10/09/2015 - 21:05

Trải nghiệm cùng “citytour”

Hành trình "citytour" (tham quan nội thành) giúp du khách đến Cần Thơ có thêm cảm nhận thú vị về thành phố bên bờ sông Hậu. Ẩn sau vẻ sầm uất náo nhiệt của một quận trung tâm thành phố, Ninh Kiều còn được biết đến là vùng đất nên thơ với nhiều địa danh, điểm đến độc đáo, gắn liền với lịch sử, nếp sống văn hóa của người Cần Thơ.

* Từ những địa danh xưa....

Bến Ninh Kiều là biểu tượng về nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu của TP Cần Thơ, thu hút du khách đến tham quan. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình. Đa phần khách quốc tế chọn khám phá Cần Thơ bằng hành trình dọc tuyến sông Hậu vào buổi chiều tà. Du khách Pháp Bastien chia sẻ: "Sáng sớm, tôi đã có trải nghiệm thú vị ở chợ nổi. Buổi chiều, thật tuyệt vời khi ngắm cuộc sống yên bình, thơ mộng của thành phố. Từ bên kia sông (Xóm Chài – PV) nhìn về, bến Ninh Kiều đẹp và duyên dáng". Bastien cảm thấy thú vị khi được biết về lịch sử hình thành bến Ninh Kiều, về góc đường được gọi tên Đèn ba ngọn. Xưa kia, bến Ninh Kiều là bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Dọc bờ sông trồng nhiều cây dương nên có tên gọi bến Hàng Dương. Ở bến Hàng Dương, giáp đầu đường Ngô Quyền có cột đèn cao, ba ngọn đèn tỏa sáng nên có tên gọi Đèn ba ngọn. Đến năm 1958, bến Hàng Dương đổi thành bến Ninh Kiều- tên một trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn. Ngày nay, bến Ninh Kiều còn được gọi là công viên Ninh Kiều, trở thành địa danh văn hóa, được mở rộng, trồng hoa, tôn tạo rất đẹp.

Du khách quốc tế rất thích các tour trải nghiệm đường sông.

 

Sau khi dạo quanh bến Ninh Kiều, du khách có thể ghé chợ cổ (Nhà lồng chợ Cần Thơ)- nơi bày bán các loại hàng hóa thủ công mỹ nghệ truyền thống, những sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Nhà lồng chợ Cần Thơ (đường Hai Bà Trưng, phường Tân An), cũng là địa danh xưa của Cần Thơ, từng được biết đến với tên gọi quen thuộc chợ Hàng Dương hay chợ Lục tỉnh. Chợ cổ Cần Thơ được xây dựng khoảng năm 1915, cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây (TP Hồ Chí Minh). Đây được xem là ngôi chợ có kiến trúc đẹp nhất vùng ĐBSCL, là nơi tập kết, buôn bán hàng hóa của khu vực Nam Kỳ lục tỉnh, gắn liền với nếp sinh hoạt xưa của người dân ĐBSCL. Năm 2005, chợ được trùng tu, khôi phục nguyên trạng với trần cong xương cá, mái ngói lợp kiểu âm dương, không gian mở rộng, hài hòa. Chợ có tổng diện tích 1.723m2, hình chữ nhật, hai mặt chính: một mặt hướng ra sông Hậu, một mặt trông ra Hàng Dừa (đường Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh) – con đường gắn với thuở ban sơ hình thành đất Cần Thơ.

Hành trình còn đưa du khách viếng chùa Ông (số 32, Hai Bà Trưng, phường Tân An) – ngôi chùa cổ hơn trăm năm với kiến trúc độc đáo được gìn giữ nguyên vẹn, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Chùa Ông có tên gốc tiếng Hán là Quảng Triệu Hội Quán, bởi nơi đây vốn là hội quán của một nhóm người Hoa thuộc hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh (Quảng Đông, Trung Quốc) theo dòng di dân sang lưu trú ở đất Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa) vào thế kỉ XVII – XVIII. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1894 và hoàn thành năm 1896. Chùa thờ Quan Thánh Đế quân (tức Quan Công) ở chính điện nên nhân dân địa phương quen gọi một cách dân dã là Chùa Ông. Ngoài ra, nơi đây còn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Phật Bà Quan Âm. Toàn bộ kiến trúc chùa được xây dựng theo hình chữ Quốc với các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau, ở giữa chùa có khoảng không gian trống gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Nội thất chùa Ông khiến du khách say mê bởi những bức phù điêu được điêu khắc rất tinh tế với nghệ thuật chạm nổi, chạm chìm, nội dung vô cùng phong phú. Ông Trần Thiện Tài – Phó Ban Quản trị chùa Ông, cho biết: "Kiến trúc và nét văn hóa độc đáo của ngôi chùa thu hút rất nhiều du khách, tỷ lệ khách quốc tế đến vãn chùa tương đương với khách Việt. Khách quốc tế rất thích tìm hiểu phong tục, văn hóa bản địa và sẵn sàng trải nghiệm. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, thu hút rất đông du khách đến tham dự". Hàng năm chùa Ông có nhiều ngày lễ, như: "Ngày vía" tức là ngày sinh của các vị thần được thờ: Quan Công (13 -1, âm lịch), Thiên Hậu (23- 3 âm lịch)…hay tổ chức sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống: múa lân, rồng, sư tử, thi đấu võ thuật, biểu diễn nghệ thuật sân khấu Quảng Triều, đấu đèn…

Ninh Kiều còn có nhiều điểm đến khác, như: chùa Pitu Khôsa Răngsây (27/18, đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư) – một trong những ngôi chùa Khmer đẹp của vùng đất Tây Đô, nằm trong Top 100 điểm du lịch, tâm linh tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2014. Đặc biệt là Đình thần Tân An (vòng xoay công viên nước, phường Cái Khế) vừa được khánh thành vào tháng 8 – 2015. Trước kia, Đình thần Tân An được xây cất năm 1880, được vua Tự Đức phong sắc "Bổn cảnh thành hoàng" năm 1852. Đây được xem là một trong những ngôi đình cổ xưa của Cần Thơ, sau nhiều biến cố lịch sử, phải di dời về thờ chung tại Đình thần Thới Bình vào năm 1986. Đến tháng 4- 2015, Đình thần Tân An được khởi công xây dựng trên diện tích 1.725m2. Đền chính được thiết kế phù điêu, trạm trổ tinh xảo.

*....đến trải nghiệm độc đáo

Trong hành trình khám phá đất Tây Đô, du khách sẽ có trải nghiệm "có một không hai" tại cơ sở Pizza hủ tiếu Sáu Hoài (khu vực 7, phường An Bình). Đây là cơ sở sản xuất hủ tiếu truyền thống, được gia chủ là ông Huỳnh Hữu Hoài biến tấu, chế biến thành món ăn mang tên nửa tây nửa ta "pizza hủ tiếu". Tại đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất hủ tiếu, từ tráng bánh, trải bánh, phơi bánh đến cắt sợi. Du khách Anh Geoffrey cho biết: "Tôi thích quy trình tráng bánh, những người thợ làm trông rất nhẹ nhàng, khéo léo, tôi có phần vụng về nên cái bánh không được tròn đều. Làng nghề là một trong những điều tôi thích tìm hiểu trong hành trình đến đất nước các bạn". Du khách Nhật Takahashi lặng lẽ quan sát từng công đoạn, đặc biệt chú ý đến những chiếc bánh được phơi ngoài dàn, ông cho biết: "Nó đặc biệt thật, mỏng nhưng rất dai. Làm sao để làm được như thế nhỉ, những người thợ thật khéo tay. Tôi cũng muốn mình làm được như thế". Sau khi thử tay nghề, du khách có thể thưởng thức món "pizza hủ tiếu", được làm từ hủ tiếu chiên, biến tấu thêm chút thịt khìa, trứng chiên và vài sợi rau tạo nên món ăn lạ miệng. Chính những nét độc đáo này, cơ sở Pizza hủ tiếu Sáu Hoài thu hút hàng ngàn du khách mỗi tuần.

Buổi chiều, du khách còn có thể hòa mình và vui chơi tại "biển Cần Thơ". Nói là biển nhưng thực ra đây là bãi sông được đầu tư như bãi tắm, dài khoảng 400m. Tại đây, có nhiều trò chơi thể thao dưới nước hấp dẫn: môtô nước, kéo phao chuối, chèo thuyền kayak… Đặc biệt, vào các buổi tối, du khách có thể được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật như: belly dance, vũ điệu hula, trình diễn bartender (nghệ thuật pha chế đồ uống), ảo thuật đường phố…

* * *

Theo Phòng Văn hóa – Thông tin quận Ninh Kiều, 8 tháng năm 2015, ước trên 1 triệu lượt khách đến Ninh Kiều, doanh thu ước đạt trên 1.000 tỉ đồng. Với các tiềm năng phát triển du lịch, bà Đỗ Kim Phượng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin quận Ninh Kiều, cho biết: "Quận đang thực hiện thủ tục để bến Ninh Kiều được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố và ĐBSCL. Cầu đi bộ từ bến Ninh Kiều qua cồn Cái Khế đang xây dựng, hứa hẹn nơi đây sẽ là điểm tham quan hấp dẫn du khách hơn. Dự kiến cuối tháng 9 này, quận sẽ kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, tổ chức các khóa tập huấn về du lịch để nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng môi trường du lịch an toàn, chất lượng, thân thiện". Ninh Kiều cũng đang từng bước xây dựng đình thần Tân An trở thành điểm tham quan mới; đồng thời đầu tư vào các loại hình du lịch: MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp các điểm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống cũng như hạ tầng tại một số địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch như: phường An Bình, Tân An, Cái Khế.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết