04/05/2017 - 21:02

U Minh Thượng đầu tư phát triển kinh tế

Là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang với nhiều khó khăn, nhưng nhờ Đảng bộ và nhân dân đồng lòng xây dựng quê hương nên U Minh Thượng đang dần thay da đổi thịt.

Khách tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Tỉnh ủy Kiên Giang trong Vườn quốc gia U Minh Thượng. 

Ông Đoàn Hồng Dinh, Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng, cho biết: Kết cấu hạ tầng của huyện thời gian qua được đầu tư, nhất là giao thông nông thôn, góp phần mở rộng giao thương. Năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, U Minh Thượng đã triển khai xây dựng 185 công trình, hoàn thành 173 công trình, còn 7 công trình giao thông nông thôn khối lượng hoàn thành trên 75%. Trong đó, điển hình là đầu tư xây dựng hoàn thành chợ Thạnh Yên và mở rộng chợ Minh Thuận; đường giao thông nông thôn Kênh Xáng Mượn; khắc phục, sửa chữa các đoạn tuyến đê bao ngoài vùng đệm; cầu vượt U Minh Thượng... Huyện đã hoàn thành đấu giá quyền sử dụng đất chọn nhà đầu tư khu dân cư chợ xã Thạnh Yên; khu đô thị mới, khu tái định cư và nhà ở thu nhập thấp của huyện; hoàn thành 34/34 công trình thủy lợi; nghiệm thu đưa vào 34,46km lộ giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng hai công trình điện vùng lõm, chiều dài hơn 10km, vốn đầu tư 6,67tỉ đồng; mắc mới 850 điện kế nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn của huyện đạt trên 86%.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, U Minh Thượng đã chỉ đạo các xã xây dựng nghị quyết chuyên đề. Xác định rõ các tiêu chí và nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Qua đó, năm 2016, toàn huyện huy động vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 480 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trên 203 tỉ đồng, vốn tài trợ trên 10 tỉ đồng, đặc biệt nhân dân đóng góp gần 270 tỉ đồng. Đến nay, U Minh Thượng có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; một xã đạt 16 tiêu chí và các xã còn lại đạt từ 12-15 tiêu chí. Kinh tế của huyện U Minh Thượng tiếp tục phát triển, tổng giá trị sản xuất năm 2016 gần 5.300 tỉ đồng (tăng 11,36%), trong đó lĩnh vực nông – lâm – thủy sản chiếm gần 60%; thu nhập bình quân đầu người 33 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, U Minh Thượng tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm. Huyện U Minh Thượng sẽ đầu tư thí điểm trạm bơm điện; nạo vét các kênh thủy lợi nội đồng; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Trong đó, hai xã nằm trong vùng đệm là An Minh Bắc, Minh Thuận sẽ quy hoạch trồng mía diện tích 3.000ha và định hướng đến năm 2020 là 5.000ha; trồng chuối xiêm trên đê bao, dưới ao nuôi cá đồng, như cá sặc rằn, lóc, trê... Bên cạnh đó, phát triển trồng rau sạch, an toàn đặc trưng ở U Minh Thượng, như rau nụ áo, rau đắng đồng…; dần hình thành theo mô hình tôm - lúa, mô hình mía - lúa và mô hình lúa - chuối - cá- rau màu.

Bốn xã còn lại trên địa bàn huyện sẽ chuyển đổi diện tích trồng hai vụ lúa không hiệu quả sang mô hình tôm - lúa; tập trung trồng khoảng 200ha lúa chất lượng cao ở xã Thạnh Yên và Thạnh Yên A. Song song đó, các xã ven sông Cái Lớn phát triển mô hình nuôi vọp; nuôi tôm công nghiệp; số diện tích còn lại ở một phần xã Vĩnh Hòa và Thạnh Yên sẽ chuyển đổi mô hình trồng màu, trong đó chú trọng trồng dưa hoàng kim, dưa hấu.

Với phát triển kinh tế phù hợp với địa phương, huyện U Minh Thượng tập trung phát triển du lịch. U Minh Thượng kiến nghị đầu tư mở rộng các tuyến đường để kết nối với các địa phương khác, như: từ Thứ Hai, huyện An Biên về chợ Công Sự (chợ trung tâm huyện); đường ven sông Cái Lớn kết nối với các địa phương giáp ranh huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận để thu hút lượng khách đến với U Minh Thượng. Tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành tỉnh Kiên Giang để hoàn thành quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch. Trong đó, tập trung vào điểm đến là: Vườn quốc gia U Minh Thượng gắn với Khu căn cứ di tích Tỉnh ủy Kiên Giang và Khu di tích An ninh Khu 9 (Bộ Công an)... 

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết