(CT)- Chiều 18-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Tham dự hội nghị, còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương…
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Cần Thơ.
Dự tại điểm cầu TP Cần Thơ, có các đồng chí: Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố; Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố; Nguyễn Thực Hiện, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố…
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới, triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình; đội ngũ giáo viên thực hiện hiệu quả các phương pháp, đổi mới hình thức tổ chức dạy học tích hợp nội dung dạy học với hoạt động trải nghiệm, đảm bảo mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn nâng lên. Ngành tổ chức thành công các kỳ thi như Thi tốt nghiệp THPT 2023, thi học sinh giỏi quốc gia,… Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và Quốc tế. Cụ thể, năm 2023 đạt 11 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 12 Huy chương đồng… Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới. Tự chủ giáo dục đại học đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin; tiếp tục phát triển mô hình trường Ðại học xuất sắc. Tuy nhiên, năm học 2022-2023, ngành giáo dục vẫn còn một số hạn chế như: thiếu giáo viên, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp vẫn còn ở một số địa phương;…
Năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, như: thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, quốc phòng an ninh; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực;…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành giáo dục trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học vừa qua. Ðể thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ÐT, năm học 2023-2024, Bộ GD&ÐT cần rà soát hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả hiệu lực đào tạo; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; định hướng dạy học, ôn thi phù hợp, tạo sự đồng thuận cho phụ huynh học sinh; đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT gọn, nhẹ, giảm chi phí và áp lực nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục. Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan phối hợp ngành giáo dục nghiên cứu thực hiện, có cơ chế chính sách hỗ trợ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp đáp ứng yêu cầu dạy và học. Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan kiểm tra, rà soát tình hình đội ngũ giáo viên; đảm bảo nơi đâu có học sinh phải có giáo viên, nhưng phải phù hợp; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương đầu tư GD&ÐT…
Tin, ảnh: B.NGỌC