30/11/2011 - 21:00

Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp

Tôm thẻ chân trắng có nhiều triển vọng

Thu hoạch TTCT ở tỉnh Sóc Trăng.

Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp vừa được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) quốc gia phối hợp cùng Trung tâm KN-KN Sóc Trăng tổ chức tại Sóc Trăng. Tham dự diễn đàn có các nhà khoa học đến từ các Viện, Trường, các tỉnh thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau và nhiều người nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL. Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, so với con tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang có nhiều lợi thế để phát triển nhưng TTCT sẽ phải đối mặt với những khó khăn về nguồn con giống chất lượng, quản lý môi trường nuôi và cả vấn đề tiêu thụ...

Thực tế cho thấy, nghề nuôi tôm sú ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, trong khi TTCT thích ứng tốt hơn nên đã được đưa vào nuôi ở ĐBSCL và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Thạc sĩ (Ths) Phạm Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN quốc gia, cho biết: TTCT được đưa vào Việt Nam nuôi từ năm 2001 và đến năm 2010 đạt diện tích 25.000ha, sản lượng 150.000 tấn, chiếm 30% tổng sản lượng tôm nuôi cả nước. Theo ghi nhận đến nay, vẫn chưa phát hiện mầm bệnh Taura-một loại bệnh nguy hiểm nhất thường có trên TTCT. Kết quả khả quan này là do nguồn TTCT bố mẹ đã được các nhà khoa học thuần hóa, không đánh bắt ngoài tự nhiên như tôm sú. Ths Phạm Văn Tình chia sẻ: “Hiện nay, các nhà khoa học của Trường Đại học Arizona và Hawaii (Mỹ) đã thuần hóa được 2 loại TTCT nhiễm virus gây hội chứng Taura, ít nhiễm với bệnh đốm trắng, đầu vàng và đặc biệt là có tốc độ tăng trưởng cao, đạt tỷ lệ sống khi nuôi lên đến 81-88%. Thái Lan đã nuôi TTCT đạt được trọng lượng tôm nuôi 22-25gram/con trong điều kiện nuôi mật độ cao, năng suất lên trên 20 tấn/ha. Ngay cả trong điều kiện độ mặn gần như không còn, Thái Lan vẫn nuôi đạt TTCT, còn Trung Quốc cũng nuôi TTCT thành công trong điều kiện nhiệt độ xuống đến 150C”.

Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp vừa được tổ chức tại Sóc Trăng, các nhà khoa học khẳng định: TTCT có tốc độ tăng trưởng từ khi nuôi đến khi đạt trọng lượng 25gram/con tốt hơn rất nhiều so với tôm sú. TTCT ít bị bệnh đốm trắng và đang có thị trường tiêu thụ rất tốt. Riêng tại khu vực phía Nam, nhất là ĐBSCL, kết quả khảo nghiệm cho thấy, tốc độ tăng trưởng của TTCT cao hơn rất nhiều so với khu vực miền Trung và miền Bắc. Để hướng nghề nuôi TTCT đạt hiệu quả cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, theo các nhà khoa học, người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt về việc chọn con giống, gây màu nước, thiết kế hệ thống cấp ô xy, sử dụng các chế phẩm sinh học... Về vấn đề Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa TTCT vào danh sách động vật ngoại lai xâm hại, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, thông tin thêm: “Hai Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất và đề nghị đưa TTCT ra khỏi danh sách động vật ngoại lai xâm hại. Vì thế, người nuôi, nhà sản xuất con giống có thể yên tâm”.

Liên quan đến vấn đề phát triển TTCT, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Rất khó để quy hoạch vùng nuôi TTCT riêng biệt như trước đây do điều kiện, sở thích của người nuôi trong cùng một vùng nuôi cũng có khác nhau. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch khoảng 5.000 ha vùng nuôi tôm sú cho những hộ nuôi có đủ điều kiện theo quy định”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khởi, các tỉnh ĐBSCL chỉ nên xem TTCT là tạm thời và xác định tôm sú mới là lâu dài nếu chỉ nuôi 1 vụ/năm. Vấn đề bền vững hay không, không phải ở TTCT hay tôm sú mà chính là ở ý thức của người nuôi. Bởi TTCT chắc chắn sẽ gây ra ô nhiễm môi trường nhiều hơn do nuôi 2 vụ, mật độ cao, sử dụng lượng thức ăn lớn... Đồng thời, khi phát triển TTCT trên diện rộng sẽ phải đối mặt với những khó khăn về nguồn con giống chất lượng, quản lý môi trường nuôi và cả vấn đề tiêu thụ...

Bài, ảnh: XT

Chia sẻ bài viết