18/03/2024 - 09:24

Triển khai thi hành Luật Ðất đai năm 2024 đồng bộ, hiệu quả 

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 18-1-2024, với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang khẩn trương xây dựng các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện, sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống...

Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng góp phần tạo nguồn lực phát triển đất nước. Trong ảnh: Một góc Khu tái định cư An Bình, TP Cần Thơ.

Nhiều điểm mới

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 bao gồm 16 chương, 260 điều, tăng 2 chương so với Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất và tách riêng 1 chương về thu hồi, trưng dụng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Luật sửa đổi 180 điều, bổ sung 78 điều, bãi bỏ 30 điều. Luật Đất đai nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Luật có nhiều điểm mới quan trọng, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và thị trường bất động sản, nhà đất Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết: Luật Đất đai đã trải qua 9 lần sửa đổi, thể hiện tầm quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Luật Đất đai năm 2024 có rất nhiều thay đổi mới, đột phá so với Luật Đất đai năm 2013. Đáng chú ý, Luật Đất đai năm 2024 đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Luật cũng bổ sung quyền lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; quy định cụ thể điều kiện thực hiện quyền của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm. Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng. Luật đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường: được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.

Bên cạnh đó, Luật bỏ khung giá đất, thay thế bằng bảng giá đất hằng năm, thực hiện từ ngày 1-1-2026. Cơ chế quy định mới về thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo được hài hòa lợi ích của 3 chủ thể có liên quan là người sử dụng đất bị thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước. Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất ở địa phương. Luật còn có nhiều quy định mới mang tính chất hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; bổ sung, quy định về vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận sử dụng đất…

Đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả

Mới đây, Bộ TN&MT đã tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Theo đánh giá của các địa phương, Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai năm 2013. Khi Luật được đưa vào triển khai thực hiện sẽ phát huy hiệu quả, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật một cách chi tiết, cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện để các địa phương thực hiện, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả. Đồng thời tổ chức các đoàn công tác, tập huấn về những nội dung mới của Luật…

Hiện nay, các tỉnh, thành phố tập trung nghiên cứu, xây dựng lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn. Tại TP Cần Thơ, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: Sở TN&MT tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức quán triệt Luật Đất đai năm 2024; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các quy định của Luật. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của thành phố. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật về đất đai...

Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Để triển khai thi hành Luật, ngày 5-3-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai. Trong đó giao trách nhiệm cho Bộ TN&MT, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai. Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN&MT, cho biết: Theo Quyết định 222/QĐ-TTg, Bộ TN&MT được giao xây dựng trình Chính phủ 6 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương xây dựng các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, cần tập trung vào việc chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền như xây dựng bảng giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc. Các địa phương, MTTQ, các đoàn thể, các hội đẩy mạnh tuyên truyền những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 để Luật đi vào cuộc sống…

Bài, ảnh: L. MẪN

 

Chia sẻ bài viết