21/09/2019 - 07:01

Trị chứng nhõng nhẽo của con

Nhõng nhẽo là phản xạ tự nhiên của những bé con chưa đủ khả năng diễn đạt ý muốn hay sự không hài lòng, khó chịu về vấn đề gì đó với người lớn. Tuy nhiên, với sự nuông chiều của người lớn, dần dà, nhõng nhẽo sẽ trở thành món “vũ khí” lợi hại được các bé sử dụng để uy hiếp và buộc người lớn phải làm theo ý muốn của mình. Đây là vấn đề khiến không ít phụ huynh đau đầu nghĩ cách khắc phục.

Mấy ngày nay, con trai chị Khánh Đoan vẫn khóc nhè vào mỗi sáng khi mẹ đưa đến lớp. Khi xe vừa tới cổng trường học, bé liên tục la hét, giãy nảy dữ dội, khiến chị Khánh Đoan không thể nào bế con vào lớp được nếu không có sự giúp sức của cô giáo và bác bảo vệ. Cuộc chiến đấu với thái độ chống đối và nhõng nhẽo này của con trai đã diễn ra cả tháng nay, ông bà và kể cả cha của bé đều đã đầu hàng, chỉ riêng chị Khánh Đoan vẫn quyết tâm điều chỉnh để đưa con đến lớp cho bằng được. Tuy nhiên, chị cũng lo lắng và xót xa vì không biết đến khi nào thì chứng nhõng nhẽo này của con sẽ được khắc phục. Mỗi chiều đón con về, chị chỉ mong con sẽ có biểu hiện yêu thích trường lớp và mỗi sáng thức dậy, con không còn nhõng nhẽo nữa.

Nghĩ lại nguyên nhân nhõng nhẽo của con, chị Khánh Đoan cho rằng, một phần không nhỏ từ sự cưng chiều của cả nhà dành cho bé. Chị mới có con trai đầu lòng và đây cũng là đứa cháu đầu tiên của cả ông bà nội và ông bà ngoại. Xung quanh cu cậu lúc nào cũng tràn ngập lời yêu thương, cưng chiều. Bé được cả nhà chăm sóc rất kỹ, tùy theo giai đoạn phát triển, trong nhà có rất nhiều món đồ chơi mới được đem về. Ông bà cho rằng nên hạn chế đưa bé đi chơi ở bên ngoài, vì các khu trò chơi thường rất đông trẻ em, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Vậy là, thế giới vui chơi của bé thường chỉ quanh quẩn trong nhà và khoảng công viên ở khu dân cư. Vì lẽ đó, không khó hiểu khi bé phản ứng dữ dội, nhõng nhẽo hết mức khi được mẹ đưa đến trường. Để trị chứng nhõng nhẽo của con, chị Khánh Đoan bàn với gia đình, bắt đầu thay đổi phương pháp chăm sóc và giáo dục con.

Cô con gái gần 2 tuổi của chị Trúc Phương cũng bắt đầu biết ăn vạ khi không được mẹ chiều ý. Có hôm bé nằm lăn ra sân, khóc la, giãy giụa vì không được mẹ mua cho món đồ chơi bé muốn. Lúc đầu, chị còn dỗ dành nhưng về sau, chị quyết tâm “ngó lơ”. Chị nhẹ nhàng nói cho con biết: “Con cứ nằm đó chơi, mẹ đi làm việc của mẹ!” và chị đi làm việc thật. Tuy nhiên, từ vị trí của mình chị vẫn luôn quan sát hành động của bé. Vài lần như thế, con gái chị không còn ăn vạ nữa vì “ngộ” được rằng, ăn vạ không có tác dụng với mẹ. Chị Trúc Phương cho biết: “Trẻ từ 20 tháng đã đủ khả năng nhận biết sự yêu thương, chiều chuộng của người lớn. Nếu không cứng rắn, rèn cho con có nề nếp, biết điểm dừng, thì con sẽ càng ăn vạ, nhõng nhẽo nhiều hơn. Lúc đầu con ăn vạ ở nhà, về sau con có thể sẽ ăn vạ ở ngoài đường”.

  Tuy nhiên, với chị Mỹ Xuyên thì lại khác. Con gái của chị nay đã 6 tuổi rưỡi, học lớp 1 nhưng sáng nào cũng nhõng nhẽo, bắt mẹ phải làm cho từng việc một. Từ lấy cặp da, quần áo đồng phục đến thay đồ cho bé. Nếu không bé sẽ rề rà, vừa làm vừa khóc và còn cằn nhằn mẹ không dứt. Nguyên nhân là do chị Mỹ Xuyên vừa mới sinh bé thứ 2 chưa lâu và luôn bận chăm sóc cho đứa con nhỏ, khiến bé lớn “cà nanh”, sinh tật nhõng nhẽo. Một mặt, chị Mỹ Xuyên tranh thủ chia sẻ thời gian, chăm sóc bé lớn nhiều hơn để bé bớt tủi thân. Mặt khác, những lúc con vui, chị cũng trò chuyện, khuyên dạy con gái nhiều hơn để con hiểu, không còn phân bì với em nhỏ.

Trong việc điều chỉnh tật nhõng nhẽo của con, đa phần các bà mẹ thống nhất rằng, điều quan trọng nhất là phải kiên trì và thật kềm chế, không đánh mắng, làm tổn thương con. Và cho dù dùng biện pháp gì để dạy con thì cũng phải đảm bảo con luôn được an toàn trong lúc con đang ăn vạ, nhõng nhẽo.

Tâm An

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nhõng nhẽo