Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Anh Kim nặng nhọc đẩy từng vòng bánh xe lăn, cố gồng mình len lỏi qua khung cửa hẹp của dãy nhà trọ nhỏ. Vừa nghe thấy tiếng cọt kẹt từ những vòng xe của cha, bé An lập tức bỏ cây chổi còn cao hơn người của bé, chạy ra phía sau hì hục đẩy xe lăn. Anh công nhân cùng chung khu trọ đi ngang qua giúp hai cha con. Các chị trong khu trọ đang phơi đồ vừa thoáng thấy bóng anh thì rôm rả:
- Anh Kim hôm nay về sớm, bé An chắc là vui lắm đây.
- Dạ may mắn bán hết nhanh nên về sớm được bữa. Hôm nay bé An có làm phiền các chị nhiều không?
- Anh nhờ chúng tôi chăm sóc bé nhưng thực ra An còn làm tiếp chúng tôi việc lặt vặt. Cản mấy lần mà bé không nghe...
Tiếng cười xòa, lời nói thân tình khiến không khí khu nhà trọ ấm cúng. Mọi người từ tứ xứ lên phố thị phồn hoa này để mưu sinh, gắn bó với khu trọ ngót nghét cũng chục năm trời. Anh Kim tới đây sau cùng. Khi anh mới tới đây, ai cũng thấy thương cảm và không quên được hình ảnh người đàn ông ngồi trên xe lăn vì đôi chân không lành lặn sau vụ tai nạn giao thông, trên tay anh bế đứa bé còn đỏ hỏn đang khát thèm sữa mẹ. Không ai hỏi nhiều về mẹ của bé An nhưng nhìn gia cảnh của anh, ai cũng hiểu được sự tình. Bé An lớn dần lên trong vòng tay của anh Kim và những người trong khu trọ. Ai có sữa cho sữa, ai có đồ ăn cho đồ ăn, khi rảnh rỗi thì bé được chuyền tay nhau trông nom nuôi dưỡng để anh Kim có thời gian đi bán vé số mưu sinh. Anh luôn muốn đền đáp mọi người nhưng không ai nhận. Những người lao động ở đây quen đùm bọc nhau mà sống, khi người này thiếu, người kia chia sẻ.
Bé An có đôi mắt buồn. Khi những đứa trẻ khác nô đùa và nói những lời ríu rít ngây thơ, thì An rất ít nói. Mái tóc đen của bé được cắt cao gọn lỏn, thể hiện sự vụng về từ đôi tay một người đàn ông. Nhưng khi các dì các cô trong khu trọ nói muốn cắt tóc cho An, thì bé từ chối với lý do rất thích được cha cắt tóc cho vì những lúc như thế bé được ở bên cạnh cha thêm một chút.
Một ngày của An nếu không đi học thì sẽ giúp đỡ mọi người trong khu trọ quét dọn nhà cửa, phơi đồ, xếp đồ... rồi chờ cha về. An còn muốn giúp cha nấu cơm nhưng vì bé còn nhỏ quá nên anh Kim không cho. Buổi trưa anh đi bán vé số rồi tạt mua cơm hộp về cho bé. Còn chiều, dù anh về sớm hay muộn thì cũng đều cố gắng nấu bữa cơm cho bé An. Tiếng cười của bé An chỉ vang lên khi có bóng cha bên cạnh.
Tôi ở phòng trọ sát bên cạnh phòng của anh Kim và bé An. Nhi, con gái năm tuổi của tôi, hay sang chơi với An. Tuy lớn hơn con tôi không bao nhiêu nhưng An rất ra dáng chị. Sự trưởng thành và đượm buồn trong đôi mắt của An đôi lúc thực sự khiến tôi nhói lòng. Có một bận, Nhi quấy khóc với tôi và nói là bị An đánh trúng. Từ xa tôi đã thấy An đang lò dò đi lại, bé khoanh tay xin lỗi tôi và vỗ vỗ lên đầu Nhi:
- Chị xin lỗi, chị không cố ý mà. Là chị với tay lấy đồ nó rớt trúng em. Chị xin lỗi.
Tôi cũng không biết cảm giác của mình ra sao khi một đứa trẻ còn rất nhỏ ngay khi biết mình làm sai đã vội xin lỗi chứ không chờ bất kỳ người lớn nào phải nhắc.
***
Trung thu gần kề, trong khi những đứa bé khác trên phố bắt đầu xúng xính với lồng đèn, quà bánh, thì khi được hỏi muốn có gì nhất, bé An trả lời tôi:
- Con muốn Trung thu trúng ngày con nghỉ thì con phụ ba đi bán, rồi ba về sớm chơi Trung thu với con.
Trong mắt bé An, Trung thu vui nhất là được giúp đỡ cha trên đường mưu sinh nặng nhọc và hai cha con được có nhiều thời gian sum họp. Dù thế, tôi vẫn thấy ánh mắt háo hức của bé An khi bắt đầu thấy những đứa bé khác trong khu trọ được cha mẹ mua cho lồng đèn, cái thì ông sao, cái thì ánh trăng, cả những chiếc lồng đèn tròn in họa tiết cô tiên trên đó… Khu trọ nhỏ tổ chức một buổi vui Trung thu dành cho các bé. Khi chúng tôi quây quần bên chiếc bàn dài kéo giữa sân dưới ánh trăng tròn nom ấm áp, thì vẫn còn thiếu anh Kim. Có lẽ anh đang trên đường về vì hôm nay bán chậm, cũng có thể do hôm nay đông người đi chơi Trung thu nên anh bán đắt và tranh thủ thêm. An rất ngoan, không hỏi đòi cha. Bé nép mình trên chiếc ghế nhỏ. Bỗng đứa trẻ bên cạnh khóc vang. Đó cũng là một đứa trẻ đang đợi ba mẹ đi làm về. Bé An dỗ dành:
- Em đừng khóc nữa, chị cũng đang đợi cha chị về nè mà chị có khóc đâu. Em đừng khóc thì lát chị cho em phần bánh của chị.
Con nít được dỗ dành bởi bánh kẹo vội nín khóc ngay khi giọt nước còn đọng trên mi. Rồi tất cả cũng về đông đủ, ngay khi vừa thấy cha, An vội chạy ra, nước mắt không còn kìm được nữa. Anh Kim bế thốc bé An lên người. Lúc đó, chúng tôi ai cũng xúc động. Dường như bé An chỉ trưởng thành để an ủi những đứa bé hơn, chứ kỳ thực vẫn là đứa nhỏ nhớ cha nhưng cố kìm nén vì biết rằng phải ngoan để cha an tâm.
Anh Kim rút từ trong bọc nhỏ chiếc lồng đèn giấy xếp, khi bung ra thành lồng đèn trung thu tròn trĩnh màu sắc rực rỡ có hình cô tiên lấp lánh cho An. Dù luôn miệng nói con không thích lồng đèn đâu, cha không cần mua, nhưng khi nhìn thấy món quà của anh Kim, An hạnh phúc cười tít mắt. Mặc dù sau đó phần bánh của An đã được chia cho đứa bé khác và một lúc sau chiếc lồng đèn cũng đã được sang tay cho một đứa nhỏ khác không có quà Trung thu, nhưng bé An vẫn cười suốt buổi tối vì bên bé có tình thương của cha và mọi người. Tình thương như vầng trăng ấm áp bao bọc bé trưởng thành...