28/01/2023 - 06:26

Tưng bừng khai hội chùa Hương và hội Gióng đền Sóc Sơn

Ngày 27-1 (tức Mùng 6 tháng Giêng), nhiều lễ hội lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tưng bừng khai hội.

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) là lễ hội lớn đã chính thức khai hội. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, ngày khai hội có hơn 3 vạn khách tham quan, trẩy hội. Tính từ ngày 24-1 (Mùng 3 Tết) đến nay có khoảng 13 vạn khách tham quan. Dự kiến, lượng khách sẽ tăng mạnh vào hai ngày cuối tuần này.

Theo ông Nguyễn Bá Hiển, năm nay, Ban tổ chức đổi mới việc bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức truyền thống sang vé điện tử; đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, đảm bảo phù hợp, thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Ban tổ chức đã triển khai thí điểm mô hình chạy xe điện với 50 xe tại các điểm, bến bãi để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, số lượng xe chưa nhiều nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch.

Tại ngày khai hội, khu vực suối Yến, đền Trình, chùa Thiên Trù, lối lên động Hương Tích, khu vực cáp treo và tại các điểm tâm linh… luôn tấp nập du khách. Hàng quán được sắp xếp trật tự; tình trạng bày biện hàng hóa chiếm dụng lối đi đã được hạn chế. Do công tác chuẩn bị chu đáo, Lễ hội chùa Hương diễn ra an toàn, văn minh. Khách tham quan được hướng dẫn dâng lễ đúng nơi quy định. Ban tổ chức thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, phòng ngừa các tệ nạn bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, bán thuốc nam giả không rõ nguồn gốc… Tại nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc khu vực sâu không an toàn, lòng đường đi động Hương Tích… không bố trí các điểm kinh doanh.

Lễ hội chùa Hương kéo dài trong 3 tháng, kết thúc ngày 23-4 (tức hết ngày 4-3 năm Quý Mão).

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) tưởng nhớ Thánh Gióng - một trong “Tứ bất tử” trong tâm thức người Việt, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng khai hội ngày 27-1 với sự tham dự của hàng vạn người dân và khách thập phương.

6 giờ 30 phút ngày Mùng 5 Tết (phần lễ bắt đầu với nghi thức dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế, lễ rước và tế lễ của các thôn làng. Trong đó, lễ rước của các thôn làng được coi như phần “hồn” của lễ hội và được mong đợi nhất. Cụ thể: thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) thực hiện nghi thức rước hoa tre; thôn Phù Mã (xã Phù Linh) rước ngựa (tre); thôn Dược Thường (xã Tiên Dược) rước voi (tre); thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) rước ngà voi; thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau…

Những năm gần đây, tục cướp lộc giò hoa tre và trầu cau sau khi các thôn làng dâng lễ ông Gióng tại đền Thượng gây nhiều phản cảm đã được huyện Sóc Sơn chấn chỉnh. Năm nay, tục cướp lộc được thực hiện theo hướng: Sau khi làm lễ tại sân Rồng đền Thượng, giò hoa tre và trầu cau sẽ được tiến cung để ông Gióng chứng giám. Sau đó, lộc sẽ được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để tán lộc cho du khách mà vẫn đảm bảo kịch bản, quy trình của lễ hội cam kết với UNESCO không thay đổi.

Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nấu cơm thi, cây đu, thực hiện nghi thức kéo mỏ, húc cầu, vật… Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra đến ngày 29-1 (tức Mùng 8 tháng Giêng). Lễ kết hội với các nghi thức dâng hương, lễ tế kết lễ hội, nghi lễ hóa ngựa và voi.

Khánh Vy (TTXVN)

Chia sẻ bài viết