07/01/2018 - 09:07

Trung Quốc phát triển hệ thống giám sát mới dưới biển 

Tân Hoa xã vừa đưa tin tàu lặn không người lái (UUV) của Trung Quốc đã thành công hoàn thành nhiệm vụ trên Ấn Độ Dương. Thông tin này được đưa ra không lâu sau các báo cáo tiết lộ Bắc Kinh đã phát triển một mạng lưới giám sát dưới nước nhằm tăng cường năng lực phát hiện và tấn công mục tiêu của tàu ngầm.

Theo nhà nghiên cứu và phát triển tàu lặn Yu Jiancheng tại Viện Tự động hóa Thẩm Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, UUV Haiyi được triển khai từ ngày 11-12-2017 đến ngày 2-1 với nhiệm vụ quan sát ảnh hưởng qua lại giữa biến đổi khí hậu toàn cầu và điều kiện biển. Có khả năng giám sát môi trường biển sâu trên khu vực rộng lớn, tàu Haiyi sau khi lặn xuống Ấn Độ Dương cuối năm ngoái đến nay đã thu thập 190 mẩu dữ liệu trong hành trình dài 705km.

Tàu lặn tự hành Haiyi của Trung Quốc. Ảnh: NDTV

Tân Hoa xã cho biết, việc tàu Haiyi hoàn thành nhiệm vụ quan sát khoa học trên Ấn Độ Dương đánh dấu lần đầu tiên loại thiết bị như vậy do chính Trung Quốc sản xuất được sử dụng tại khu vực này. Hồi tháng 10-2017, tàu Haiyi đã hoàn thành sứ mệnh 3 tháng trên Biển Đông khi đạt tới khoảng cách kỷ lục hơn 1.880km để thu thập dữ liệu. Theo giới học giả Trung Quốc, việc nghiên cứu trên các vùng biển như Biển Đông, Ấn Độ Dương cho thấy “sự cởi mở và minh bạch” của Trung Quốc vì mục đích khoa học thay vì quân sự.

Tuy nhiên, tin tức về UUV Haiyi được đưa ra sau báo cáo gần đây tiết lộ Trung Quốc đã phát triển mạng lưới giám sát dưới biển nhằm hỗ trợ hạm đội tàu ngầm nước này theo dõi mục tiêu tốt hơn. Dự án do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) dẫn đầu sẽ đồng thời bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh dọc theo “Con đường tơ lụa trên biển”, kéo dài từ Biển Đông, Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Theo những thông tin được công bố, mạng lưới giám sát của Trung Quốc hoạt động dựa trên các phao nổi, vệ tinh, tàu mặt nước và tàu lặn để thu thập thông tin về môi trường dưới nước, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn nước biển. Từ những dữ liệu này, hải quân có thể theo dõi, định vị và nhắm mục tiêu tàu thuyền của đối phương chính xác hơn. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Công, đây là một phần trong kế hoạch mở rộng quân sự chưa từng có và được thúc đẩy bởi tham vọng của Bắc Kinh trong việc thách thức Mỹ tại các vùng biển trên khắp thế giới.

Ngoài công nghệ hỗ trợ hoạt động trên biển, trang Diplomat trước đó trích nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ Trung Quốc năm ngoái còn bí mật tiến hành 2 cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới DF-17 gắn thiết bị bay siêu thanh (HGV). Một số thông tin còn cho biết thiết bị HGV có thể lắp trên nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đây là thách thức lớn đối với hệ thống phòng thủ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ khi nó cho phép Bắc Kinh thực hiện các đòn tấn công chiến lược chính xác nhằm vào mục tiêu quân sự của đối phương nếu xung đột xảy ra.

MAI QUYÊN (Theo Economic Times)

Chia sẻ bài viết