16/12/2016 - 09:03

Triển vọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Tham dự sự kiện "Triển lãm-Hội thảo công nghệ vùng ĐBSCL" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ có gần 500 lượt đại biểu đến từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ với 30 gian hàng và trên 150 sản phẩm, thiết bị công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà sáng chế. Sự kiện có 4 hội thảo xoay quanh các chủ đề: xu hướng ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất nông nghiệp, gia nhập TPP - những cơ hội và thách thức đối với ngành khoa học và công nghệ (KH&CN).

* Nỗ lực kết nối cung-cầu

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN TP Cần Thơ chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện trên nhằm xúc tiến giới thiệu những sản phẩm, thiết bị, giải pháp công nghệ trong sản xuất và đời sống. Qua đó, tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ sản xuất vùng ĐBSCL và các tỉnh lân cận để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực tranh của sản phẩm trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo ông Trần Đông Phương An, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, một trong những yếu tố quan trọng để nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển và đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông nghiệp của cả nước là nhờ tích cực đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất. Trên tinh thần đó, ngành KH&CN thành phố tổ chức chuỗi sự kiện "Triển lãm-Hội thảo công nghệ vùng ĐBSCL".

Các tổ chức, cá nhân tham quan, tìm hiểu các sản phẩm, công nghệ tại Triển lãm - hội thảo công nghệ vùng ĐBSCL do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ tổ chức.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ, thông qua ký kết thỏa ước hợp tác giữa 13 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng ĐBSCL, Khối ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng ĐBSCL (gọi tắt là Khối) được thành lập vào năm 2014. Mục tiêu thành lập Khối là xúc tiến việc liên kết giữa các trung tâm hoạt động cùng lĩnh vực, xây dựng mối quan hệ hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị và tìm kiếm giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Hoạt động của Khối được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển giữa các thành viên.

Qua 2 năm hoạt động (nhiệm kỳ 2014-2016), Khối đã dần hoàn thiện quy chế, bước đầu có những hoạt động chung mang nét đặc trưng của ngành. Đến nay, Khối cũng kết nạp thêm 4 thành viên mới là Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang, Trung tâm ứng dụng và dịch vụ KH&CN - Cục Công tác phía Nam, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Dương và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại Hội nghị giao ban lần 2 năm 2016, các thành viên Khối đã tiến hành bầu Ban Điều hành Khối và Khối trưởng, nhiệm kỳ 2016-2018. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ tiếp tục được bầu làm Khối trưởng. Khối đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động liên kết, hợp tác và phát triển phù hợp tình hình mới, phát triển thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Góp phần đưa KH&CN thực sự trở thành "chìa khóa" cho phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những vấn đề cấp thiết chung của vùng, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

*Triển vọng ứng dụng vào thực tế

Vài năm trở lại đây, nhiều mô hình và quy trình kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Thạc sĩ Hoàng Đắc Hiệt, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Thời gian qua, Trung tâm đã nghiên cứu, xây dựng nhiều quy trình công nghệ mới, giúp canh tác cây trồng hiệu quả trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp giảm và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Trong đó, nhiều quy trình sản xuất đã được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, như: quy trình canh tác rau ăn lá, rau ăn quả trồng trên giá thể trong điều kiện nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt. Đến nay, Trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật này cho nhiều nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương, như: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai…".

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh và giữ vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới đã đóng góp tới 30% sản lượng của ngành sản xuất nông nghiệp nước ta.

Ông Phạm Chí Hiếu, Quản đốc Nhà máy chế biến lúa gạo Kênh 4, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: "Đến với sự kiện Triển lãm-Hội thảo công nghệ vùng ĐBSCL nhằm tìm kiếm các sản phẩm, công nghệ có thể giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong thu gom, đóng bao cho lúa gạo. Tôi rất vui vì đã tìm thấy chiếc máy xúc nông sản tự động do một cơ sở tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ sản xuất. Giá bán chiếc máy này không quá cao và rất phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất tại nhà máy của tôi". Ông Huỳnh Văn Bằng, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hoa kiểng Phó Thọ, (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: "Đến nay, tỷ lệ dùng cây giống cấy mô tại HTX đạt trên 80% và dự kiến còn tăng do cây cấy mô sạch bệnh và có khả năng phát triển, chống chịu tốt với các điều kiện canh tác bất lợi". Từ hơn 4 năm nay, các xã viên HTX đã sử dụng giống hoa kiểng được sản xuất bằng công nghệ cấy mô để đưa vào sản xuất và hiệu quả được nâng cao thấy rõ so với sử dụng cây giống gieo hạt truyền thống. Cũng theo ông Bằng, thời tiết ngày càng cực đoan, mưa nắng thất thường đã gây nhiều bất lợi cho sản xuất hoa kiểng. Do vậy, HTX đang triển khai mô hình thí điểm về xây dựng nhà lưới và ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt và phun sương cho hoa kiểng. Tham dự "Triển lãm - Hội thảo công nghệ vùng ĐBSCL", ông Bằng muốn tiếp cận thêm các công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh hoa kiểng, nhất là tìm nguồn cây giống cấy mô và các công nghệ giúp giảm giá thành sản xuất.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều thiết bị, công nghệ mới phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Trong đó, có nhiều thiết bị, công nghệ phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ khâu xử lý đất, nước đến chăm sóc, tưới nước, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng đến xử lý, bảo quản sản phẩm nhằm có chuỗi sản xuất sạch đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trung tâm hiện có các hệ thống và thiết bị rửa đất và cung cấp nước tưới, dưỡng chất cho cây trồng; các sản phẩm và công nghệ sản xuất cây giống cấy mô; máy diệt vi sinh trên bề mặt rau quả… Theo ông Hồ Quốc Hùng, Phó Phòng Cơ khí tự động hóa-Vật liệu mới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ, đơn vị luôn không ngừng nghiên cứu cho ra đời cũng như nâng cấp, cải tạo các thiết bị công nghệ đã có để tối ưu hiệu quả sử dụng.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết