13/08/2022 - 19:19

Tư thế khi uống thuốc có thể ảnh hưởng khả năng hấp thụ dược chất 

NGUYỆT CÁT (Theo Study Finds, UPI)

Theo một phát hiện mới công bố trên Tạp chí Physics of Fluids, tư thế khi uống thuốc của một người có thể ảnh hưởng đến cách thức bao tử hấp thụ loại thuốc đó.

 Sơ đồ mô phỏng vị trí ban đầu của bao tử và cách viên thuốc trượt vào trong bao tử khi được uống ở các tư thế khác nhau.

Ðể đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Ðại học Johns Hopkins (Mỹ) đã sử dụng một công nghệ mô phỏng tiên tiến trên máy tính mang tên “StomachSim” - dựa trên cấu trúc giải phẫu thực tế và hình thái của bao tử người - nhằm đánh giá mức độ hiệu quả khi dùng thuốc qua đường uống. Nhóm nghiên cứu cho biết đây là phương pháp mô phỏng bao tử đầu tiên thuộc dạng này, có kết hợp cơ chế sinh học của bao tử với chuyển động của viên thuốc và sự hòa tan thuốc để xác định số lượng dược chất thực sự đi qua môn vị (phần nằm cuối bao tử tiếp nối với hành tá tràng, cấu tạo như một van cơ học để giữ thức ăn trong bao tử) và đến được tá tràng. Bên cạnh đó, StomachSim cũng cho phép nhóm nghiên cứu tính toán và so sánh tốc độ làm rỗng bao tử và giải phóng dược phẩm hòa tan vào tá tràng trong nhiều tư thế cơ thể khác nhau.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện tuy việc nuốt các viên thuốc nén dường như dễ nuốt, nhưng đây lại là cách phức tạp nhất để cơ thể chúng ta hấp thụ các thành phần có trong dược phẩm. Ðó là do tính sinh khả dụng (tốc độ và mức độ hấp thu dược chất) từ thuốc phụ thuộc vào các yếu tố như thành phần của thuốc và môi trường sinh lý động của bao tử khi thuốc được nuốt vào đường tiêu hóa. “Khi viên thuốc đi đến bao tử, chuyển động của thành bao tử và dòng chảy bên trong bao tử sẽ quyết định tốc độ hòa tan của thuốc. Các thành phần của viên thuốc và các chất chứa trong bao tử cũng đóng một vai trò quan trọng” - Giáo sư Rajat Mittal, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích. Ngoài ra, các cơn co thắt bao tử còn có thể tạo ra áp lực và chuyển động phức tạp của viên thuốc trong cơ thể. Tuy nhiên, giáo sư Mittal cho biết các quy trình thực nghiệm hoặc lâm sàng hiện tại để đánh giá khả năng hòa tan của thuốc uống còn hạn chế, nên gây khó khăn trong việc tìm hiểu mức độ hòa tan thuốc bị ảnh hưởng ra sao khi mắc các bệnh lý về bao tử, chẳng hạn như chứng liệt bao tử (bệnh khiến quá trình làm rỗng bao tử chậm lại).

Nhìn chung, các chuyên gia phát hiện tư thế đứng khi uống thuốc sẽ khiến thuốc đi ra khỏi dạ dày nhanh hơn, trong khi ngả người ra sau sẽ làm tăng khả năng trộn lẫn lên 50%. Còn khi nằm uống thuốc, quá trình hòa tan thuốc sẽ chậm lại một chút so với khi đứng thẳng người. Trong khi việc nằm nghiêng trái sẽ làm giảm đáng kể quá trình hòa tan thuốc, thì nằm nghiêng về bên phải của cơ thể sẽ làm tăng tốc độ hấp thụ thuốc.

Nhóm tác giả hy vọng rằng trong tương lai, một công nghệ mô phỏng trên máy tính có thể được sử dụng để xác định cách thức thuốc hòa tan. “Mô hình của chúng tôi có thể tạo ra dữ liệu liên quan sinh học về sự hòa tan thuốc, có thể cung cấp những hiểu biết hữu ích và độc đáo về các quá trình sinh lý phức tạp đằng sau việc uống thuốc” - Mittal khẳng định. Trước đây, nhóm nghiên cứu cũng từng sử dụng chương trình mô phỏng trên máy tính để phân tích các vấn đề tim mạch và lưu lượng không khí trong phổi.

Chia sẻ bài viết