28/10/2013 - 21:49

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII

Tội phạm cơ bản được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp

* Thảo luận dự thảo Luật tiếp công dân

Sáng 28-10, trong buổi làm việc tại hội trường, Quốc hội đã nghe các báo cáo của các cơ quan tư pháp trung ương về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, năm 2013 đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động làm gia tăng các loại tội phạm. Song, mức độ gia tăng này vẫn được kiềm chế; số vụ án khởi tố mới tăng 1,23% về số vụ so với năm 2012. Tình hình tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Hoạt động của các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn ráp gianh ở một số địa phương. Xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, gây bức xúc trong dư luận. Các tội xâm phạm trật tự, quản ký kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% về số bị can so với năm 2012, nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tội phạm về tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, điều tra tăng 12,9% về số vụ; 15,56% về số bị can. Trong đó, tội tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực tập trung trong quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và cả trong lĩnh vực y tế. Vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên là các hoạt động xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở sản xuất, làng nghề; nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện ở nhiều nơi…

Nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, người thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến an sinh, xã hội và sự xuống cấp của đạo đức xã hội đáng báo động.

Mặt khác, tội phạm gia tăng còn do thực trạng người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, nhất là trong thanh thiếu niên; công tác cai nghiện ở một số địa phương hiệu quả còn thấp. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa hiệu quả; công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa chủ động nắm chắc tình hình nổi lên trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm…

Năm 2013, chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm có chuyển biến tốt hơn. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6% án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%.

Những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ trong buổi làm việc chiều nay 29-10.

• Chiều 28-10, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tiếp công dân.

* Quán triệt nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế

Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày nêu rõ: Qua thực tiễn quản lý cho thấy có một số quy định tại các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất. Lợi dụng quy định xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh của Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác. Pháp luật quy định người nước ngoài khai báo tạm trú tại cơ sở lưu trú nhưng chưa quy định trách nhiệm của các cơ sở lưu trú trong việc chuyển thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, các cơ quan chức năng chưa nắm được đầy đủ, kịp thời thông tin tạm trú của người nước ngoài. Pháp lệnh cũng mới chỉ quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời, bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, bảo lãnh...

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, vấn đề nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị - pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Dự án Luật được xây dựng cần phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế; kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành.

Dự án Luật gồm 8 chương, 46 điều với bố cục rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu, áp dụng.

* Đề nghị xử lý trường hợp người đứng đầu không thực hiện việc tiếp công dân

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Qua thảo luận, bên cạnh nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với tên gọi của dự thảo Luật như đã trình Quốc hội, còn có một số ý kiến đề nghị đổi thành Luật tiếp dân vì cho rằng tên gọi "Luật tiếp công dân" thực tế chưa bao quát được đầy đủ các hoạt động tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, "công dân" là một thuật ngữ mang tính pháp lý, thuật ngữ "tiếp công dân" đang được sử dụng quen thuộc và phổ biến, được quy định thống nhất trong hệ thống pháp luật ở nước ta, nhất là trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Hơn nữa, trong dự thảo Luật này, đối tượng áp dụng chủ yếu là công dân Việt Nam; hoạt động tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cá nhân nước ngoài về cơ bản cũng được thực hiện theo quy trình, thủ tục tương tự như đối với công dân Việt Nam. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên của luật là Luật tiếp công dân; đồng thời bổ sung vào Điều 1 quy định: "Việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân".

Theo Chương trình, ngày 29-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Quang Vũ - Quỳnh Hoa (TTXVN)

Ý kiến đại biểu phản ánh, thực tế cho thấy nếu cán bộ lãnh đạo quan tâm nhiều đến công tác tiếp công dân sẽ giải quyết kịp thời những bức xúc của công dân. Vì thế, theo đại biểu cần có qui định xử lý trường hợp người đứng đầu khi không thực hiện việc tiếp công dân, chứ không chỉ qui định trách nhiệm tiếp công dân của họ.

Một số ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất hơn về qui trình giải quyết yêu cầu của công dân trong quá trình tiếp công dân, không để tình trạng, "dân gửi đơn đến cơ quan địa phương thì chuyển lên Trung ương, gửi đơn đến cơ quan Trung ương thì lại yêu cầu địa phương giải quyết" dẫn đến "dồn nén bức xúc mà thành khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp". Theo đại biểu, cần bổ sung qui định "cấm người có trách nhiệm tiếp công dân đùn đẩy trách nhiệm tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân xúi giục người dân cung cấp giấy tờ, thông tin không đúng sự thật" làm cho công tác tiếp công dân thêm phức tạp, mất lòng tin của người dân...

 

Chia sẻ bài viết