm TP Cần Thơ là Ninh Kiều với quận Cái Răng.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, diện mạo giao thông của vùng ĐBSCL đã có nhiều đổi mới, phát triển trong thời gian gần đây, nhất là khi nhiều tuyến đường quan trọng được đầu tư nâng cấp, xây mới và bắc nhiều cầu lớn qua sông. Đến nay, hệ thống giao thông của vùng đã cơ bản giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương với tổng chiều dài các tuyến quốc lộ hơn 2.000 km, đường tỉnh hơn 4.719km, đường huyện và giao thông nông thôn hơn 72.850km. Song, hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nhất là tình trạng cầu có tải trọng thấp hoặc bị yếu do đã đầu tư xây dựng lâu, bị xuống cấp. Cầu tại nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn hiện cần được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng lại mới.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển các cầu giao thông trong những năm tới cho vùng ĐBSCL rất lớn nhưng khả năng bố trí vốn từ ngân sách nhà nước là có hạn. Đầu tư theo hình thức BOT, người dân phải trả phí khi đi đường. Do vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ mới trong thi công, quản lý, khai thác các công trình cầu, nhất là sửa chữa các cầu yếu cũng là một giải pháp rất quan trọng.

* Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ mới

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa phối hợp Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) và Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: "Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sửa chữa, tăng cường cầu". Tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp đã giới thiệu và chia sẻ nhiều giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sửa chữa, tăng cường khả chịu lực và độ bền của các cầu giao thông, cũng như các công nghệ mới trong quản lý, bảo trì cầu đường được áp dụng trong nước và trên thế giới. Đáng chú ý, Công ty CP SBtech và Tập đoàn Fyfe giới thiệu về công nghệ dán sợi cường độ cao cho các công trình cầu yếu; Công ty cổ phần cơ khí 68 và xây dựng Thăng Long giới thiệu các công nghệ mới trong sửa chữa khe co giãn cầu đường bộ; Công ty cổ phần Sumen Việt Nhật giới thiệu những vật liệu chuyên dùng gốc xi măng để sửa chữa và gia cường cầu bê tông…

Tiến sĩ Tô Giang Lâm, Trưởng Bộ môn kỹ thuật, khoa Quốc tế - Trường Đại học GTVT, cho biết: Thời gian qua Trường Đại học GTVT đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ và các đơn vị liên quan tiến hành tư vấn, lập phương án sửa chữa nhiều cầu giao thông gặp các sự cố hư hỏng. Theo đó, nhiều công nghệ mới, tiên tiến được ứng dụng, giúp khắc phục các sự cố một cách hiệu quả, tiết kiệm và hạn chế tình trạng phải "cấm cầu" trong thời gian thi công sửa chữa, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Theo các chuyên gia gần đây công nghệ gia cố cầu bê tông cốt thép bằng chất dẻo có cốt sợi-FRP (công nghệ dán sợi cường độ cao) đã được sử dụng trong sửa chữa, khắc phục nhiều sự cố cầu yếu ở nước ta. Đây là giải pháp có hiệu quả vượt trội so với các giải pháp gia cường cầu đã dùng trước đó. Từ năm 2011 đến nay, giải pháp này đã sử dụng cho trên 150 cây cầu lớn nhỏ. Trong đó, 1/3 số cầu là sửa chữa để đảm bảo giao thông khẩn cấp, số còn lại sửa chữa gia cường cho các cầu có dấu hiệu hư hỏng để chống xuống cấp, tăng cường khả năng chịu lực và đảm bảo khai thác an toàn với mục tiêu đặt ra là trên 5 năm. Chi phí cho sửa chữa và gia cường bằng công nghệ dán tấm FRP nói chung thấp hơn các giải pháp khác, không gây ùn tắc giao thông do không phải cấm lưu thông. Tỷ trọng kinh phí cho vật liệu FRP trong mỗi công trình dao động khoảng từ 30-40% trong tổng kinh phí sửa chữa. Qua thực tế, nhiều cây cầu được sửa chữa và tăng cường bằng phương pháp này chỉ tốn chi phí từ 7,8- 26% so với đầu tư xây mới. Vật liệu Tyfo của Tập đoàn Fyfe (Mỹ) là một loại FRP được dùng phổ biến cho việc gia cường cầu yếu ở nước ta trong những năm qua.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tại TP Cần Thơ cũng quan tâm ứng dụng công nghệ mới trong sửa chữa, nâng cấp cầu để tăng khả năng phục vụ của công trình, đặc biệt, trong điều kiện chưa xây dựng được các cầu mới để thay thế hoặc có cầu mới nhưng vẫn cần duy trì song song các cây cầu cũ. Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, thời gian qua trên địa bàn thành phố cũng có nhiều cây cầu được sửa chữa để đảm bảo việc đi lại của người dân như: cầu Bình Thủy, cầu Ô Môn... Hiện nay, cùng với xúc tiến xây dựng cầu Quang Trung (đơn nguyên 2) , Sở Giao thông vận tải cũng tiến hành phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên duy tu, bảo dưỡng cầu Quang Trung hiện có. Do vậy, rất cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến để tối ưu hiệu quả đầu tư và đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết