27/07/2012 - 15:41

Tìm hiểu về "phu công tra" ở đồn điền Michelin

Một góc khu di tích được phục dựng tại đồn điền  Michelin xưa.

Nhiều người đã nghe nói đến môi trường lao động cực nhọc của những phu công tra ở đồn điền cao su ngày xưa. Đồn điền Michelin ở huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), là một trong những nơi như thế. Hiện nay, một phần đồn điền này được phát triển thành khu di tích, xây dựng, tái hiện lại đời sống của những người trồng cao su đầu tiên dưới ách nô lệ và nổi dậy đòi tự do… để đón khách tham quan.

Khi có mặt ở đồn điền Michelin, nghe thuyết minh, trực quan bằng những hình ảnh sống động trước mắt, không ít người đã rơi lệ như đang chứng kiến những phu công tra đang làm việc như một nô lệ.

Hiện đồn điền Michelin do Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng quản lý. Những hàng cao su cổ thẳng tắp, thân xù xì như một minh chứng trải qua bao thời gian cho cuộc sống cần lao của những phu công tra ngày xưa. Đồn điền Michelin được thành lập vào năm 1917. Khi đó, những người nghèo từ miền Trung, miền Bắc tha phương cầu thực được người Pháp tuyển dụng vào đây để khai khẩn đất rừng, trồng cây cao su. Những người làm phu tưởng có thể kiếm sống được bằng chính sức lao động của mình nhưng không ngờ họ lại bị bóc lột như nô lệ. Mỗi ngày, các phu trồng cao su phải làm việc 12-14 giờ hoặc hơn. Họ vừa phát quang rừng rậm, vừa đào hố trồng cao su. Công việc cực nhọc nhưng cuộc sống vẫn chật vật khó khăn. Làm công nhưng thực chất là một kiểu “bán thân”, mặc cho chủ đồn điền vắt kiệt sức lao động.

Những cánh rừng cao su giờ vẫn một màu xanh. Đi dưới tàn cây mát rượi, lòng người phơi phới. Hơn hai mươi ngàn héc- ta cao su nhìn hút tầm mắt. Nếu đi một mình du khách có thể lạc đường vì khó định hướng được lối ra. Nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh về đồn điền Michelin, nhiều người không cầm được nước mắt. Năm 2011, công ty chủ quản đã chọn một lô cao su đặc trưng nhất của đồn điền Michelin hiện còn sót lại để xây dựng khu di tích phục vụ du lịch du khách và học sinh tham quan học tập thực tế. Những bức tượng, mái nhà thời Pháp thuộc được phục dựng lại như ở quá khứ - cách đây non một thế kỷ. Những thân hình gầy guộc, ăn uống kham khổ nhưng phải lao động cực nhọc ở đồn điền cao su, những phu công tra làm việc và sống như những nô lệ. Tại khu di tích nêu lên con số 45.511 người đã ký giao kèo với chủ đồn điền khai hoang trên chín ngàn héc-ta. Khu di tích cũng trưng bày những công cụ lao động thời đó. Các công cụ lao động rất thô sơ, những người phu đã khai khẩn rừng rậm, đối mặt với nguy hiểm, thú dữ... để trồng và khai thác cao su.

Khu trưng bày cũng phục dựng người phu với những bức tượng đầy kham khổ để du khách được chứng kiến cuộc sống lầm than của những công nhân cao su đầu tiên ở Việt Nam: “Lỡ lầm vào đất cao su/Không tù mà cũng như tù chung thân”. Cô hướng dẫn viên khu di tích kể về những cuộc đình công, nổi dậy hoặc bỏ trốn của những phu công tra nói lên rằng: có áp bức có đấu tranh. Tuy nhiên, chỉ có trên 11.000 người, tức khoảng một phần tư số nhân công ở đây chính thức hết giao kèo hoặc bỏ trốn khỏi đồn điền. Số còn lại phải sống và làm việc cực nhọc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cả miền Nam và Tây Nguyên, hiếm có một di tích đồn điền nào lại lấy nhiều nước mắt của du khách như đồn điền Michelin ở Dầu Tiếng. Đứng giữa không gian xanh mênh mang, hít những làn khí trong lành - nhưng giữa đồn điền Michelin của năm xưa - lòng người lại nặng trĩu. Sự phục dựng, biến khu rừng cao su này thành di tích đã giúp cho nhiều người nhất là thế hệ trẻ hình dung được một giai đoạn lịch sử gian khổ của những người công nhân cao su thời đất nước còn chìm đấm trong màn đêm nô lệ. Vào cuối tuần, ngày lễ, các trường thường đưa học sinh đến đây học để các em học được những bài học trực quan, thực tế để các em hiểu rõ hơn những gian khổ của người công nhân cao su. Di tích đồn điền Michelin vừa là điểm đến sinh thái vừa là một địa chỉ đỏ cho du khách.

Bài, ảnh: Liên Ngọc

Nếu đi tự túc bằng phương tiện công cộng, khách đến Bến xe miền Tây (TP HCM) đón xe buýt số 151 đi bến xe An Sương.  Tại đây, sang xe số 74 đi Củ Chi rồi “nhảy” sang xe số 79 đi Dầu Tiếng. Ở tuyến số 79 này, khách đi ngang qua di tích Địa đạo Củ Chi nên có thể ghé lại đây để làm phong phú thêm cho chuyến đi.

Chia sẻ bài viết