05/08/2009 - 21:12

Từ luống cày nuôi 7 người con thành đạt

Vợ chồng chú Hồ Văn Để trong niềm vui tuổi già.

Mỗi khi nhắc đến các con, chú Hồ Văn Để ở khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, không giấu được niềm hạnh phúc, tự hào. Chú mãn nguyện bởi cả cuộc đời lao động chắt chiu của mình, chú đã lo được cho 7 người con ăn học đường hoàng, có vị trí cao trong xã hội. Năm 2009, gia đình chú Để vinh dự được bình chọn là gia đình hiếu học tiêu biểu của quận Cái Răng.

Con đường nhỏ dẫn vào nhà chú Để trồng đầy hoa sứ, nguyệt quế, bên trên là rất nhiều giò lan đang độ ra hoa. Chú dẫn tôi đi khoe từng gốc bưởi, cây măng cụt, sầu riêng, nơi đã in dấu bao kỷ niệm của gia đình, sự trưởng thành của các con. Chú Để và vợ, cô Phan Kim Ánh, sắp bước vào tuổi 70. Cuộc sống chan hòa bên con cháu thành đạt, hạnh phúc làm vợ chồng chú như trẻ hơn so với tuổi của mình. Trong ngôi nhà nhỏ xinh nép mình bên những rặng cây xanh, nằm giữa 4 công đất vườn (được cải tạo từ mảnh ruộng cũ), trồng đầy cây ăn trái đang vào mùa thu hoạch, khi nhắc đến các con, ánh mắt cô chú luôn ánh lên niềm tự hào. Chú Để khiêm tốn nói: “Làm cha mẹ lo cho con thì có gì đâu!”. Nhưng với hoàn cảnh của chú, là nông dân, chưa học hết lớp 3 trường làng, mà nỗ lực nuôi 7 người con thành đạt là chuyện không phải ai cũng làm được.

Quê chú Để ở tỉnh Hậu Giang, hoàn cảnh đưa đẩy, gia đình chú lưu lạc lên TP Cần Thơ lập nghiệp. Chú Để là con áp út trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Các anh chị lớn không có điều kiện đến trường, riêng chú Để học đến lớp 3 thì nghỉ, đi làm. Chú Để rất giỏi, làm đủ nghề, hết ruộng nhà thì đi vần công, làm lò gạch... 24 tuổi, chú lập gia đình với một cô thôn nữ cùng xóm. Khi có 4 mặt con, vợ chồng chú được cho ra riêng, gia tài là vài công đất ruộng cằn cỗi, cái chòi lá và bộ vạc đã cũ. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng chú dậy sớm nấu cơm để sẵn cho các con, rồi ra đồng đến tối mịt mới về. Hết vụ lúa chú Để chuyển sang trồng hoa màu, không bao giờ để đất trống. 4 đứa con nữa lần lượt ra đời, gia cảnh chú Để càng thêm túng bấn. Chú Để kể: “Suốt ngày tôi dầm mình dưới nước, hái rau, mò cua bắt ốc nuôi con. Thức ăn thường trực là rau và cá hủn hỉn vì cá lớn để dành bán. Tối về nhà ăn cơm xong là tôi đi kiếm cá, hái lá môn bán, làm không biết mệt mỏi chỉ để con có đủ cái ăn cái mặc. Khi các con đến tuổi đi học, vợ chồng tôi bàn nhau quyết tâm phải cho con cái ăn học đàng hoàng để có tương lai sáng sủa hơn. Chỉ có học mới đổi đời nên khó khăn cỡ nào cũng phải vượt qua”.

Người con cả của chú Để nghỉ học sớm, phụ cha mẹ nuôi 7 đứa em. Để đến trường, các con của chú ngày ngày lội bộ hàng mấy cây số trên những quãng đường sình lầy, nhiều lúc phải nhịn đói đi học. Quần áo đứa lớn để dành cho đứa nhỏ mặc, sách vở, dụng cụ học tập tiết kiệm tối đa. Ngoài giờ học, các con của chú Để cùng cha mẹ vất vả trên đồng kiếm cá, mần cỏ... Nhớ lần người con gái thứ bảy đậu đại học, miệng thì vui cười, động viên con mà ruột gan cô chú rối bời. Vợ chồng chú quyết định bán con heo là tài sản đáng giá nhất trong nhà lúc bấy giờ, đi mượn thêm tiền để cho con đóng học phí. Những lần khác cũng vậy, mỗi lần đóng tiền học cho con, vợ chồng chú Để phải đi vay mượn rồi làm trả lại từ từ. Gia đình hai bên và bà con lối xóm lúc ấy ít ai coi trọng sự học, nên việc vợ chồng chú Để chấp nhận kham khổ cho con đến trường khiến cô chú nhận không ít lời dị nghị: “Chữ không bán được, đi học làm chi?”, nhưng cô chú bỏ ngoài tai. Cô Ánh tâm sự: “Đêm đêm, chồng đi kiếm cá, tôi ngồi nhìn các con học bên ngọn đèn dầu leo lét mà rớt nước mắt. Nhiều khi cũng khổ lắm, nhưng đâu nỡ để con dở dang. Trong mỗi bữa cơm hay những lúc gần gũi, chúng tôi luôn nhắc nhở các con sự học phải đặt lên đầu, sống có đạo đức. Các con đều ngoan, giỏi giang, nghe lời cha mẹ nên chúng tôi cũng đỡ vất vả”. Theo thời gian, những gánh rau, con cá thấm đẫm nhọc nhằn của cô chú đã đưa 4 người con vào đại học, 3 người học trung cấp.

Con trai út của chú Để tên Hồ Thanh Vũ, xúc động kể: “Để nuôi con cái được học hành đỗ đạt, ba mẹ tôi đã biết bao trăm cay ngàn đắng. Cha mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi cách ứng xử, tính chịu khó, tiết kiệm, trong mọi hoàn cảnh phải cố gắng vươn lên. Nhìn cha mẹ mặt nám da chai, chưa từng biết đến manh áo mới, chúng tôi bảo ban nhau phải phấn đấu hơn nữa. Chúng tôi luôn nghĩ về ba mẹ với một tình thương và lòng biết ơn không thể nói hết bằng lời. Ba mẹ luôn là tấm gương mẫu mực trong lao động, học tập và cư xử để chúng tôi noi theo”. Chú Để tiếp lời: “Tôi không cho con tiền, chỉ cho con sự học hành. Người ta thường nói tôi cho con đi học nhiều nên nghèo là phải, nhưng tôi nghĩ khác, cho con đi học là cho con tài sản lớn nhất. Nhiều người nghĩ gia đình giàu mới nuôi con ăn học thành tài, nhưng tôi nghĩ khác, người nghèo cũng làm được, miễn mọi người cùng đồng tâm hiệp lực”.

42 năm chia ngọt sẻ bùi, vợ chồng chú Để luôn sống trong cảnh yên ấm, hòa thuận. Khoảng 10 năm trở lại đây kinh tế chú khá ổn định vì các con lớn đi làm, phụ cha mẹ nuôi lại các em. Hiện nay, con cái phần lớn đi làm xa, vợ chồng chú Để vui thú điền viên, chăm sóc vườn cây ăn trái và tham gia công tác xã hội tại địa phương. Chú Để thường đi vận động bà con làm từ thiện, bản thân chú và các con cũng đóng góp rất nhiệt tình. Nhìn lại quãng đời đã qua, chú Để cho biết hạnh phúc lớn nhất của đời mình là các con nên người, thực hiện được ý nguyện của cha mẹ, các cháu nội ngoại cũng đang tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Hưng Phú, cho biết: “Vợ chồng chú Để chân thật, hiền lành, sống chan hòa với xóm làng. Điều đáng quý là dù gia cảnh khó khăn nhưng vợ chồng chú vẫn tận tụy làm việc để thoát nghèo, đưa con vào đời bằng con đường tri thức. Lòng thương con vô hạn đã giúp vợ chồng chú vượt qua muôn vàn thử thách trong hành trình nuôi dạy con thành tài. Sự hy sinh của vợ chồng chú đã mở ra cho các con một tương lai xán lạn, rất đáng biểu dương”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết