14/03/2019 - 07:28

Trắng đêm “săn” cá bông lau 

Giữa màn đêm tĩnh mịt, anh Nguyễn Văn Bảy cùng vợ là chị Đặng Thị Kim Phương đều tay kéo miệng lưới trĩu nặng vì sũng nước. Ở phía xa, bạn thả lưới cũng vào giai đoạn thu lưới về. Động tác chậm dần đều như cố để chờ một vệt xám trắng theo lưới trồi lên mặt nước...

Theo chân “thợ săn”

Một ngày như mọi ngày, chuẩn bị lưới xong thì trời chạng vạng, chiếc ghe máy đưa anh Bảy nhanh đến nơi xếp tài để chờ con nước. Con nước cuối tháng làm cho dòng sông Hậu càng thêm mênh mông. Hôm nay, tài nhất là cơ hội để anh chọn nơi tốt nhất thả lưới. Cùng xếp tài với anh còn có những “thợ săn” cá bông lau nổi tiếng cùng xóm như ông Đặng Văn Hên, anh Huỳnh Văn Hữu. Tại chỗ xếp tài, người thì tranh thủ vá lại đoạn lưới rách, người kiểm tra hệ thống đèn. Con nước bắt đầu nhửng ròng- cũng là thời điểm thả lưới. Anh Bảy vững tay chèo điều khiển chiếc ghe từ từ tiến ra giữa dòng sông, còn chị Phương tay thoăn thoắt thả lưới, cứ thế sau khoảng 30 phút, tấm lưới dài 420m đã buông dạo sâu đến tận đáy sông. Vài phút sau, ông Hên, anh Hữu cũng bắt đầu thả lưới. Lúc này mặt sông tối đen, phía xa chỉ leo lét ánh đèn của những nhà dân sống ven sông. Giờ chỉ còn thấy những chiếc đèn xanh, đỏ nổi phía trên miệng lưới làm đèn hiệu. Thỉnh thoảng, một vài chiếc tàu hàng chạy ngang, chiếc ghe nhỏ giữa sông càng thêm chòng chành như tâm trạng hồi hộp của những người giăng lưới.

Ông Hên rất vui vì mẻ cá đầu hôm đã dính cá khủng. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Ông Hên rất vui vì mẻ cá đầu hôm đã dính cá khủng. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Những “thợ săn” cứ ngồi trên ghe, đợi gần một giờ sau mới bắt đầu kéo lưới. Anh Bảy là người kéo lưới đầu tiên, sau đó ông Hên, anh Hữu cũng lần lượt kéo lưới. Hơn 30 phút, đoạn lưới cuối cùng kéo xong, mệt lả mà không có cá, lòng nặng trĩu buồn, anh Bảy nói: “Nghề này là thế, đâu phải mẻ lưới nào cũng có cá. Con nước này không có thì đợi con nước vài giờ nữa”.

Nỗi buồn của người này đôi khi lại là niềm vui của người khác. Xa phía hạ nguồn, ghe của ông Hên, anh Hữu đèn sáng trưng. 2 con cá bông lau “khủng” mắc lưới. Gỡ cá bỏ lên ghe, tay thoăn thoắt kéo những đoạn lưới cuối cùng, ông Hên nói: “Vậy là có sống. Bây giờ cá ít nên không cần nhiều, chỉ cần mỗi lần bủa lưới kiếm được một con như vầy là sống khỏe”. Ông Hên dính con cá bông lau nặng gần 5kg, anh Hữu dính cá gần 8kg. Như vậy là quá đủ cho một mẻ lưới kéo dài khoảng 4 giờ giữa đêm tối. Anh Hữu vui nhất bởi chỉ với mẻ lưới đầu hôm, anh đã thu được gần 2 triệu đồng. Còn vợ chồng anh Bảy, sau chuyến ra khơi từ đầu hôm, giờ phải về tay trắng nhưng với những cư dân Xóm Câu, cả đời gắn với nghiệp lưới cá bông lau, đâu dễ bỏ cuộc. Vợ chồng anh Bảy chuẩn bị làm lại từ đầu với con nước sau, lúc trời bắt đầu chuyển sang ngày mới.

Màn đêm thêm tĩnh mịt, chiếc ghe lưới của anh Bảy tiếp tục neo chờ tài và con nước. Mẻ lưới đầu không có cá, lần này lại tài nhất, vợ chồng anh rất quyết tâm. Hai vợ chồng cứ trằn trọc chờ con nước nhửng lớn. Anh Bảy nhớ lại hơn 18 năm trước, khi về làm rể nhà bà Đoàn Thị Pha (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) anh có nghề thợ mộc, thợ hồ giúp gia đình kiếm cơm qua ngày. Hai đứa con lần lượt chào đời thì chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” thêm nặng gánh. Thấy cha vợ có nghề giăng lưới cá bông lau nên anh tập tành làm theo rồi “dính” luôn cho đến nay. Giờ đây, cái nghề chính của anh bỗng thành nghề tay trái, còn nghề tay trái lại nuôi sống gia đình với 2 đứa con, một học lớp 6 và một học lớp 8.

“Nghề này nó vậy, nằm trên ghe chứ đâu ai ngủ được vì phải canh con nước, nếu trễ vài phút coi như qua “thời gian vàng”. Cá không dính, buồn không chợp mắt được; dính cá, vui quá cũng thức trắng đêm luôn!”- anh Bảy tâm sự. Chiếc ghe chòng chành, vợ chồng anh Bảy chỉ kịp ngả lưng tí xíu lại đến giờ thả lưới. Tay lưới cứ thế thả xuống dòng sông, mang theo bao nhiêu là hy vọng. Và lần này, vợ chồng anh đã được đền đáp. Khi tay lưới vừa thả xong thì đầu kia bỗng sáng nước. Một con cá bông lau đâm viền lưới trên đang cố vùng vẫy thoát thân. Chị Phương mừng rỡ: “Vậy là không uổng công một đêm thức trắng. Con cá này  hơn triệu bạc”. Anh Bảy tiếp lời: “Dính lưới phía trên mình bắt khi cá còn sống sẽ để lâu hơn. Còn đâm lưới phía dưới đến lúc mình kéo lên, hầu hết cá đều chết. Tuy nhiên có điều lạ là cá chết nhưng cứ để thế, đừng động chạm nhiều thì chúng vẫn tươi lâu, không bị ươn”.

Qua rồi thời cá bán không hết

Ở miền Tây, nghề săn cá bông lau nổi tiếng ở Vàm Nao (An Giang) nhưng ít ai biết được trên sông Hậu đoạn cù lao Tân Lộc cũng có Xóm Câu nổi tiếng với cái nghề “bà cậu” này. Bà Đoàn Thị Pha kể, hàng chục năm trước, cùng sống ven sông Hậu nhưng nhiều người ở An Giang bắt cá bông lau nên cư dân trong xóm của bà đi học để về bắt cá. Rồi cứ thế, ngư dân tại xứ cù lao Tân Lộc dần thành thạo từ thả câu cho đến giăng lưới và xem đây là nghề chính của gia đình. Đất đai ít, bà Pha cùng chồng hàng chục năm trời lênh đênh theo con nước, cứ thế nuôi các con khôn lớn. Những người con của bà như chị Phương, anh Tân khi còn rất nhỏ đã theo cha mẹ rong ruổi trên sông. Tuổi thơ lớn lên với ghe làm nhà và lưới làm bạn nên cha mất, bà Pha lớn tuổi, anh Tân, chị Phương và chồng lại nối nghiệp cha.

Theo bà Pha, khúc sông Hậu đoạn qua cù lao Tân Lộc trước đây cá bông lau nhiều không thua trên Vàm Nao. Nhờ đó, nhiều gia đình làm nghề săn cá bông lau có cuộc sống khá sung túc. “Nói đâu xa, chỉ hơn 20 năm trước thôi, cá nhiều lắm. Có hôm vợ chồng tôi bắt được hàng chục con cá bông lau, đội đi bán không xuể. Nhưng bây giờ giảm nhiều rồi, bắt được con cỡ 5 - 7kg là mừng lắm”- bà Pha tiếc nuối kể.

Giờ đây, với người giăng lưới ở Xóm Câu, dính cá đã vui chứ không mong dính hàng chục con mỗi mẻ lưới như nhiều năm trước. Cá vơi dần, người theo nghề cũng giảm, số thì tìm thêm nghề khác sinh nhai, số bỏ hẳn nghề kiếm việc khác làm để có cuộc sống ổn định. Anh Bảy nói: “Trước đây, chỉ xóm nhỏ này có gần 20 hộ với hơn 20 ghe làm nghề lưới cá bông lau. Mỗi lần đợi tài có khi trễ luôn con nước. Giờ đây chỉ còn gần chục hộ, mỗi hộ chỉ 1 chiếc ghe nhỏ”. Còn ông Hên chia sẻ: “Đất đai ít, chỉ có nghề này. Hết mùa bông lau chúng tôi chuyển sang đặt lú, giăng lưới cá mè vinh... sống qua ngày và đợi mùa cá bông lau mới chứ nhất quyết không bỏ nghề”.

Hầu hết những người tại Xóm Câu đều ít đất hoặc không có đất. Nghiệp “săn” cá bông lau là cuộc mưu sinh chính của gia đình họ. “Lúc đầu chỉ vài hộ sau đó nhiều hơn đến mức phải sắp tài như cánh xe ôm. Hầu hết ở những đoạn sông có cá, các chủ ghe tự giác đậu phân tài xem ai xuất bến giăng lưới trước, ai giăng sau. Người đến trước được ra bủa lưới, như luật “bất thành văn” để khỏi tranh giành”- anh Bảy nói.

Với người giăng cá bông lau như vợ chồng anh Bảy, chi phí đầu đầu tư ghe, lưới, máy hơn 80 triệu đồng là cả một tài sản. Trong khi lại giăng ngang sông nên rủi ro rất cao, nếu chẳng may bị tàu, ghe lớn đi qua, dễ mất cả gia sản. Vì thế, nếu giăng lưới ban đêm, họ gắn giàn đèn xanh đỏ hỗ trợ; ban ngày thì các cây cờ đỏ như cột tín hiệu giữa dòng sông. Giăng lưới xong, họ thả chiếc ghe trôi theo tấm lưới bồng bềnh trên mặt sông để canh chừng và theo dõi con nước, chờ đến giờ thu lưới. Trong thời buổi cá bông lau trở thành hàng hiếm, giá cá mua tại chỗ cũng được đẩy lên cao từ 220.000 - 250.000 đồng/kg. Mỗi mùa một ghe giăng lưới như anh Bảy, ông Hên, anh Hữu cũng kiếm từ 70 - 80 triệu đồng, có năm trúng thì hơn 100 triệu đồng. ​

Vài năm gần đây lượng cá bông lau giảm nhiều như báo hiệu sự lụi tàn của cái nghề kiếm cơm trên sông. Tuy vậy, vẫn còn phấn khởi với con cá lớn vừa dính lưới, anh Bảy giọng chắc nịch: “Không bao giờ bỏ nghề. Mình chỉ đánh lưới theo mùa nên cá giảm chứ không thể tuyệt chủng. Thêm vào đó, hết mùa bông lau thì đặt lú, giăng cá mè vinh, vẫn theo nghề “bà cậu” này vì nó đã nuôi sống gia đình hàng chục năm qua”.

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
cá bông lau