25/01/2015 - 10:41

Trung Quốc và thách thức từ những “đại công trình”

Sân bay to nhất thế giới, cầu lớn nhất, đường ống dẫn khí đốt dài nhất…cùng những dự án hoành tráng khác đang được đầu tư xây dựng trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, những "siêu dự án" này đồng thời đang tạo ra khó khăn cho chính các nhà quản lý Bắc Kinh.

Nhìn vào chiều dài lịch sử, có thể thấy tiêu chí sử dụng cơ sở hạ tầng hoành tráng nhằm phô trương năng lực kỹ thuật và sức mạnh kinh tế dường như đã là một truyền thống lâu đời của Trung Quốc. Vạn Lý Trường Thành, kênh đào Đại Vận Hà hay Đập Tam Hiệp là các dự án đồ sộ minh chứng cho điều này. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 11-2014 đã thông qua kế hoạch chi tiêu gần 115 tỉ USD cho 21 dự án cơ sở hạ tầng siêu lớn, bao gồm nhiều sân bay và tuyến đường cao tốc mới.

Trong số các dự án khổng lồ đang hoặc sắp được triển khai ở Trung Quốc phải kể đến công trình trị giá 80 tỉ USD nhằm đưa nước từ miền Nam lên vùng đất khô cằn ở miền Bắc dọc theo tuyến đường dài hơn 2.400 km, và dự án xây dựng đường hầm dưới biển dài 100km (gấp đôi đường hầm eo biển Manche nối Anh với Pháp) trị giá 36 tỉ USD.

Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới bắc qua vịnh Giao Châu của thành phố Thanh Đảo có vốn đầu tư 2,3 tỉ USD. Ảnh: Xinhua

Hiện ở trung tâm tài chính Thượng Hải, công nhân đang dần hoàn thiện Tháp Thượng Hải – tòa nhà cao nhất Trung Quốc (khoảng 632m) và cao thứ hai thế giới (chỉ sau tháp Burj Khalifa của Dubai) với vốn đầu tư 2,4 tỉ USD. Riêng ở phía Đông, thành phố còn đang xây dựng sân chơi lớn nhất thế giới - Thượng Hải Disney Resort dự kiến mở cửa vào năm 2016. Bao quanh công trình này là công viên Magic Kingdom diện tích 91ha với giá trị đầu tư hơn 5 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc còn ấp ủ một số tham vọng "không tưởng" khác như đường cao tốc quốc tế với chiều dài 13.000 km, xuyên qua đường hầm dưới Thái Bình Dương để nối Trung Quốc với Mỹ hay một tuyến thẳng đến Bắc Cực.

Theo nhà kinh tế Huang Yukon thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), lịch sử Trung Quốc trước nay vẫn tồn tại nhiều dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ bởi đây là "một phần trong máu, trong văn hóa và bản chất xã hội Trung Quốc". Và dù giới lãnh đạo Trung Quốc rất tự tin về giá trị cũng như sự cần thiết của những công trình quy mô hoành tráng mà các kỹ sư đang vạch ra trong nhiều thập kỷ tới, đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Theo New York Times, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế vào đầu tư chính phủ. Một số nhà kinh tế thậm chí còn lo ngại Trung Quốc cuối cùng có thể bị sa lầy trong các món nợ khổng lồ bởi không phải thành phố nào cũng như Thượng Hải, đủ điều kiện chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn như vậy.

Điển hình là công trình "bản sao" của thành phố New York (Mỹ) ở thành phố Thiên Tân. Được biết chính quyền nơi đây đã vay mượn rất nhiều để xây dựng mô hình Trung tâm Rockefeller - khu phức hợp văn phòng lớn nhất New York và Trung tâm trình diễn nghệ thuật Lincoln. Tuy nhiên, khu vực này lại đang trở thành "thị trấn ma" với hàng chục tòa tháp văn phòng và tòa nhà xa hoa đều trong tình trạng bỏ trống hay chỉ hoàn tất một nửa. Theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, nợ của các chính quyền địa phương đã lên tới 3.100 tỉ USD vào năm 2013, tức hơn 1/3 GDP của nước này. Giới phân tích cảnh báo, mức nợ cao như vậy có thể khiến tăng trưởng Trung Quốc chậm trong thời gian dài.

Một vấn đề khác nữa mà Bắc Kinh phải đối mặt là ảnh hưởng xấu đối với môi trường. Tại thành phố Lan Châu, chính quyền địa phương đã ủng hộ kế hoạch san bằng 700 ngọn núi thấp để nhường chỗ cho một khu kinh doanh mới, bất chấp hệ sinh thái địa phương có thể hủy hoại.

Theo một số nhà khoa học, các công trình xây dựng – đặc biệt là các con đập lớn đã tàn phá và dẫn đến tình trạng thiếu nước, ô nhiễm môi trường và thậm chí là tình trạng động đất thường xuyên ở khu vực Tây Nam Trung Quốc.

MAI QUYÊN
(Theo New York Times)

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết