05/02/2014 - 19:51

Trò chuyện đầu năm với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear

Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David B. Shear, người có chuyến thăm và làm việc tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào tháng 11 và 12-2013, đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc phỏng vấn qua email xoay quanh mối quan hệ và triển vọng hợp tác kinh tế, giáo dục, y tế và biến đổi khí hậu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đặc biệt là thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

* Thưa Đại sứ, trong bài phát biểu của Ngài về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đại học Cần Thơ (ngày 21-11-2013 – PV), Ngài nhận định rằng TPP sẽ khuyến khích nông dân Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh. Hiện nay Hoa Kỳ có chương trình nào trợ giúp nông dân Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh?

- Đại sứ Mỹ David Shear: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) hiện quản lý nhiều chương trình học bổng hỗ trợ nông dân và chuyên gia nông nghiệp đến từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong 15 năm qua, những chương trình như thế đã tạo điều kiện cho hơn 200 nông dân và chuyên gia nông nghiệp đến từ Việt Nam được tập huấn tại các trường đại học Mỹ.

Cụ thể, chương trình học bổng Cochran hỗ trợ những khóa tập huấn dài 2 tuần cho hàng chục nông dân nuôi heo, gia súc và gia cầm Việt Nam, trang bị cho họ các kỹ năng tiên tiến nhất để cải thiện hiệu quả quản lý đàn gia súc, gia cầm và chuồng trại, nâng cao năng suất và cải thiện thu nhập.

Bên cạnh đó, USDA còn có chương trình Borlaug tài trợ học bổng kéo dài 2 đến 3 tháng tại Mỹ cho các chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam để họ đào sâu hơn nữa lĩnh vực chuyên môn của mình, như biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, canh tác cây ca-cao, sức khỏe động vật cùng nhiều lĩnh vực khác. Khi về Việt Nam, họ sẽ triển khai ứng dụng những kỹ năng và kinh nghiệm học tập ở Mỹ vào các trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam.

USDA còn trực tiếp chuyển giao kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp cho Việt Nam và các nước khác thông qua Chương trình "Nâng cao Năng lực cho Chiến lược Phát triển Giảm phát khí thải nhà kính" hợp tác với Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia Việt Nam để tập huấn các chuyên gia khuyến nông và nông dân những kỹ thuật nuôi trồng hướng tới hạn chế phát thải khí nhà kính nhưng vẫn thu lãi cao.

* Ở ĐBSCL, theo Đại sứ, lĩnh vực kinh tế nào thu hút sự quan tâm của Chính phủ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ? Sắp tới, những ngành nghề nào trong khu vực có khả năng thu hút mạnh vốn đầu tư của Hoa Kỳ?

- Đại sứ Shear: Các công ty Mỹ đã và đang đầu tư vào ngành công nghiệp nước giải khát và trang thiết bị, vật tư và kỹ thuật sản xuất cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện tại, các thương hiệu Mỹ tại Việt Nam đa phần tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, các thành phố như Cần Thơ sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Song song đó, nhiều công ty Mỹ hiện đã biết cách hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất nông nghiệp. Họ có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư thêm ở Việt Nam nếu người nuôi trồng ở địa phương mong muốn có thêm nhiều nguồn trợ giúp để gia tăng sản lượng. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ quan sát kỹ hiệu quả làm ăn của những công ty Hoa Kỳ đã và đang đầu tư ở ĐBSCL. Nếu các công ty nước ngoài hiện đang làm ăn ở Việt Nam nhận được sự đối xử bình đẳng về mặt luật pháp như với các công ty Việt Nam, ĐBSCL thậm chí sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Mỹ.

* Đến nay, tỉnh, thành nào ở ĐBSCL thu hút nhiều dự án đầu tư nhất của Hoa Kỳ? Theo Đại sứ, địa phương nào trong khu vực đứng đầu về năng lực cạnh tranh trong mắt các doanh nghiệp Mỹ?

- Đại sứ Shear: Theo tôi, khu vực ĐBSCL nên tự hào bởi theo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hầu như các tỉnh trong khu vực và thành phố Cần Thơ đều được xếp thứ hạng cao về năng lực cạnh tranh, cụ thể là An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh và Vĩnh Long.

PCI, được phát triển bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ (Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ - PV), được xem là một công cụ hữu ích hướng tới cải tiến chất lượng điều hành kinh tế. PCI nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng điều hành kinh tế trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và hỗ trợ phát triển kinh tế ở mỗi tỉnh, thành trong tổng số 63 tỉnh, thành của Việt Nam.

* Về y tế, Cần Thơ là một trong những địa phương tiếp nhận chương trình viện trợ với tên gọi "Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS". Thưa Ngài, đến nay chương trình đã đạt được những thành tựu nào kể từ khi được triển khai trên địa bàn thành phố?

- Đại sứ Shear: Cần Thơ là địa bàn trọng điểm của Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (PEPFAR). Thông qua PEPFAR, USAID và Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã viện trợ tài chính và kỹ thuật giúp Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS Cần Thơ triển khai các chương trình phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Cụ thể hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho các bệnh viện phụ sản nơi phụ nữ bị nhiễm HIV tiếp nhận liệu pháp điều trị kháng virus (ART) để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các bệnh viện nhi đồng, trung tâm y tế và các trung tâm tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện. Chương trình còn viện trợ tài chính và kỹ thuật phòng chống HIV cho các nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao. Năm 2013, chương trình PEPFAR ở Cần Thơ đã hỗ trợ xét nghiệm tầm soát HIV đối với hơn 10.000 phụ nữ mang thai và hỗ trợ liệu pháp ART cho gần 1.000 bệnh nhân.

PEPFAR cũng hỗ trợ Cần Thơ thực hiện các chương trình điều trị nghiện duy trì bằng methadone – như ở trung tâm cai nghiện ở quận Ninh Kiều mà tôi ghé thăm hồi tháng 11 vừa qua – để trợ giúp những người nghiện heroin đang trong quá trình hồi phục tránh tái nghiện, giảm nguy cơ truyền nhiễm HIV hoặc tăng hiệu quả điều trị HIV cho họ.

Chương trình gặt hái thành công một phần là nhờ lãnh đạo Cần Thơ đã triển khai một kế hoạch toàn diện, trong đó bao gồm việc nhận biết các nguồn tài trợ dành cho Việt Nam để thực hiện các chương trình phòng chống HIV/AIDS ở địa phương. Ban chỉ đạo phòng chống AIDS thành phố đã chuẩn bị công tác chuyển giao chương trình cho lãnh đạo các cấp cơ sở từ năm 2010, và đang ưu tiên nỗ lực sáp nhập các chương trình phòng chống HIV vào hệ thống y tế trên địa bàn. Năm nay, Cần Thơ cam kết thuê trụ sở triển khai thêm 10 trung tâm cai nghiện có hỗ trợ điều trị bằng methadone với nguồn tài trợ từ Chính phủ Việt Nam, và sẽ tiếp tục mở rộng các dịch vụ cai nghiện đến các xã, phường. Trong nỗ lực nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn viện trợ, lãnh đạo Cần Thơ đã và đang đóng góp đáng kể để duy trì các chương trình chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghiện và HIV/AIDS.

* Về lĩnh vực hợp tác giáo dục, đến nay các trường đại học Mỹ đã triển khai bao nhiêu dự án tại Cần Thơ và khu vực ĐBSCL? Những dự án đó, theo Đại sứ, đã và đang góp phần như thế nào vào sự phát triển của thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung?

- Đại sứ Shear: Ngoài Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (còn gọi là Viện Dragon, thuộc Đại học Cần Thơ – PV), nơi các cán bộ của viện đã hào phóng dành thời gian thảo luận với Ngoại trưởng John Kerry và tôi về các vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động đến vùng châu thổ trong các chuyến viếng thăm gần đây của chúng tôi, hiện có hàng chục chương trình trao đổi giáo dục đang được triển khai ở mọi cấp độ.

Đơn cử Đại học Cần Thơ hiện là đối tác chính trong Chương trình Liên kết Đào tạo Kỹ thuật cao (HEEAP), một dự án hợp tác giữa USAID, Đại học bang Arizona, và các nhà lãnh đạo công nghiệp trong khu vực tư nhân. Các đối tác HEEAP hướng tới cải tiến lĩnh vực đào tạo kỹ thuật điện và cơ khí ở Việt Nam và cho ra lò sinh viên tốt nghiệp trình độ tay nghề cao bằng cách chú trọng phát triển chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên theo tiêu chuẩn của Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ (ABET), vốn chú trọng đào tạo ứng dụng và sát hạch sinh viên nghiêm ngặt. (ABET là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thẩm định trên 3.100 chương trình đào tạo bậc đại học và cao đẳng thuộc các ngành: khoa học ứng dụng, máy tính, kỹ thuật và công nghệ kỹ thuật ở 24 quốc gia, trong đó có Mỹ - PV).

Ở cấp độ giao lưu nhân dân, chúng tôi rất vui mừng khi Đại học Cần Thơ tiếp nhận rất nhiều giảng viên và sinh viên Mỹ. Chẳng hạn, gần đây trường đón tiếp sinh viên Trung tâm Mansfield của Đại học Montana đến Việt Nam theo chương trình du học về biến đổi khí hậu được triển khai với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Những cơ hội cho công dân Mỹ và Việt Nam học tập và làm việc cùng nhau như thế chính là nền tảng cho nỗ lực của chúng ta trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc và thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam mà Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang tuyên bố hồi tháng 7 năm ngoái. Sự phát triển tiếp nối nhau của những chương trình đã được triển khai cùng những dự án hợp tác mới ký kết với các trường đại học Mỹ đã và đang mang lại những lợi ích sâu rộng và lâu dài cho người dân thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

* Trong chuyến làm việc hồi tháng 11 tại ĐBSCL, Ngài có nhắc lại cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo vệ khu vực ĐBSCL, một trong những khu vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng cao. Đại sứ có thể chia sẻ một số dự án hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà Hoa Kỳ đang hỗ trợ cho ĐBSCL?

- Đại sứ Shear: Trong chuyến thăm gần đây đến Việt Nam, Ngoại trưởng John Kerry công bố chương trình Rừng và Đồng bằng Việt Nam của USAID. Gói hỗ trợ trị giá 17 triệu USD, hiện đang triển khai tại 4 tỉnh, trong đó có tỉnh Long An ở ĐBSCL, sẽ giúp bảo vệ hệ sinh thái có giá trị lớn của ĐBSCL chống lại một số tác động của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu như tình trạng nước biển dâng cao. Những dự án khác bao gồm Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong và Cơ sở hạ tầng thông minh cho chương trình Mekong, nhằm hỗ trợ các nước như Việt Nam nguồn dữ liệu khoa học tiên tiến nhất hiện có để đưa ra những quyết sách về hạ tầng cơ sở.

* Thưa Đại sứ, ngoài Nhà máy điện gió Công Lý ở tỉnh Bạc Liêu, vốn được xem là thành công lớn của ngành xuất khẩu Hoa Kỳ về hợp tác sử dụng công nghệ năng lượng sạch tiên tiến nhất của tập đoàn General Electric (GE), sắp tới Hoa Kỳ sẽ có thêm những dự án năng lượng tái sinh nào khác ở ĐBSCL?

- Đại sứ Shear: Thỏa thuận hợp tác (trị giá 94 triệu USD – PV) giữa GE và công ty Công Lý ký tháng 12 vừa qua (nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry – PV) đã minh chứng rằng các công ty tư nhân Mỹ sẵn sàng trở thành đối tác góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của Việt Nam theo cách làm lợi cho cả hai nước, đồng thời góp phần bảo vệ hành tinh của chúng ta.

* Cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện này.

MAI NGỌC CHÂU (Thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết