06/08/2024 - 11:26

Tổ sinh kế 

“Mỗi ngày kiếm được chừng 100.000 đồng là sống được rồi”, Nguyễn Văn Nhí chỉ mong chừng ấy dù anh biết rằng mai mốt thằng con lên lớp lớn hơn, biết bao nhiêu thứ phải lo. Cu cậu mới vô mẫu giáo, nhà trường ở Hòa Phước, xã Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) miễn phí vì gia cảnh đáng thương của phụ huynh Nguyễn Văn Nhí.

Tổ trưởng Nguyễn Văn Nhí và sản phẩm đã được kiểm định. Ảnh: CH.L

Họa vô đơn chí

Ðối với Nhí, trở về quê - xứ lúa + tôm - vào lúc “họa vô đơn chí” đúng là nghiệt ngã! Học xong lớp 12, xin được việc ở cơ sở nghiền phế liệu trong tỉnh đã là mừng lắm rồi, nhưng tai nạn lao động đã “chôn sống” niềm hy vọng đời thường của anh. Cảm giác đau điếng khi chân vướng vào máy nghiền! Khoảnh khắc oan nghiệt đó mà cuộc đời anh như rơi xuống địa ngục. Suốt một năm liền, cảm giác đó cứ ám ảnh. Anh không còn thiết điều gì, không suy nghĩ được nữa, tương lai mù mịt, tối thui!

Hơn một năm vùi mình trong bi kịch, một ngày nọ người thân tìm thấy trường dạy nghề cho người khuyết tật. Từ Hòa Tú, anh lên Sài Gòn học nghề, được miễn phí. Tương lai nhen nhóm với nghề thợ kim hoàn. Trên đời này có bao nhiêu người thợ kim hoàn? Không sợ thiếu hoa tay, chỉ vì thiếu mất đôi chân mà xin ở đâu cũng không tìm được việc làm. Anh lại thấy cái từ “thợ bạc” nó gần với mình hơn. Cùng học nghề, Hà quê ở Ðắk Lắk bị sốt bại liệt từ nhỏ. Hà - Nhí thương nhau, xin cha mẹ làm đám cưới. Cả hai vợ chồng Nguyễn Văn Nhí - Nguyễn Thị Hà không có được một đôi chân lành lặn như người bình thường. Hai bên nội - ngoại thương hai đứa trẻ nên duyên, nguồn sinh lực cho Nhí, nhưng mọi thứ sẽ như thế nào….!?

Lê Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ sinh kế Mỹ Xuyên tìm tới ngôi nhà mới được quỹ nhà tình nghĩa xây cho hai em. Nhớ lời Trưởng ấp chỗ Nhí ở “ấp không có Tổ sinh kế - Thủy có thể dạy tụi nó đan được không?”. Học nghề kim hoàn không có “đất dụng võ”, bây giờ học đan đát nghe chừng nó tương phản với kỳ vọng, nhưng nếu không học… mình cũng không làm được việc gì khác! Nhí tự hiểu. Vợ chồng Nhí học một cách cần mẫn, chia công đoạn ra làm, quyết chí làm sản phẩm ít sửa lỗi. Tay Hà vốn yếu ớt nên Nhí gánh công việc chỉn chu hoàn thiện sản phẩm. Ra nghề, mỗi ngày chưa thể kiếm được 100.000 đồng, Nhí động viên vợ “Mình sẽ sớm tới đó thôi mà”.

Xung đột mới - cũ

Ở đây, 70% là ông bà, cô chú đã huốt tuổi, không thể xin được việc làm ở đâu hết. Có 8 cụ trên 80 tuổi, vài trường hợp lao động khuyết tật. Nhí - Hà là một trong những trường hợp nặng nề, cần hỗ trợ nhất, Thủy - nay là Chủ tịch HÐQT Hợp tác xã (HTX) sinh kế Hồng Thủy nói.

Hồng Ni, Hội trưởng Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên, người miệt mài với kế hoạch cải thiện sinh kế từ nghề đan đát sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu ở các xã trong huyện nói sau khi tham quan HTX Mỹ Quới, Ni tìm gặp TS Dương Văn Ni, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu năn tượng, trực tiếp điều hành Mekong Conservancy Foundation (MCF) và là mối nối với Công ty Cổ phần Giải pháp sinh kế Mekong (MLS) tạo công ăn việc làm ở các tỉnh vùng ven biển. “Tôi xin cha cho mượn đất trồng năn tượng để làm bằng chứng cho mô hình. Vụ đầu tiên, thầy Ni xác định có thể nuôi cá, nuôi tôm trên ruộng trồng năn tượng do đặc tính năn tượng có thể làm sạch nguồn nước. Anh Nguyễn Văn Hai, Giám đốc MLS hứa những vùng trồng có kiểm soát sẽ được anh em kỹ thuật tới hướng dẫn, cân đối vùng nguyên liệu với nhu cầu sản xuất - cung ứng xuất khẩu. Khi tay nghề của bà con nâng lên, làm những mẫu kỳ công hơn, thu nhập sẽ thay đổi tùy theo mã hàng. Chúng tôi khuyên bà con làm từ từ, cái chính là bà con cùng nhau làm, cùng chia sẻ công việc; Công ty cùng bà con chia sẻ cách vận hành hệ thống, quản trị kế hoạch và phát triển công ăn việc làm bền vững”. Vậy mà, vẫn có lời ong tiếng ve. Tại sao lại đem cỏ rác về quê hương? Cái tổ như ổ chuột thì làm được gì….!? Nhiều người muốn vô HTX lo lắng hỏi dư luận vậy là sao?!

Hồng Ni (đứng giữa) trong ngày thành lập HTX sinh kế Hồng Thủy.  Ảnh: CH.L

Nhận xét càng lạnh lùng càng giúp chúng tôi có thêm động lực học hỏi làm ăn bài bản hơn. Sau này, nhờ truyền thông nói rõ nguyên liệu năn tượng, bồn bồn, thủy trúc nếu biết tạo ra sản phẩm khớp nhu cầu thị trường, tạo việc làm, thành nguồn thu ngoại tệ từ việc xuất khẩu… Lúc đó, dư luận mới lắng xuống. Hồng Ni có nhiều bài học kinh nghiệm khi đứng trước cuộc xung đột nhận thức giữa mới - cũ. Bên cạnh đó, Liên minh HTX nói sẽ tìm cách giúp để thành mô hình. UBND xã động viên: Luật HTX có hiệu lực 1-7-2024, không may vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhưng cái may của HTX là MCF và công MSL đã vận hành có hệ thống nên làm hàng giỏi thì đơn hàng tăng, thành viên HTX có việc làm. Luật mới mở ra nhiều hướng liên kết thành viên, lâu nay là hướng này được khuyến khích nên cứ nghiên cứu cách làm.

“Ngày xưa khi mượn đất của cha làm thử nghiệm, tôi thưa với cha nếu mình thành công, ai nấy có việc làm, ai nấy chí thú làm ăn… sẽ bớt tệ nạn xã hội, cha sẽ vui vì làm được việc tốt. Bây giờ, thành viên HTX là người nghèo, vốn góp khó lắm. Nhiều khi tôi sợ doanh nghiệp MLS, sợ thầy Ni nghe dư luận, buồn trong bụng - bỏ qua tỉnh khác”, Hồng Ni nói. Ngược lại thì sao? Thầy Ni nói, thất bại khi mình về rồi, Hồng Ni chắc khó sống. Vì vậy không thể để Hồng Ni thất bại, không để mọi người thất vọng. “Bây giờ, thợ đan gom lại nhà có sân rộng, có mái che tránh mưa; người này chỉ người kia. Trong xóm sáng đèn, ai nấy tranh thủ làm tới chín giờ tối”, Hồng Ni nói.

Bài học làm việc với cộng đồng

“Làm việc cộng đồng, khó nhứt là cách đối xử với bà con”, chị Lê Thị Thủy, Chủ tịch HÐQT HTX Hồng Thủy nói: “Hầu hết là người cao tuổi, hay quên trước quên sau. Sản phẩm dễ bị lỗi, phải tháo tới tháo lui. Chèn ơi, mai mốt lỡ quên cô gọi zalo là con tới liền. Ðừng lo, cô sẽ không phải làm một mình”. Ðừng để ai đó một mình vì ông bà, cô chú cao tuổi sẽ nản chí - khó quá không làm nữa. “Ðó là lỗi của con, con không ngồi kế bên cùng làm nên bà không phát hiện lỗi. Bây giờ con với bà cùng tháo ra, con đan từng mối; mai mốt nếu quên mối này thì bà qua nhà kế bên, anh bảy, chị ba sẽ nhắc bà nhớ. Mọi việc sẽ có người giúp, người này giúp người kia. Các điểm khác cũng vậy, bà làm theo con nghen…”, Thủy dành ngày dài tháng rộng để vá lại những kỳ vọng đang te tua do mất kiên nhẫn trong các thành viên lúc ban đầu.

Hồi xưa, công ty đưa 4 cô xuống đây dạy nghề. Ban ngày Thủy lo cho lớp học, cơm nước. Tối tranh thủ học, 2 giờ khuya thức dậy tần mẫn đan từng mối, các cô thấy vậy tập trung dạy 3 buổi tối. Tới khi các cô rời đi thì Hồng Ni khuyên Thủy cứ đi dạy - nghề dạy nghề mà - rồi sẽ nhớ. Thủy dạy hai em Nhí - Hà, cũng chỉ mấy hôm - Nhí đã rành rẽ. Thủy mạnh dạn để em làm Tổ trưởng. Ðó là cái “chức” cao nhứt mà Nhí có được cho tới bây giờ.

Lê Thị Thủy miệt mài với công việc dạy nghề với chòm xóm. Ảnh: H.N

Hôm ra mắt HTX sinh kế Hồng Thủy, có 27 tổ nhóm, 300 lao động có việc làm. Trong đó 173 lao động thành thạo từ Tổ sinh kế, tiếp tục dạy kèm. Thủy vẫn tranh thủ tới những lớp dạy nghề, giải thích ý nghĩa bền vững của công ăn việc làm này. Rồi một lúc nào đó, những bà con cao tuổi không thể xin việc ở đâu sẽ có việc làm tại nhà; kể cả người bỏ làng quê đi làm xa, lớn tuổi muốn quay về cũng sẽ có việc làm. Muốn dang rộng tay đón người về thì phải có việc làm ổn định, phải chuẩn bị… “Hồi xưa, vận động hội viên vô Hội Phụ nữ, ai cũng hỏi vô hội tui có quyền lợi gì? Hôm nay, tôi có thể trả lời: Có việc làm, có thu nhập, cải thiện đời sống. Có trách nhiệm là cùng nhau làm đúng cam kết để thu nhập tốt lên, bền vững”, Hồng Ni nhớ lại thời điểm tháng 11-2022, chỉ có 6 Tổ đan. Mỗi tổ 8 lao động nhưng chỉ có 5 người kiên trì riết. Về sau có người nhìn lại chuyện sinh kế, lan truyền câu chuyện Tổ sinh kế khi thấy phụ nữ Gia hòa 1, Ngọc Tố, Hòa Tú có thêm tiền mua gạo, mua đồ ăn, mua vật dụng trong nhà, đóng tiền điện. Ít nhất cũng 500.000-900.000 đồng mỗi tuần… Mỗi tuần, MLS trả công 30-40 triệu đồng, nếu tính vốn ứng nguyên liệu, khung… gấp bao nhiêu lần so vốn HTX.

Từ khu thử nghiệm đầu tiên, Hồng Ni xin phép cho mở rộng vùng trồng nguyên liệu. Ở 6 xã vùng trong được quy hoạch 1 vụ + lúa 1 vụ tôm, lúa thơm tôm sạch, nên Hồng Ni vận động trồng nguyên liệu ở những ao nuôi không thể nuôi được gì nữa, không trồng được cây gì nữa do nhiễm mặn và giấy tờ đất đang mắc kẹt trong ngân hàng. Ở Bạc Liêu, nhờ làm vậy mà kinh tế nông thôn khá hơn. Một ngày nào đó, công ty chỉ cần chuyển khung cho các Tổ nhóm, HTX chủ động được nguyên liệu. Trong toàn huyện, mục tiêu 4.000 người có việc làm, ngày làm nông, tối đan đát - ao ước của Hồng Ni. Hiện nay, nguyên liệu tại kho Ngã Năm đủ cho 14.000 lao động làm tới cuối năm 2024. Bên cạnh những sản phẩm đan đác theo hàng chục mẫu mã có sẵn, chúng tôi sẽ cập nhật mẫu mới, đa dạng hơn. Tất nhiên, nhiều sản phẩm công phu và tinh xảo hơn”, Giám đốc MLS Nguyễn Văn Hai nói.

Ý tưởng mới và lời khuyên

Vùng nguyên liệu khảo sát ở vùng ven biển có thể trên 180.000ha. TS Dương Văn Ni nói: “Hawa - TP Hồ Chí Minh làm việc với MCF và MLS cùng nghiên cứu tận dụng cỏ - biến “rác” làm giấy - và sẽ trồng nhiều loại nguyên liệu bản địa có giá cạnh tranh. Trước mắt, tận dụng nguyên vật liệu thứ phẩm làm giấy. Mỗi năm lượng “chất độn” để bảo vệ hàng xuất của MLS lớn lắm. Nếu quá trình tuần hoàn này làm nhanh, giảm chi phí xuất hàng thì chúng ta có quyền hy vọng cải thiện mọi thứ nhiều hơn nữa”.

Lao động nông thôn có thể cùng làm ra hàng mỹ nghệ xuất khẩu, đem ngoại tệ về, nhiều nơi, lao động đi Bình Dương trở về - có kinh nghiệm quản lý dây chuyền, quán xuyến công việc rất tốt. Họ nhận việc quản lý nhóm - nhận khung, nguyên liệu, tính toán sổ sách, thanh toán tiền hằng tuần. Chúng ta cùng làm để nâng nhận thức về hệ thống, quản trị, vận hành mọi thứ, chủ động gìn giữ công ăn việc làm, giám đốc MLS khuyên.

Bà Trần Thị Tư, từ Vĩnh Châu qua Mỹ Xuyên học nghề - dạy cho chòm xóm làm sản phẩm đan đác, thú thiệt thu nhập 5 triệu đồng/tháng, dù chạy phía sau HTX Mỹ Quới, Hồng Thủy nhưng chúng tôi đã làm được.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết