07/11/2019 - 09:51

Ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản 

Theo nhiều chuyên gia, công nghệ thời kỳ 4.0 cho phép con người sáng tạo, ứng dụng vào rất nhiều hệ thống quản lý thông minh, hiện đại khác nhau. Trong đó, công nghệ blockchain (chuỗi khối) được xem là cuộc cách mạng về công nghệ và được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Song làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận kịp thời các thông tin hữu ích về công nghệ blockchain; phân tích các mặt hạn chế của công nghệ nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục, kiểm soát và ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là điều cần thiết trong xu thế hội nhập hiện nay.

Giao diện của ứng dụng SmartLife hỗ trợ người dùng truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Ông Trần Đông Phương An, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, nhận định: Công nghệ blockchain được xem là cuộc cách mạng về công nghệ trong xu thế hội nhập hiện nay. Đó được coi như một sổ cái kỹ thuật số không thể bị phá hỏng của các giao dịch kinh tế, có thể được lập trình để ghi lại không chỉ những giao dịch tài chính mà có thể ghi lại tất cả mọi thứ có giá trị. Công nghệ blockchain mở ra xu hướng ứng dụng đầy tiềm năng cho nhiều lĩnh vực. Trong đó, có thể kể đến việc ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính; công nghệ blockchain với IoT (Internet of thing); ứng dụng vào các lĩnh vực giao thông, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, lưu trữ, trong hoạt động công nghiệp-nhà máy, vận tải, lĩnh vực nông nghiệp…

Hiện nay ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tế ngày càng đa dạng ở mọi mặt đời sống. Trong đó, có thể kể đến: xử lý thanh toán và tiền tệ, hợp đồng thông minh, quản lý chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống hồ sơ cá nhân, lưu trữ file… Nêu dẫn chứng về việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học An Giang, cho biết: “Chúng tôi cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nếp sạch Phú Vinh của Công ty TNHH MTV Nguyễn Phú Vinh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Theo đó, các thông tin về quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển đến người dùng cuối cùng đều được lưu trữ lên chuỗi khối và khách hàng có thể truy cập được thông tin dễ dàng”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, công nghệ blockchain còn ứng dụng trong lĩnh vực y tế khi cung cấp giải pháp lưu trữ bệnh án điện tử. Ở lĩnh vực quản lý nhà nước có thể ứng dụng công nghệ blockchain trong xử lý hồ sơ đất đai, nhằm giảm thiểu tình trạng sai sót, thời gian chờ kéo dài….

Ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực cung cấp nông sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, quan tâm ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn GlobalGAP đối với hàng xuất khẩu. Truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là xu thế tất yếu để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, khẳng định uy tín nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi và tạo niềm tin với người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Thế Tiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart Life, với việc cài đặt ứng dụng Smart Life trên smartphone, người tiêu dùng sẽ dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thực hiện mua sắm online, nắm bắt thông tin thị trường. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng quét mã khác để kiểm tra truy xuất thông tin sản phẩm…

Công ty Cổ phần Vietnam-Blockchain là đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp và dịch vụ về công nghệ blockchain phục vụ trong các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, sản xuất, chuỗi cung ứng, hậu cần, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, công nghệ tài chính, dịch vụ công, đô thị thông minh... Ông Nguyễn Đức Hiệp, phụ trách Quản lý Dự án của Công ty Cổ phần Vietnam-Blockchain, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản đã khá phổ biến. Đó là giải pháp cho phép truy xuất thông tin theo chuỗi giá trị, từ quy trình sản xuất tới khâu tiêu thụ. Trên cơ sở đó, giúp nhà nông, hợp tác xã, người tiêu dùng và thị trường có thông tin minh bạch về sản phẩm, góp phần tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, công nghệ blockchain còn giúp nhà quản trị biết chính xác sản phẩm gặp trục trặc ở khâu nào trong chuỗi sản xuất - vận chuyển - phân phối - bán lẻ - tiêu thụ. Ở mỗi khâu, sản phẩm sẽ được cập nhật đầy đủ thông tin giờ giao - nhận, người chịu trách nhiệm… do đó, khi sản phẩm có vấn đề, việc tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp sẽ rất nhanh chóng và chính xác.

Các đơn vị hoạt động trong dịch vụ blockchain thường cung cấp các dịch vụ như: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng toàn diện trên nền tảng blockchain cho doanh nghiệp; blockchain hóa một vài tính năng trên hệ thống hiện hữu, cùng các dịch vụ tư vấn như nghiên cứu, đào tạo về blockchain, tư vấn pháp lý, tư vấn ứng dụng blockchain… Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ blockchain, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, công nghệ blockchain cũng có những mặt hạn chế như chi phí đầu tư công nghệ không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp nhỏ, không thể thay đổi dữ liệu nếu có sai sót trong khâu nhập số liệu, quên mật khẩu sẽ mất hết dữ liệu, buộc phải làm hệ thống mới… Do đó, để công nghệ blockchain phát huy hiệu quả tối ưu, cần có sự đầu tư bài bản về nhân lực, cũng như những chế tài đủ mạnh để bảo đảm không bị kẻ xấu lợi dụng cho những mục đích không trong sáng.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Blockchain