01/12/2015 - 21:34

Vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông

Tòa trọng tài cho Trung Quốc cơ hội giải trình

Hôm 30-11, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ấn định ngày 1-1-2016 là hạn chót để Trung Quốc trình bản lập luận phản bác luận cứ của Philippines liên quan vụ Manila kiện yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thông báo của tòa được đưa ra sau một tuần tranh tụng, bất chấp Bắc Kinh cương quyết không tham gia các buổi điều trần. Kết thúc phiên điều trần thứ 2 sau khi trình bày luận cứ bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định Manila coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhưng Philippines buộc phải đưa vấn đề tranh chấp lên PCA. Ngoại trưởng Rosario còn nhấn mạnh nước này xem vụ kiện là nhiệm vụ quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Phái đoàn Philippines trong phiên tranh luận tại PCA. Ảnh: PCA

Theo Ngoại trưởng Rosario, trường hợp của Philippines dựa trên niềm tin rằng luật pháp quốc tế có thể giải quyết công bằng mối quan hệ giữa các quốc gia, cho phép nước nhỏ đứng trên vị thế bình đẳng với những quốc gia lớn hơn. Theo thông tin về phiên điều trần hôm 30-11, Philippines đã yêu cầu PCA thừa nhận quyền tài phán của Manila đối với vùng 200 hải lý tính từ bờ biển của Philippines dựa trên các điều khoản của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Mặt khác, Ngoại trưởng Rosario khẳng định hành động bồi lấp, xây dựng trái phép của Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại môi trường ở Biển Đông mà còn làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và những quy tắc của luật pháp quốc tế. Thực tế cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây dựng cái gọi là "đảo nhân tạo" trên gần như tất cả các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo cáo buộc từ phái đoàn Philippines, những hành động của Trung Quốc "không chỉ ảnh hưởng đến nhân dân Philippines" mà còn "xâm phạm quyền và lợi ích" của các quốc gia Đông Nam Á cùng các bên liên quan khác. Philippines cũng mạnh mẽ phê phán và chỉ rõ cái gọi là "quyền lịch sử" mà Trung Quốc viện dẫn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông là trái với UNCLOS mà Trung Quốc cũng là bên ký kết.

MAI QUYÊN (Theo Rappler, Reuters, AFP)

Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Philippines

Nhiều nguồn tin từ Washington cho biết nguồn viện trợ tài chính dành cho Philippines có thể còn cao hơn trong thời gian tới. Hiện tại, Mỹ đã quyết định tăng viện trợ quân sự cho Philippines lên khoảng 79 triệu USD, cao hơn so với dự đoán trước đó là 50 triệu USD.

Cùng với viện trợ quân sự dưới hình thức tài chính, Mỹ còn cung cấp trang thiết bị cải thiện tiềm lực quân đội Philippines. Ngoài Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao Mỹ - Philippines (EDCA) đang chờ phán quyết công nhận là hợp hiến, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg xác nhận Mỹ sẽ chuyển cho đồng minh quan trọng một tàu hộ tống lớp Hamilton vào cuối năm 2016. Chính phủ Mỹ cũng thông báo một tàu nghiên cứu hàng hải cũ sẽ được cấp cho Manila giữa năm tới. Ngoài ra, giới quân sự quốc gia Đông Nam Á nói thêm nước này còn nhận 8 xe lội nước và 2 máy bay vận tải C-130 từ Mỹ vào năm sau.

Chia sẻ bài viết