05/09/2023 - 10:40

Truyền thông Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP Cần Thơ vừa có buổi truyền thông các quy định mới về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2022 cho các hội viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP Cần Thơ. Qua đó, Trung tâm truyền đạt đến chị em các nội dung về hành vi BLGĐ; nguyên tắc PCBLGĐ; cơ sở trợ giúp PCBLGĐ…

Các chị em trao đổi mội số nội dung về Luật PCBLGĐ năm 2022.

Các chị em trao đổi mội số nội dung về Luật PCBLGĐ năm 2022.

Luật PCBLGĐ số 13/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 14-11-2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023, bao gồm 6 chương và 56 điều. Tại buổi truyền thông, các hội viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP Cần Thơ được báo cáo viên giới thiệu những quy định mới của Luật PCBLGĐ. Hình thức giới thiệu thông qua tuyên truyền miệng và các hình ảnh minh họa sinh động, ngắn gọn, giúp người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh đó, các chị em còn được tham gia trả lời câu hỏi có liên quan về bình đẳng giới, giúp buổi truyền thông thêm hứng khởi.

Chị Mỹ Hoa, thành viên Câu lạc bộ, nói: “Tôi tham gia trả lời câu hỏi và nhận được phần quà từ ban tổ chức. Buổi truyền thông rất vui và các kiến thức được chúng tôi tiếp nhận rất nhanh”. Chị Mai Thị Hồng Vân, thành viên Câu lạc bộ, tiếp lời: “Tôi thấy nội dung buổi truyền thông rất thiết thực, giúp tôi và các chị em hiểu rõ các quy định pháp luật về PCBLGĐ và biết được những kênh trợ giúp để hỗ trợ người thân, bạn bè khi vướng phải những rắc rối hoặc bị BLGĐ”. Theo bà Mai Trúc Phi, trợ giúp viên pháp lý Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, thông qua những nội dung tuyên truyền, người làm công tác TGPL mong muốn đưa các quy định pháp luật đến gần hơn với chị em phụ nữ, giúp chị em hiểu và tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình đúng quy định pháp luật.

Luật PCBLGĐ quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ; điều kiện bảo đảm PCBLGĐ; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong PCBLGĐ. Luật quy định rõ các hành vi BLGĐ và nguyên tắc PCBLGĐ phòng ngừa là chính, lấy người bị BLGĐ là trung tâm. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời, chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong PCBLGĐ. Hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người bị BLGĐ là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về PCBLGĐ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong PCBLGĐ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Luật PCBLGĐ năm 2022 quy định cơ sở trợ giúp PCBLGĐ gồm: địa chỉ tin cậy; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở trợ giúp xã hội; trung tâm TGPL Nhà nước, tổ chức tham gia TGPL; cơ sở khác tham gia trợ giúp PCBLGĐ; cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp PCBLGĐ. Ngoài ra, Luật quy định cụ thể tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.

Chia sẻ bài viết