06/11/2023 - 14:34

Triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới 

Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 được triển khai từ năm học 2020-2021. Đến nay, toàn ngành giáo dục đã triển khai thực hiện chương trình đến lớp 4 cấp tiểu học, lớp 8 cấp THCS và lớp 11 cấp THPT. Tại TP Cần Thơ, qua hơn 3 năm nỗ lực từng bước vượt qua khó khăn, việc thực hiện CTGDPT mới mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động dạy và học.

Cô trò Trường Tiểu học Bình Thủy 2 trong ngày khai giảng năm học 2023-2024.

Cô trò Trường Tiểu học Bình Thủy 2 trong ngày khai giảng năm học 2023-2024.

Vượt qua khó khăn và bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây toàn ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện CTGDPT 2018 đạt kết quả tích cực.

Theo cô Lê Ngọc Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy 2, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền đã cùng ngành giáo dục đầu tư kinh phí xây dựng mới cơ sở vật chất, phòng lớp học; mua sắm trang thiết bị cho trường theo hướng chuẩn hóa. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện hiệu quả CTGDPT mới.

Năm học vừa qua, tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 6 học sinh đạt giải cấp quốc gia, 18 học sinh đạt giải tại các hội thi cấp thành phố; 8 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố…  

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; từ đó đã tạo những chuyển biến rõ nét trong hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn quận. Cơ sở vật chất cho giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư, tạo môi trường, điều kiện học tập thuận lợi cho việc dạy và học của thầy và trò.

Sự chủ động triển khai kế hoạch của ngành GD&ĐT quận trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức về những đổi mới của ngành, đây là tiền đề vững chắc cho việc triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT mới.

Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cho biết đa số đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở các trường nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. 100% cán bộ quản lý đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên nên vững công tác quản lý… 

Bên cạnh đó, những kết quả đạt được từ việc thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới” của thành phố giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn quận Bình Thủy đã có sức lan tỏa lớn trong ngành Giáo dục thành phố và toàn quốc. Học sinh của quận đã đạt 29 giải quốc tế về Robothon, Wecode (Trường Tiểu học Bình Thủy có 27 giải; Tiểu học An Thới 2 đạt 1 giải; THCS An Thới 1 giải), thành công từ mô hình “Trường điển hình đổi mới” là bước chuẩn bị quan trọng cho việc thực hiện lộ trình CTGDPT 2018. Từ đó đã tạo được niềm tin của nhân dân với ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị.

Tại huyện Thới Lai, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện CTGDPT 2018, các trường học đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phù hợp và đạt hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, hoạt động của huyện được sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn từ ngành Giáo dục thành phố và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp của lãnh đạo địa phương. Nhờ đó, mạng lưới trường lớp của huyện ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và giải quyết bài toán cơ sở vật chất, trang thiết bị theo định hướng phát triển toàn diện.

Huyện Thới Lai có 37/43 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 86%. Cơ sở vật chất các trường đáp ứng được yêu cầu theo lộ trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cân đối bổ sung kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện CTGDPT 2018 (trung bình hằng năm dao động 10-15 tỉ đồng).

“Ngành cũng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, ban đại diện cha mẹ học sinh... đẩy mạnh công tác truyền thông về việc đổi mới chương trình, chọn lựa sách giáo khoa, tổ chức dạy và học... qua đó, tạo sự đồng thuận từ phụ huynh và xã hội khi triển khai CTGDPT mới”, ông Nguyễn Văn Chi nói.   

Ghi nhận thực tế tại tất cả 9 quận huyện của TP Cần Thơ đều đầu tư nguồn lực thực hiện đổi mới chương trình, SGK và mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như quận Thốt Nốt, bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới CTGDPT, quận đầu tư kinh phí nhiều tỉ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ thay SGK; 100% học sinh toàn cấp tiểu học của quận được học 2 buổi/ngày. Huyện Phong Điền có cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng yêu cầu cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày…

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố, các cơ sở GDPT trên địa bàn đều có bước chuẩn bị tốt về các điều kiện triển khai CTGDPT 2018; chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở GDPT và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Đội ngũ giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ở cấp tiểu học, 100% học sinh lớp 1, lớp 2 hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Cấp THCS, học sinh lớp 6 có kết quả học tập từ đạt trở lên chiếm 94,98%; kết quả rèn luyện từ đạt trở lên chiếm 99,97%. Cấp THPT, tỷ lệ giáo viên trực tiếp giảng dạy đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 đạt 99,06%; đây là điều kiện để thành phố thực hiện hiệu quả CTGDPT mới.

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình, SGK GDPT mới, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đạt được hiệu quả tích cực, nhưng địa phương vẫn còn một số khó khăn về trường lớp, đội ngũ giáo viên. Như quận Bình Thủy, sĩ số học sinh ở các trường trung tâm của quận cao, ảnh hưởng đến hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, việc kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường xây dựng đã lâu nên xuống cấp, sân nền thấp bị ngập nước vào triều cường, mùa lũ...

Tương tự, huyện Phong Điền, huyện Thới Lai cũng gặp khó khăn vì một số phòng học được xây dựng lâu năm, xuống cấp. Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương đều gặp khó khăn do thừa, thiếu giáo viên; trong đó thiếu giáo viên dạy các môn học của CTGDPT mới. Tính đến cuối tháng 8-2023, toàn ngành Giáo dục thành phố thiếu 680 giáo viên các cấp học. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành, cần sự quan tâm vào cuộc của lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành hữu quan để triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT 2018 mới hiệu quả.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết