Kỳ nghỉ lễ dài ngày là cơ hội để những bạn trẻ thỏa niềm đam mê du dịch “bụi”. Hành trang cho một chuyến khám phá vùng đất mới khá đơn giản, chỉ cần một chiếc xe máy, một ba lô và một chiếc máy ảnh là đủ để các bạn trẻ thực hiện một chuyến du lịch ý nghĩa, bổ ích. Bên cạnh hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, nếp sống cộng đồng của mỗi vùng đất đi qua, thì những trải nghiệm từ những hoạt động tập thể sẽ giúp mỗi bạn trẻ rèn luyện nhiều kỹ năng sống cần thiết.
Háo hức với những trải nghiệm mới
Đợt nghỉ lễ 30-4 và Quốc tế Lao động (1-5) năm nay kéo dài đến 5 ngày, vì vậy từ rất sớm, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch chuẩn bị tụ họp bạn bè đi du lịch “bụi”. Triệu Văn Hoàng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang học thạc sĩ tại TP Cần Thơ cùng nhóm bạn thời đại học có một chuyến hành trình thú vị tại đảo Phú Quốc (4 ngày 3 đêm). Hoàng tâm sự: “Công việc gia đình và việc học hành luôn bận rộn nên tôi ít có thời gian rong ruổi vui chơi cùng bạn bè”. Sở dĩ Hoàng lựa chọn loại hình du lịch “bụi” bởi tính đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn. Theo Hoàng, những ngày cận kề lễ, hầu như các nhà nghỉ, khách sạn ở Phú Quốc đã kín chỗ. Vì thế Hoàng phải nhờ bạn bè thông qua facebook để ở trọ trong nhà dân. Việc cùng sinh hoạt với người dân địa phương cũng là trải nghiệm thú vị đối với mỗi bạn trẻ. Qua đó, mỗi người sẽ hiểu rõ hơn cuộc sống thường nhật, nét văn hóa của bà con địa phương. Hoàng chia sẻ: “Để có một chuyến du lịch “bụi” thành công và tiết kiệm, từ trước đó chúng tôi phải kết nối với một số bạn bè đang làm việc tại Phú Quốc rồi nhờ họ hướng dẫn, lên kế hoạch tham quan các danh lam thắng cảnh”. Điều thú vị nhất có lẽ là qua mỗi chuyến đi, tình bạn sẽ thêm gắn bó, đồng thời các bạn có cơ hội quen biết thêm nhiều bạn mới.
|
Một nhóm bạn trẻ vui chơi ở bãi biển Phan Thiết. |
Với những sinh viên đang theo học các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nhất là hướng dẫn viên du lịch, những trải nghiệm từ những chuyến di lịch “bụi” không dừng lại ở việc vui chơi giải trí, mà là cơ hội để khám phá lịch sử, văn hóa, con người, vùng đất, học hỏi những cái hay, cái đẹp, cái mới ở vùng, miền đó. Nguyễn Hoàng Viễn (quê ở Đồng Tháp), sinh viên ngành Quản trị du lịch - Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện chuyến du lịch “bụi” tại miền Tây thì hào hứng rủ bạn bè du ngoạn vùng Tây Bắc trong dịp lễ 30-4 này. Viễn chia sẻ: “Nếu đi theo tour của các công ty du lịch, bạn sẽ thấy nhàm chán bởi nhiều địa điểm vốn đã quá quen thuộc. Vậy nên, du lịch “bụi” là hành trình tìm đến những vùng đất mới”.
Xu hướng du lịch “bụi” cũng thu hút nhiều bạn trẻ năng động, thích “xê dịch” tham gia. Nhiều hội, nhóm được thành lập trên mạng xã hội hoặc một số câu lạc bộ tập hợp những người trẻ cùng sở thích du lịch tham gia. Những địa điểm du lịch “bụi” thường là những vùng đất còn khá hoang sơ, thiên nhiên kỳ vĩ như ở các vùng ven biển, đảo, rừng núi ở Tây Nguyên, Tây Bắc
Chính sự mới lạ pha lẫn chút mạo hiểm đã thu hút thanh niên lựa chọn du lịch “bụi” trong các kỳ nghỉ dài.
Cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết
Nguyễn Văn Tương sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, bên cạnh danh lam thắng cảnh, nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng đến thăm các di tích lịch sử. Bởi đây là cơ hội để mỗi bạn trẻ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đất nước, đồng thời mở rộng vốn kiến thức lịch sử của bản thân. Với ý nghĩa đó, Tương cũng tranh thủ cùng bạn bè du ngoạn một vòng miền Đông Nam Bộ để đến thăm di tích lịch sử Chiến khu D, rừng Sác, địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng... Theo Tương, điểm thuận lợi là hầu hết địa điểm các di tích lịch sử trên gần với các khu du lịch hoặc trung tâm thành phố. Vì vậy, bạn trẻ có thể vui chơi, mua sắm hoặc cùng nhau du ngoạn, thỏa chí chụp hình những rừng cao su bạt ngàn. Tuy nhiên, theo Tương để đảm bảo an toàn, trước mỗi chuyến du lịch “bụi”, các bạn trẻ cần trang bị bản đồ, sơ đồ các tuyến xe buýt (để tiết kiệm chi phí) và danh bạ các số điện thoại của các cơ quan chức năng của địa phương gần nhất.
Ở một số trường đại học, cao đẳng, các nhóm sinh viên đồng hương thường xuyên tổ chức các chuyến du lịch “bụi” nhằm kết nối những người đồng hương với nhau. Mới đây, Lương Thanh Tùng sinh viên Trường Đại học Tây Đô cũng đã tổ chức hành quân với tên gọi “Thất sơn hữu tình”. Theo Tùng, tuy các thành viên nhóm đều sinh ra ở An Giang, nhưng tất cả đều cảm thấy náo nức, hấp dẫn bởi lần đầu tiên khám phá hầu như khắp địa điểm nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Tùng cho rằng, mỗi người đều có kỷ niệm, trải nghiệm thú vị riêng nhưng điểm chung là đều cảm thấy thêm yêu quê hương mình hơn. “Đó là lý do chúng tôi đều tổ chức chương trình du lịch vòng quanh tỉnh An Giang” Tùng tâm sự.
Tuy vậy, theo nhiều bạn trẻ có kinh nghiệm du lịch “bụi”, trong quá trình du ngoạn thường gặp phải những yếu tố bất ngờ, phải kịp thời xử lý nhanh để bảo vệ bản thân. Vì vậy chuyến du lịch “bụi” không chỉ là bài học mà còn là thử thách về kỹ năng sống của mỗi bạn trẻ. Cần nhất mỗi người cần chuẩn bị chu đáo, từ hành trang, dụng cụ sửa xe gọn nhẹ đến thuốc men để phòng khi bị bệnh. Từ những chuyến đi thực tế sẽ góp phần giúp các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng sống và có thêm nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực
Bài, ảnh: TÂN LONG