29/11/2008 - 21:30

Triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (kỳ 18)

(Tiếp theo kỳ trước)

Câu hỏi 85: Anh Y công tác tại công ty A. Trong năm 2009 anh được nhận giải thưởng trong cuộc thi quốc gia “Tài năng trẻ” trị giá 50 triệu đồng và anh trích một phần giải thưởng 5 triệu đồng đóng góp cho “Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam”. Hàng tháng tại Công ty A anh được thanh toán khoản tiền lương làm thêm giờ là 3 triệu đồng/tháng ngoài khoản lương chính 7 triệu đồng/tháng.

Cũng trong năm đó anh Y bán ngôi nhà duy nhất đang ở của mình (trước đây cha mẹ cho) với giá 900 triệu đồng để mua một ngôi nhà mới. Anh không biết các khoản thu nhập của mình phải chịu thuế TNCN như thế nào?

Trả lời:

Các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN của anh Y là: Thu nhập từ giải thưởng “Tài năng trẻ” (Tiết e, Khoản 2 Điều 3) thu nhập từ phần tiền lương làm thêm giờ cao hơn so với tiền lương làm việc trong giờ theo quy định của pháp luật (khoản 9 Điều 4). Đối với thu nhập từ bán ngôi nhà đang ở, anh Y cũng không phải nộp thuế TNCN vì ngôi nhà đó là nhà ở duy nhất. (Khoản 2 Điều 4).

Thu nhập từ tiền lương chính anh Y được chiết trừ gia cảnh (trừ cho bản thân anh 4 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/ tháng (nếu có) trước khi tính thuế TNCN.

Câu hỏi 86: Bà H hàng tháng bà nhận được lương hưu là 1.600.000 đồng, bà có tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng hưởng lãi hàng tháng 3.000.000 đồng. Tháng 5-2009, bà H chơi xổ số và trúng thưởng trị giá 100. 000.000 đồng. Bà H có phải nộp thuế TNCN năm 2009 hay không?

Trả lời:

Các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN của bà H là:

- Lương hưu hàng tháng được miễn thuế TNCN (Khoản 10 Điều 4)

- Tiền lãi tiết kiệm bà gửi ngân hàng hàng tháng được miễn thuế TNCN (Khoản 7 Điều 4)

Thu nhập của bà H trong năm 2009 tính thuế như sau:

- Thu nhập từ trúng thưởng xổ số chịu thuế suất 10% đối với phần giá trị vượt trên 10 triệu đồng. Do đó số thuế TNCN bà phải nộp trong năm 2009 là:

(100. 000.000 đồng - 10.000.000 đồng) x 10%= 9.000.000 đồng

Câu hỏi 87: Ông K là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc cho tập đoàn P. Năm 2009 ông có mặt tại Việt Nam dưới 180 ngày và cũng không có nhà thuê để ở tại Việt Nam. Thời gian ở tại Việt Nam, ông tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam và nhận được tiền lãi từ việc mua bán chứng khoán là 1 tỉ đồng.

Hàng tháng ngoài mức lương chính được hưởng ông còn nhận thêm trợ cấp công việc có tính chất độc hại. Vậy các khoản thu nhập nào của ông phải chịu thuế TNCN?

Trả lời:

Ông K thuộc đối tượng không cư trú tại Việt Nam.

Thu nhập chịu thuế trong năm của ông được xác định như sau:

- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán: Chịu thuế TNCN với mức thuế suất 0,1% trên tổng số tiền mà ông nhận được tại Việt Nam (Điều 3 và Điều 28).

- Thu nhập từ tiền lương hàng tháng: Chịu thuế TNCN với mức thuế suất 20% tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công ông nhận được cho công việc thực hiện tại Việt Nam (Điều 3 và Điều 26).

- Thu nhập từ tiền phụ cấp công việc có tính chất độc hại không phải chịu thuế TNCN (Tiết c Khoản 2 Điều 3).

Câu hỏi 88: Chị V là bác sĩ. Hàng tháng chị nhận lương 3 triệu đồng và phụ cấp ngành nghề 350.000 đồng. Chị mở phòng khám chữa bệnh tư (được cấp phép kinh doanh) với doanh thu trong năm 2009 là 900 triệu đồng. Chi phí thuê lao động, mua sắm công cụ dụng cụ, thuốc, điện nước và các chi phí khác trong năm là 720 triệu đồng.

Tháng 8 chị sinh con đầu lòng và nhận được một tháng lương trợ cấp sinh con 12 triệu đồng với thời gian nghỉ là 04 tháng. Vậy năm 2009 chị phải nộp thuế TNCN như thế nào?

Trả lời:

- Thu nhập không chịu thuế của chị V năm 2009 bao gồm: Trợ cấp sinh con, phụ cấp ngành nghề (Tiết b, khoản 2, Điều 3).

- Thu nhập chịu thuế bao gồm: Tiền lương và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Hai khoản thu nhập này được giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế TNCN. Mức giảm trừ theo quy định tại Điều 19 Luật thuế TNCN.

(Còn tiếp)

Nguồn: “Luật Thuế thu nhập cá nhân và giải đáp các tình huống” - Bộ Tài chính


Chia sẻ bài viết