05/03/2017 - 10:35

Tính cách Nam bộ trong truyện dân gian

Nguyễn Văn Hiếu

Những nhân vật văn hóa và tác phẩm văn học dân gian Nam bộ đã góp phần không nhỏ khái quát tính cách con người nơi đây.

Trọng nghĩa khinh tài

Đối với người Nam bộ, giá trị con người không ở tiền bạc, huyết thống; mà ở thái độ "lâm nguy bất cứu mạc anh hùng" (thấy người gặp nguy mà không cứu thì không phải anh hùng), "bần tiện chi giao mạc khả vong" (bạn bè từ thuở nghèo hèn chớ quên). Con người Nam bộ gắn bó thành một cộng đồng vì nghĩa và từ "nghĩa" xuất hiện trong những câu chuyện về nhân vật văn hóa và văn học dân gian Nam bộ, được nhà nghiên cứu Sơn Nam khái quát rằng: "Nghĩa là nghĩa khí. Không lợi dụng quyền thế để lấn hiếp kẻ yếu, không giết kẻ té ngựa, ăn ở thủy chung, dám liều thân vì nghĩa lớn".

Trong truyện "Nguyễn Đình Chiểu ở Cần Giuộc và Ba Tri", cụ Nguyễn Đình Chiểu rời Cần Guộc về Ba Tri để tỏ thái độ bất hợp tác với giặc, sau khi triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhường ba tỉnh Miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Về Ba Tri nhưng cụ không sao quên "nghĩa tình Cần Giuộc". Bởi vậy các nhân vật Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Ngư Tiều… trong tác phẩm văn học của cụ đều coi trọng chữ "nghĩa". Sự "khinh tài" thể hiện ở câu chuyện Tôn Thọ Tường (vốn là chỗ cố giao của cụ Nguyễn Đình Chiểu) gửi đến cụ một hũ mắm bảo chính tay vợ mình làm tặng, ai ngờ dưới đáy hũ có mấy nén vàng, cụ đem trả và đau xót trách Tôn Thọ Tường đã làm nhục mình. Tiền tài, danh vọng bọn thực dân muốn tạo cho không thể mua chuộc được cụ. Còn trong truyện "Tài ứng đối của Phan Văn Trị", kể lại tình bạn giữa hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị, trong đó có câu chuyện rằng cụ Phan từng nói với cụ Đồ: "Thằng Tường làm quan lớn cho Tây, vì vậy thiên hạ nói nó khôn; còn tôi vậy, họ nói tôi khùng. Mà anh nghĩ coi, khùng thì khùng chứ "Di, Tề nào khứng giúp Châu- Một mình một núi ai hầu hơn ai".

Còn truyện dân gian "Hảo nghĩa khả phong" khắc đậm hình ảnh của một người phụ nữ thuần hậu- Lê Thị Mẫn. Bà là vợ thứ của hương sư Bùi Văn Liệu. Ba người con trai của bà đều thi đỗ cử nhân, nhưng người con trưởng không ra làm quan, xin vua ở lại nhà nuôi dưỡng mẹ già, hai người con kế thì người làm đến chức Án Sát Nam Định, người làm đốc học Biên Hòa. Lần kia, hai người con làm quan đem về tặng bà một cây lụa tốt, bà không nhận, đưa trả lại và nói: "Làm quan thanh liêm làm sao có tiền dư để mua lụa". Năm kia làng xóm mất mùa, bà xuất tiền và mua gạo giúp kẻ nghèo đói không tiếc thứ gì. Chính tấm lòng nhân hậu của bà, vua Tự Đức nghe tiếng ban khen bà một tấm biển khắc bốn chữ "Hảo nghĩa khả phong".

Truyện dân gian Nam bộ còn khắc họa Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Đốc Binh Kiều, Thống Linh, Phòng Biểu… chống thực dân Pháp, dốc lòng vì nước, vì dân, là tấm gương nhân nghĩa.

Thẳng thắn, bộc trực

Tính bộc trực của người Việt ở Nam bộ thể hiện khá rõ trong các truyện liên quan đến lịch sử, mà tiêu biểu là câu chuyện về Nguyễn Trung Trực. Ông đã tự trói đi thẳng vào đồn giặc đổi mạng cho mẹ và cả dân làng. Giặc cho ông bốn ngày tự do để suy tính về việc quy hàng. Đến ngày hẹn, ông không trốn chạy mà nai nịt võ tướng chỉnh tề, đến trước mặt kẻ thù, rút kiếm chém xuống đất tỏ thái độ không quy hàng. Đến ngày bị hành quyết, trước đông đảo đồng bào, Nguyễn Trung Trực dõng dạc "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người chống Tây". Tính cách bộc trực, dám nói dám làm ấy, thật khiến Pháp kinh ngạc, đến nỗi không một đao phủ nào dám đứng ra chém đầu ông.

Bên cạnh truyện "Truyền thuyết về Nguyễn Trung Trực" nêu trên, những truyện như "Truyền thuyết về Thiên Hộ Dương", "Sự tích đền thờ ông Duôn", "Ông Phòng Biểu trị tội Phạm Công Khánh"… đều nổi bật tính cách thẳng thắn, can đảm của các nhân vật anh hùng.

Phóng khoáng, thiệt thà, hiếu khách

Tính cách phóng khoáng của người Nam bộ đã khéo dung hòa giữa các nền văn hóa, tôn giáo- miễn là cổ súy cho tình người, lòng từ bi bác ái, làm lành lánh dữ. Thường, nhà cửa của người dân Nam bộ dư chỗ cho bạn bè đến ăn ở, dư chiếu, dư gối, dư chén bát, dư giường. Do đó, người Việt Nam bộ chẳng những phóng khoáng mà còn hiếu khách, trọng khách.

Truyện "Sự tích ông Hóm ở xóm Gò Dăm" kể: Trước khi Pháp chiếm Nam kỳ, có một ông lão, không biết quê quán ở đâu, đến xóm gò lập nghiệp, ông sắm nhiều thuyền để mua củi, cưa cây chở về Gò Công bán cho các nhà vựa. Người làm công nhà ông rất đông, họ chặt đẽo, cưa bổ cây làm cho nơi đây đầy những dăm gỗ. Do vậy, người gọi đấy là Gò Dăm. Ngoài việc mua bán, ông khai hoang làm ruộng, lập vườn. Con cháu của ông, rồi những người dân khác dần dần đến gò đất này khai khẩn. Về sau trở thành một xóm sung túc. Ông thiệt thà, hào phóng, sẵn lòng giúp đỡ tiền bạc, thóc lúa và chỉ vẽ công ăn việc làm cho bất cứ ai chí thú làm ăn. Nét tính cách Nam bộ đáng trân trọng này còn thể hiện nhiều trong các truyện: "Lai lịch địa danh Thủ Thừa", "Địa danh Cao Lãnh"…

Hay như ông Lễ trong truyện "Cầu Hương Lễ" bỏ tiền xây cầu, đắp đá làm đường cho bà con đi lại thuận tiện. Đến lúc sắp chết, ông còn căn dặn rằng đừng làm ma chay linh đình mà hãy tiết kiệm tiền cho làng, cho xóm. Dân gian Nam bộ còn lưu truyền truyện về tú tài Văn Bình, nghe tiếng tác giả của "Kim Thạch kì duyên"- Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là người tài cao học rộng thì cho đó là lời nói ngoa, nên lặn lội xuống Cần Thơ tìm. Vào làng Long Tuyền, tú tài Văn Bình gặp một ông già ngồi bên đường, sau một vài câu hỏi thăm xã giao, ông già thấy Văn Bình là khách đường xa, nên chân thành mời khách tạm vào nhà nghỉ chân dùng nước. Qua trò chuyện, đối đáp, Văn Bình ngỡ ngàng nhận ra người đối diện là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, nên không chỉ cảm phục tài hoa của ông, mà còn quý trọng tấm lòng hiếu khách.

***

Quá trình lao động, cải tạo thiên nhiên của những lưu dân người Việt và các tộc người cùng chung sống đã làm nên vùng đất Nam bộ. Mảnh đất này cũng góp phần tạo nên tính cách con người nơi đây. Thiên nhiên thoáng rộng, bao la khiến người ta dễ dàng trút mọi ưu phiền, quên mình vì nhau để sinh cơ lập nghiệp và ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức những người đi mở đất, rồi truyền đời qua những câu chuyện dân gian. 

Tài liệu tham khảo:

Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn, An Tiêm xuất bản, 1970.
Nguyễn Hữu Hiếu, Truyện kể dân gian Nam bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ, Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, NXB Giáo Dục, 1997.

Chia sẻ bài viết