08/12/2020 - 11:18

Trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự 

Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP Cần Thơ vừa ký kết quy chế phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự giữa Trung tâm TGPL và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ với nhiều nội dung quan trọng về phạm vi phối hợp, đối tượng áp dụng, nguyên tắc phối hợp… Việc ký kết này nhằm đảm bảo tốt nhất quyền được TGPL cho người được TGPL. 

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ ký kết quy chế phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ.

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ ký kết quy chế phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ.

Quy chế phối hợp này được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên theo quy định pháp luật; bảo đảm tính thống nhất và đạt chất lượng, hiệu quả trong quá trình phối hợp công tác, trao đổi thông tin và giải quyết công việc trên cơ sở tuân theo quy định của pháp luật và phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên. 

Hai bên phối hợp trong việc tiếp nhận và chuyển yêu cầu vụ việc TGPL trong quá trình thụ lý và giải quyết các vụ việc theo thủ tục tố tụng hình sự. Nếu bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án thuộc đối tượng được TGPL theo quy định thì giải thích cho họ quyền được TGPL miễn phí; hướng dẫn cho họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về các thủ tục yêu cầu TGPL; cung cấp mẫu đơn đề nghị TGPL và địa chỉ liên hệ của Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ. 

Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL có trách nhiệm cử, thay thế trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về TGPL; chịu trách nhiệm kiểm tra diện người được TGPL khi nhận được thông báo, thông tin của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thông tin lại cho Cơ quan tiến hành tố tụng biết. Trường hợp thuộc diện được TGPL, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Trung tâm cử người thực hiện TGPL cho người được TGPL. Trường hợp người được TGPL là người bị bắt, người bị tạm giữ, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo, Trung tâm cử người thực hiện TGPL cho người được TGPL. Trường hợp không thuộc diện được TGPL hoặc đối tượng không yêu cầu TGPL thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng được biết. Trung tâm TGPL phải cung cấp cho cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ của Công an thành phố và các quận huyện bảng thông tin, tờ thông tin về TGPL, hộp thư TGPL, các mẫu đơn yêu cầu TGPL, biên bản giải thích về quyền được TGPL miễn phí, thông báo về TGPL và sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự; danh sách, số điện thoại của TGPL, luật sư thực hiện TGPL… Phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ, thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về TGPL; thông tin đầy đủ các quy định pháp luật về TGPL trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung, thay thế cho cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giữ, nhà tạm giam; đề nghị hoặc thực hiện xử lý theo thẩm quyền khi trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL có hành vi vi phạm pháp luật. 

Trách nhiệm của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ là phải giải thích, thông báo, thông tin về TGPL. Cụ thể, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố phải giải thích cho người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, bị hại và các đương sự khác biết về quyền được TGPL và hướng dẫn cho họ tiếp cận các thông tin về TGPL thông qua việc đọc hoặc chuyển cho họ đọc bảng thông tin về TGPL. Việc giải thích phải được lập thành biên bản (theo mẫu quy định) để lưu tại hồ sơ vụ án. Khi người được TGPL có yêu cầu TGPL thì thông báo, thông tin bằng văn bản (theo mẫu quy định) cho Trung tâm để thực hiện thủ tục TGPL theo quy định. Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của bị can, bị cáo, bị hại là người thuộc diện được TGPL phải thông báo cho Trung tâm để thực hiện thủ tục TGPL. Trong trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được TGPL, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì có văn bản (theo mẫu quy định) đề nghị Trung tâm cử người thực hiện. Cơ quan Cảnh sát điều tra phải thực hiện việc giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL đã tham gia tố tụng: quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn; quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án, gia hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam; quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án… Thông báo thời gian, địa điểm lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, đương sự khác cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp tham gia. 

Quy chế phối hợp nhằm mục đích bảo đảm tốt nhất quyền được TGPL cho người được TGPL, giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia tố tụng hình sự, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Ngoài ra, quy chế góp phần tăng cường mối quan hệ về TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự giữa Trung tâm TGPL Nhà nước thành phố và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết