28/04/2019 - 14:46

Tinh thần dân tộc và thượng võ trong trò chơi dân gian 

Trò chơi dân gian Việt Nam là kết tinh trí tuệ được sàng lọc qua bao đời, mang vẻ đẹp nhân văn, nghệ thuật giải trí, giàu cá tính sáng tạo, mang tinh thần thượng võ, gắn liền với những nhân vật lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, một số trường THPT tổ chức ngày hội trò chơi dân gian bằng diễn xướng các tác phẩm văn học. Ðây là mô hình giúp học sinh tiếp cận kho tàng văn hóa cổ truyền và cần được nhân rộng.

Cờ lau tập trận trong Lễ hội Hoa Lư.

Lễ hội Phết ở Hiền Quan.

1. Trò chơi dân gian là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người, nhất là những người sinh ra ở làng quê. Có hàng trăm trò chơi dân gian khác nhau; ngoài những trò chơi phổ biến, mỗi vùng quê còn có những trò mang tính đặc thù. Và cũng có trò chơi thành chủ đề lễ hội văn hóa truyền thống, mang triết lý nghệ thuật rèn binh, dụng binh, tinh thần thượng võ của người xưa. Đánh phết ở Hiền Quan, Phú Thọ; hoặc múa cờ lau tập trận ở Hoa Lư, Ninh Bình; vật cù ở Phù Ủng, Hưng Yên là những điển hình.

2. Vào đầu thế kỷ I, chị em Hai Bà Trưng phất cờ đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán, có nhiều nữ tướng tài giỏi đem binh theo về dưới trướng lập công như Ả Nang, Ả Nương, Đào Nương, Lê Chân, Thánh Thiên, Thiều Hoa, Quỳnh Nương, Quế Nương, Lê Thị Hoa… Trong đó, Thiều Hoa là người sinh trưởng trong gia đình nghèo khó ở động Lăng Xương nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Cha mẹ mất sớm, Thiều Hoa tự bươn chải kiếm sống, có sức khỏe hơn người, đấu vật hạ tất cả bạn bè trai gái cùng trang lứa. Bà được nhà sư trụ trì chùa Hiền Quan cưu mang, chỉ dạy Phật pháp và võ nghệ.

Gan dạ và mưu trí, Thiều Hoa luôn bày ra nhiều trò chơi cho bạn chăn trâu, trong đó có trò đánh phết. Người chơi chia làm hai phe. Quả phết làm từ quả bướng hình cầu đặt giữa bãi đất trống. Mọi người dùng gậy bằng tre tranh nhau giành quả phết và đẩy sang làm sao cho rơi vào hố đối phương thì sẽ thắng. Nghe tin Hai Bà Trưng chiêu nạp hiền tài mưu việc lớn ở Mê Linh, Thiều Hoa tập hợp lực lượng rời sông Đà gia nhập đội quân khởi nghĩa ở sông Hát, được cử làm Tiên phong Hữu tướng tiến đánh Luy Lâu, lập công lớn, được phong làm Đông cung Công chúa. Những lúc nghỉ ngơi, bà bày trò đánh phết, đích thân làm trọng tài, nhằm rèn luyện sức khỏe, sự mưu trí, nhanh nhạy cho quân sĩ.

Công chúa Thiều Hoa đã hy sinh trong một trận chiến với đội quân hùng mạnh của Mã Viện. Nhân dân đã lập đền thờ, xem bà như Thành hoàng của làng Hiền Quan nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Từ lâu tại làng này cứ vào ngày 12-13 tháng Giêng âm lịch hằng năm diễn ra Lễ hội Phết nhằm tưởng nhớ công lao đánh giặc cứu nước, tôn vinh tinh thần thượng võ của nữ tướng Thiều Hoa; cùng với Đức ông Lý Mộc Trang thời nhà Đinh được thờ ở đình làng. Hội phết độc đáo này đã vượt khỏi ranh giới hội làng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng người Việt hướng về Đất Tổ như câu ca:

“Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày Hội Phết thì về

Hiền Quan”

Gần 900 năm sau trò đánh phết ở Đất Tổ thì tại Hoa Lư xuất hiện trò chơi cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh. Ông là con của tướng quân Đinh Công Trứ dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền. Cha mất khi Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ, theo mẹ về sống trong động Hoa Lư bên cạnh đền Thần Núi, cắt cỏ chăn trâu ngoài thung lũng. Nhờ thông minh và mạnh mẽ hơn người, Đinh Bộ Lĩnh được bạn chăn trâu tôn làm “thủ lĩnh”, bày trò chơi vua tôi, lấy hoa lau làm cờ hiệu đánh trận. Đám trẻ còn chia làm hai bên tả hữu quần thần đi trước, một số khác cùng khoanh tay giả làm ngai kiệu ông “vua” như nghi thức triều đình.

Sau khi anh hùng Ngô Quyền qua đời, em vợ của ông là Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, khởi đầu loạn lạc 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh dấy binh chiếm cứ vùng Hoa Lư, kết hợp với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu thành lực lượng hùng mạnh làm chủ cả vùng đồng bằng trù phú rộng lớn phía Nam. Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Vạn Thắng Vương, cùng con trai Đinh Liễn mang quân lần lượt chinh phạt đánh tan các sứ quân khác, thu phục giang sơn về một mối. Ông đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lên ngôi vua lấy hiệu Đại Thắng Minh hoàng đế, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng.

Từ thời nhà Lý, Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình, trước đây gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau, đã diễn ra hằng năm vào các ngày 9 đến 11 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ các vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Tiết mục cờ lau tập trận vốn chỉ là một cuộc diễn xướng kể lại sự tích thời thơ ấu của Đinh Tiên Hoàng, về sau phát triển thành trò chơi dân gian không thể thiếu trong lễ hội. Dưới chân núi Mã Yên phía trước cổng đền vua Đinh, khoảng 50-60 thanh thiếu niên ở độ tuổi 13 đến 16 chia thành 2 đội quân áo trắng và áo đỏ. Người đóng vai Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu, mặc áo đỏ, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm kiếm, tay cầm cờ lau chỉ huy đội quân áo đỏ hùng dũng trên chiến trận…

Cũng vào mùa xuân, tại tỉnh Hưng Yên diễn ra Lễ hội đền Phù Ủng tưởng nhớ danh tướng Phạm Ngũ Lão của thế kỷ XIII, trong đó có trò chơi dân gian vật cù mà tương truyền vị tướng nhà Trần rất thích dùng để rèn luyện sức khỏe và nghệ thuật đánh trận.

Phạm Ngũ Lão là chàng nông dân đan sọt có học thức, chí khí hơn người của làng Phù Ủng, được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tình cờ gặp gỡ và trọng dụng, gả con gái nuôi cho. Trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, tài năng chỉ huy quân sự của Phạm Ngũ Lão đã được thể hiện, khẳng định ông là vị hổ tướng bách chiến bách thắng. Khi Phạm Ngũ Lão qua đời, vua Trần Minh Tông thương tiếc ra lệnh triều đình nghỉ chầu 5 ngày, tương tự quốc tang ngày nay.

Ngoài chiến trận, Phạm Ngũ Lão còn là tài năng văn học, đến nay còn lưu truyền hai tác phẩm. Đó là bài “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo đại vương”; thứ hai là bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) ông viết khi đánh Nguyên Mông, thổi cao ngọn lửa yêu nước và ý chí chiến đấu của tướng sĩ, được nhiều người thuộc qua bản dịch: “Múa giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân như hổ nuốt trôi trâu/ Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu”.

Đền Phù Ủng thuộc xã Đô Lương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên được lập thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão. Hằng năm, từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng âm lịch, lễ hội được tổ chức ở đây với những nghi thức trang nghiêm, diễn xướng sinh động. Vật cù là trò chơi đặc sắc nhất lễ hội, với dụng cụ là quả cù hình tròn bằng gỗ mít hoặc gỗ sung, đẽo bào nhẵn sơn đỏ, nặng độ 6-8kg. Sân chơi chia làm hai phần cho hai đội, với mỗi đội từ 8-12 vật thủ là những trai làng khỏe mạnh. Trên đầu các vật thủ quấn khăn có màu sắc khác nhau, cởi trần, đóng khố. Giữa sân chơi kẻ một đường trung tuyến làm ranh giới nửa sân Đông và nửa sân Đoài, hoặc nửa sân Nam và nửa sân Bắc. Chính giữa đường ranh khoét một lỗ rộng vừa hai người đứng và quả cù ở giữa gọi là lỗ cái, còn cuối sân mỗi bên đào một lỗ gọi là chuồng cù.

Người điều khiển cuộc chơi là tổng cờ, tuổi cao đức trọng trong làng, mở đầu bằng tiếng hô lớn: “Bớ trai giáp Đông! Bớ trai giáp Đoài!” và một tiếng “Dạ” đồng thanh vang dội của cả hai đội. Rồi ông tổng cờ giơ cao dùi trống đọc dõng dạc xúc động: “Thiên hạ thái bình/ Dân tình hoan hỉ/ Trai gái tráng dũng/ Chuẩn bị quốc phòng/ Cho xứng Lạc Hồng/ Nghìn năm rạng rỡ/ Ta đây, Phạm Ngũ Lão/ Nhân kỳ Nguyên đán/ Muốn chọn cuộc vui/ Trước để thử tài/ Sau đem sức kháng địch/ Nếu nước lâm nguy/ Ra quân mà chống chế/ Bớ Đông giáp, bớ Đoài giáp!/ Hãy tỏ lực người trai đất Việt!”. Vừa dứt lời, tổng cờ đánh một hồi trống báo hiệu cuộc chơi đưa cù vào lỗ hai bên bắt đầu.

3. Những năm gần đây khi các lễ hội truyền thống được phục dựng thì trò chơi dân gian cũng dần phục hồi. Ý thức về trò chơi dân gian trong nhà trường cũng manh nha. Vào tháng 4-2019, Trường THPT Nguyễn Thái Bình ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyên đề “Văn hóa dân gian - Hồn dân tộc”. Nhà trường cho biết đây là chuyên đề hoàn toàn mới, gồm ba phần chính: văn nghệ dân gian, ẩm thực dân gian và trò chơi dân gian, trong đó phần trò chơi như đẩy gậy, múa sạp, nhảy lò cò, chơi ô ăn quan… đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Nhà trường mong muốn mang môn Văn đến gần với học sinh, trang bị cho các em thêm kiến thức về cuộc sống từ chính văn học, đặc biệt là về văn hóa dân gian.

Trước đó, vào tháng 1-2019, Trường THPT Lương Thế Vinh ở quận 1, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức ngày hội trò chơi dân gian bằng hình thức sân khấu hóa và diễn xướng các tác phẩm văn học, được học sinh biến thể thành hội du xuân khá sinh động. Trên cơ sở nội dung, hình tượng nhân vật, nhiều trò chơi dân gian được lồng ghép phù hợp với lứa tuổi các em, góp phần lan tỏa truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc.

PHAN TẤN HÙNG

Chia sẻ bài viết