01/09/2008 - 09:09

Giáo sư Võ- Tòng Xuân:

Trường Đại học Quốc tế sẽ liên kết với các trường đại học nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

 

Mặc dù đã nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, nhưng Giáo sư Võ- Tòng Xuân vẫn rất tâm huyết với giáo dục ĐBSCL. Chính vì thế, ông trở thành một trong những thành viên của Hội đồng sáng lập Trường Đại học Quốc tế tại TP Cần Thơ. Đề án thành lập trường đã được trình đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, Giáo sư Võ- Tòng Xuân cho biết:

- Nhu cầu học tập của người dân rất lớn. Hằng năm, cả nước có trên 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề chỉ tối đa khoảng 500 ngàn học sinh, sinh viên. Như vậy, hơn một nửa học sinh tốt nghiệp THPT không biết học gì, học ở đâu. Cũng có những học sinh tự học qua mạng Internet, học ở các cơ sở nghề... nhưng số này rất ít.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng ngoài nhu cầu học tập đại chúng như thế, còn một tầng lớp nhân dân có đời sống khá giả hơn, có nhu cầu cho con em thụ hưởng chất lượng giáo dục cao hơn. Hiện nay, khuynh hướng của phụ huynh ở tầng lớp này là cho con em đi du học nước ngoài, như: Singapore, Philippines, Anh, Đức, Hoa Kỳ... Tôi nghĩ tại sao không xây dựng một trường đại học chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu đó. Và đề án xây dựng trường đại học quốc tế tại Cần Thơ- trung tâm của ĐBSCL- ra đời. Có thể nói việc thành lập trường đại học quốc tế tại Cần Thơ vừa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu xã hội vừa giúp phụ huynh an tâm hơn khi cho con em đi du học ở nước ngoài. Học tại đây, các em vẫn được thụ hưởng chất lượng giáo dục ngang bằng hoặc gần như ở nước ngoài; phụ huynh có thể kiểm soát con em mình và đỡ tốn kém chi phí hơn.

* Thưa Giáo sư, gọi là trường đại học quốc tế, phải chăng đây là trường có yếu tố liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài?

- Là thành viên của hội đồng sáng lập, trong quá trình xây dựng đề án, tôi rất quan tâm đến vấn đề chất lượng, bởi làm trường đại học quốc tế mà không có chất lượng thì không đáng gọi là quốc tế. Ở đây, “quốc tế” theo đúng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải liên kết với một số trường đại học ở nước ngoài và phải mang các chương trình đã được đánh giá chất lượng cao của các trường đó về đào tạo. Với cách làm này, trước mắt, tôi đã bàn với Trường Đại học George Mason, tại Washington D.C (Hoa Kỳ), về việc liên kết đào tạo một số ngành: tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp... Hai bên đã thỏa thuận và đi đến thống nhất ký bản ghi nhớ hợp tác đào tạo các ngành trên. Sắp tới, chúng tôi sẽ sang Trường Đại học George Mason, bàn bạc cụ thể với đối tác về từng môn học trong chương trình để bổ sung vào đề án đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài Trường Đại học George Mason, chúng tôi cũng dự kiến sẽ hợp tác với Trường Đại học Darmstadt của Đức để đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là những ngành thế mạnh của trường này. Tháng 11, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Trường Đại học Darmstadt.

* Đội ngũ giảng dạy các chương trình quốc tế sẽ là giảng viên Việt Nam hay giảng viên của các trường đại học nước ngoài, thưa Giáo sư?

- Đây là chương trình giảng dạy tại Việt Nam nhưng do Trường Đại học George Mason cấp bằng. Tham gia vào chương trình này, các sinh viên, giảng viên phải đạt những tiêu chuẩn do Trường Đại học George Mason qui định. Chẳng hạn, về trình độ ngoại ngữ, sinh viên phải đạt TOEFL thấp nhất là 550 điểm. Các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh; làm nghiên cứu cũng bằng tiếng Anh...

Khi bàn bạc với Trường Đại học George Mason, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể những môn học nào do giảng viên của Trường George Mason trực tiếp giảng dạy; những môn học nào do giảng viên Việt Nam giảng dạy. Với những môn học do giảng viên cơ hữu của trường giảng dạy, chúng tôi sẽ xem xét để có kế hoạch đưa người sang Trường Đại học George Mason học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn do Trường Đại học George Mason yêu cầu. Sắp tới, Trường Đại học Quốc tế tại Cần Thơ sẽ thu nhận rất nhiều cán bộ giảng dạy có năng lực, có trình độ để đưa sang đào tạo tại Trường Đại học George Mason.

* Thưa Giáo sư, ngoài những chương trình quốc tế, trường có triển khai những chương trình đào tạo bình thường? Nếu mọi việc suôn sẻ, bao giờ Trường Đại học Quốc tế tại Cần Thơ sẽ chính thức ra mắt?

- Dự kiến qui mô đào tạo ban đầu của Trường Đại học Quốc tế tại Cần Thơ là 500 sinh viên. Ngoài các chương trình quốc tế, trường cũng sẽ tuyển sinh, đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, theo chương trình bình thường. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, trường sẽ cố gắng triển khai chương trình đào tạo ngành công tác xã hội. Đây là ngành rất cần cho xã hội, nhất là trong một xã hội mà kinh tế ngày càng phát triển.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ đã qui hoạch đất để xây dựng trường. Chúng tôi đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định đề án. Khi có quyết định chính thức về việc thành lập trường, chúng tôi sẽ tuyển cán bộ giảng dạy để tiến hành các thủ tục đưa sang Hoa Kỳ đào tạo. Cùng lúc với việc đào tạo đội ngũ, chúng tôi sẽ chuẩn bị xây dựng cơ sở vật chất. Tổng vốn đầu tư xây dựng trường khoảng 30 triệu USD. Nếu mọi việc được tiến hành suôn sẻ, thuận lợi, cuối năm nay có quyết định thành lập trường, thì khóa đầu tiên sẽ khai giảng vào năm học 2010-2011.

* Để xây dựng và phát triển một trường đại học quốc tế tư thục ở Cần Thơ, Giáo sư có kiến nghị gì với lãnh đạo thành phố Cần Thơ, với Trung ương?

- Thành phố Cần Thơ đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong việc qui hoạch đất xây dựng trường. Bước tiếp theo, chúng tôi mong muốn thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ trường trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, có chủ trương cho vay ưu đãi để trường xây dựng được cơ sở vật chất sớm hơn.

Theo qui hoạch chung xây dựng đã được duyệt, vị trí qui hoạch các khu trường đại học và giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ của Trường Đại học Quốc tế có vị trí tại quận Bình Thủy. Diện tích đất qui hoạch là 25 ha.

Về phía Trung ương, trong thời gian chuẩn bị bổ sung hồ sơ, chúng tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện sớm chấp thuận cho dự án ra đời, để chúng tôi có thể chủ động cùng với phía đối tác xúc tiến chuẩn bị nội dung chương trình, đào tạo đội ngũ...

Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm cùng tham gia đầu tư vốn phát triển trường. Có thể nói Trường Đại học Quốc tế tại Cần Thơ là trường bán lợi nhuận. Trường được thành lập không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà nhằm tạo điều kiện để có được một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ĐBSCL. Về lâu dài, nếu Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế đối với những doanh nghiệp có đầu tư vào sự nghiệp giáo dục thì việc vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển trường sẽ thuận lợi hơn.

* Xin cảm ơn Giáo sư và chúc Trường Đại học Quốc tế sớm ra đời tại Cần Thơ!

SỸ HUIÊN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết