17/06/2021 - 10:20

TP Cần Thơ phấn đấu đến hết năm 2021 có 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính 

(CT) - Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), từ năm 2017 đến nay, TP Cần Thơ đã thực hiện chuyển 21 đơn vị sự nghiệp từ loại hình tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên sang tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Trong đó, 13 đơn vị sự nghiệp y tế, 3 đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, 1 đơn vị sự nghiệp thông tin và truyền thông, 1 đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, 3 đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2021 có 10% ĐVSNCL tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011-2015.

Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ là một trong những đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm 2017. Trong ảnh: Cán bộ y tế siêu âm cho trẻ. Ảnh: Thu Sương

Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ là một trong những đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm 2017. Trong ảnh: Cán bộ y tế siêu âm cho trẻ. Ảnh: Thu Sương

UBND thành phố đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời sáp nhập các đơn vị hoạt động không hiệu quả, cơ cấu lại tổ chức bộ máy các đơn vị nhằm bố trí nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, UBND thành phố đã có quyết định công nhận xếp hạng đối với 19 đơn vị sự nghiệp, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc triển khai giao quyền tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL từng bước phát huy tính năng động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị trong huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các dịch vụ, hoạt động sự nghiệp. Tuy nhiên, một số đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên có nguồn thu thấp, gặp khó khăn trong hoạt động. Đối với các đơn vị thực hiện cơ chế tài chính với loại hình tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, nguồn thu sự nghiệp và các khoản thu được để lại (sau khi trừ chi phí) bố trí từ 35% đến 40% để tạo nguồn cải cách tiền lương, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị.

Q. THÁI

Chia sẻ bài viết