20/01/2021 - 08:29

Trợ lực, chia sẻ rủi ro cùng startup 

Từ khi phong trào khởi nghiệp được Chính phủ phát động, TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực định hướng, hỗ trợ startup nhằm từng bước hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của thành phố. Tuy nhiên, cộng đồng startup trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong hành trình khởi nghiệp: thiếu vốn; năng lực quản trị kém; chưa có sự tham gia của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần… Làm gì để khắc phục những cản ngại và đưa hoạt động khởi nghiệp của thành phố đi vào chiều sâu là vấn đề được thành phố đang hết sức quan tâm.

Startup quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do thành phố tổ chức.

Startup quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do thành phố tổ chức.

Còn nhiều khó khăn

Từ năm 2017 đến nay, các hoạt động truyền thông, đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo của TP Cần Thơ được tổ chức đồng bộ và đa dạng. Thành phố tổ chức 59 chương trình đào tạo, hội thảo, tọa đàm, mini talkshow với hơn 5.200 lượt tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp tham dự. Các sự kiện cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những kiến thức nền tảng về KNĐMST; tâm thế khởi nghiệp và góp phần kết nối các nguồn lực, thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST. Bên cạnh đó, Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo: www.canthostartup.vn, các phương tiện truyền thông xã hội (có kiểm soát) như fanpage, zalo,... đã tiếp cận đến khoảng 120.000 lượt cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành trong nước góp phần thúc đẩy và phát triển các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài thành phố. TP Cần Thơ hiện có 14 tổ chức khoa học công nghệ, vườn ươm hỗ trợ KNĐMST công lập và ngoài công lập. Các đơn vị đang hỗ trợ trên 100 dự án/ý tưởng khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo của cá nhân, doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, vận tải…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song theo bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, hệ sinh thái KNĐMST của thành phố còn thiếu sự tham gia của các thành phần then chốt: huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm…  Trên địa bàn thành phố, các hoạt động hỗ trợ KNĐMST được tổ chức khá thường xuyên nhưng hoạt động còn riêng lẻ ở từng ngành/lĩnh vực; thiếu đơn vị dẫn dắt nên một số hoạt động hỗ trợ vẫn còn thiếu sự liên kết. Cơ sở vật chất cho hoạt động KNĐMST của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa đồng bộ nên chưa phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ KNĐMST.

Theo Ths Nguyễn Phan Phương Tần, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hầu hết các vườn ươm, cơ sở ươm tạo tại Cần Thơ tập trung đầu tư cho các ý tưởng thuộc 3 lĩnh vực chính là nông sản, thủy sản và công nghiệp cơ khí. Điều này sẽ gặp một số bất lợi do đặc thù kinh tế vùng nông nghiệp có yếu tố rủi ro thời vụ cao; sản phẩm đầu ra chưa có nhiều hàm lượng công nghệ cao, đột phá, đổi mới. Về lâu dài, các sản phẩm có khả năng gặp sự cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng trong khu vực ĐBSCL, trong nước, đặc biệt là phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm hoặc ý tưởng khởi nghiệp không được phát triển một cách trọn vẹn mà dễ bị bỏ dở hoặc chưa có sự đầu tư xuyên suốt khiến cho sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, tỷ lệ thành công thấp và không hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm…

Trợ lực thiết thực, kịp thời

Tại hội thảo khoa học "Cơ chế đặc thù hỗ trợ KNĐMST địa phương: kinh nghiệm thế giới và bài học cho Cần Thơ" vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng có thế mạnh trong khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên bản địa. Tuy nhiên, startup không nên chỉ chú tâm vào các lĩnh vực truyền thống này mà nên mở rộng thêm về công nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, du lịch... Theo Ths Nguyễn Phan Phương Tần, thành phố có nhiều viện, trường nên hoạt động khởi nghiệp cần phải lấy gốc từ lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và khoa học mới. Bên cạnh đó, mô hình vườn ươm khởi nghiệp phải có sự liên kết xuyên suốt từ khi startup có ý tưởng đến khi hoàn thiện sản phẩm, đưa ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty CP Sản xuất Thương mại Abavina, chia sẻ: "Doanh nghiệp khởi nghiệp có quyết tâm, có ý tưởng mới mẻ nhưng dễ vấp ngã do thiếu kinh nghiệm và không đủ tiềm lực để hoàn thiện ý tưởng cũng như đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, ngành chức năng có thể đồng hành hỗ trợ trong nghiên cứu sản phẩm; nâng cao năng lực đội ngũ; kết nối cơ hội đầu tư". Về nguồn ngân sách hỗ trợ cho hoạt động lưu thông sản phẩm, một số ý kiến đề xuất Cần Thơ có thể học tập mô hình của Hà Nội và Đà Nẵng với mức hỗ trợ lần đầu có thể lên đến 100%. Nếu startup thất bại có thể giảm tỷ lệ hỗ trợ tùy dự án để Nhà nước chia sẻ rủi ro với startup. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm công nghệ cao, không chỉ trong phạm vi viện, trường đại học mà còn là ở các không gian khởi nghiệp và phòng thí nghiệm độc lập.

Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Trong năm 2021, các khóa huấn luyện, đào tạo về KNĐMST tiếp tục được thành phố tổ chức để giúp startup hình thành văn hóa, tâm thế khởi nghiệp. Bởi hành trình khởi nghiệp là hành trình gian khó, startup không chỉ có đam mê mà còn phải biết chấp nhận khi thất bại và vươn lên trong khó khăn…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết