20/11/2021 - 20:51

Tìm giải pháp khắc phục thừa, thiếu giáo viên 

Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), chuyện thiếu giáo viên đã và đang gây áp lực không chỉ với đội ngũ nhà giáo, mà còn cả ngành Giáo dục địa phương. Tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện về tình hình triển khai thực hiện Chương trình, Sách giáo khoa (SGK) GDPT mới trên địa bàn TP Cần Thơ được tổ chức mới đây, vấn đề này một lần nữa được đề cập.

Một buổi học của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ninh Kiều năm học 2020-2021.

Lo thiếu giáo viên

Ông Võ Hồng Lam, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) quận Ninh Kiều, dẫn thực tế tình trạng thiếu giáo viên cấp tiểu học, THCS, mặc dù thời gian qua ngành Giáo dục quận luôn nỗ lực tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Ông Lam cho biết khó khăn của ngành hiện nay là do gia tăng dân số cơ học, tăng số trẻ trong độ tuổi ra lớp 1 hằng năm. Ví dụ như năm học này, trên địa bàn quận đã tăng hơn 1.200 học sinh so với năm học qua, dẫn đến hai áp lực cho ngành. Thứ nhất, nhằm đảm bảo cho 100% học sinh lớp l, lớp 2 học 2 buổi/ngày, các trường phải sắp xếp dịch chuyển một phần khối 3, 4, 5 sang loại hình một buổi, nhưng vẫn phải đảm bảo dạy và học. Thứ hai là áp lực đội ngũ giáo viên tiểu học, THCS thiếu so với nhu cầu, như cấp tiểu học còn thiếu 35 giáo viên chủ nhiệm, 14 giáo viên bộ môn; cấp THCS thiếu 21 giáo viên.

Tương tự, tình trạng thiếu giáo viên cũng xảy ra tại huyện Cờ Ðỏ, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Ông Huỳnh Văn Hoạch, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Cờ Ðỏ, cho biết học sinh tiểu học trên địa bàn huyện được học 2 buổi/ngày đạt 90,5%. Với đội ngũ giáo viên tiểu học, huyện còn thiếu 23 giáo viên chủ nhiệm, 6 giáo viên bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật. “Do không có nguồn tuyển, giáo viên về hưu hoặc chuyển công tác… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên”, ông Hoạch lý giải.

Các quận, huyện khác như Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Ðiền… cũng gặp khó về đội ngũ trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới. Ðơn cử, ngành GD&ÐT quận Ô Môn thiếu hơn 50 giáo viên tiểu học, THCS. Dù ngành Giáo dục quận đã tham mưu, tuyển thêm giáo viên, nhưng chỉ nhận được 10 hồ sơ, do thí sinh dự tuyển không đạt chuẩn trình độ đại học theo quy định. Ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Ô Môn, cho biết khó nhất là thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh. Trong đó, Tiếng Anh thiếu 5-6 giáo viên, quận có thể đào tạo được; còn môn Tin học hiện không có nguồn dạy các cấp học. “Quận có 7/19 trường tiểu học có giáo viên Tin học. Vì thế, tôi lo khi thực hiện Chương trình GDPT mới năm học tới, môn Tin học là môn học bắt buộc ít nhiều sẽ gặp khó”.

Theo đánh giá của Sở GD&ÐT thành phố, khó khăn hiện nay là đội ngũ giáo viên các cấp học ở một vài đơn vị tuy đảm bảo quy định về giáo viên trên lớp; nhưng tình trạng thiếu, thừa cục bộ vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác phân công giảng dạy, nhất là trong thời điểm đầu mỗi năm học. Việc thiếu giáo viên dạy môn Tin học dẫn đến tỷ lệ học sinh được học môn học tự chọn này trên địa bàn năm học qua còn thấp, chỉ 50,49% (riêng học sinh lớp 1 được học chỉ đạt 882/18.930, tỷ lệ 4,65%); đặc biệt huyện Thới Lai, hầu hết các cơ sở giáo dục tiểu học đều không có giáo viên dạy Tin học.

Đi tìm giải pháp

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới TP Cần Thơ mới đây, các đại biểu đều đồng tình thành tựu đạt được sau 1 niên khóa (2020-2021) thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 1, mạng lưới trường lớp ngày càng được phân bố phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn quy định mỗi lớp 1 phòng học. Ðánh giá cuối năm học 2020-2021, chất lượng học sinh các khối lớp đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định; trong đó học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội như mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ I; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 97,2%. Tuy nhiên, thành phố còn một số hạn chế, khó khăn về nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo. Trong đó, tình trạng thiếu, thừa cục bộ giáo viên vẫn còn xảy ra; chỉ riêng cấp tiểu học, thành phố còn thiếu 154 giáo viên chủ nhiệm; đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục
bền vững.

Giải pháp trước mắt của nhiều quận, huyện là thực hiện hợp đồng giảng dạy đối với giáo viên về hưu, giáo viên ở cơ sở giáo dục khác. Về lâu dài, ngành Giáo dục thành phố tham mưu đề xuất cho phép địa phương tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng sau đó bồi dưỡng lên đại học. Ông Huỳnh Văn Hoạch kiến nghị: “Ðể huyện tuyển được giáo viên, kiến nghị Sở GD&ÐT thành phố tham mưu UBND thành phố cho phép tuyển thầy cô trình độ cao đẳng, rồi học nâng chuẩn lên đại học”. Ðồng tình quan điểm này, bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Giống như các quận, huyện của thành phố, Thốt Nốt cũng thiếu giáo viên. Thành phố có thể cho phép địa phương tuyển giáo viên trình độ cao đẳng. Sau đó, quy định thời gian cụ thể người được tuyển phải học tập, nâng cao trình độ đạt chuẩn đại học, nhằm giúp các địa phương thuận lợi hơn khi tuyển dụng nhân sự”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết, theo quy định, việc nâng chuẩn trình độ chỉ áp dụng với giáo viên hiện hữu; còn tuyển dụng phải đúng quy định Luật Giáo dục, phải đạt chuẩn trình độ cử nhân trở lên. Tuy nhiên, ở điều 2 khoản 12 của Luật có giao Bộ trưởng Bộ GD&ÐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định những đối tượng không quy định ở điều 1 (về tiêu chuẩn), nên địa phương có thể đề xuất, gỡ khó; còn trước mắt phải thực hiện đúng Luật dù khó khăn. “Các quận, huyện cần đánh giá, rà soát lại nguồn giáo viên thừa, thiếu để báo về Sở, UBND thành phố, từ đó tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền”, ông Bình đề xuất.

***

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 2, lớp 6 trong bối cảnh diễn biến phức tạp dịch COVID-19, nên cơ sở giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tăng cường, tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, vừa phải bảo đảm hoàn thành Chương trình GDPT cấp tiểu học. Ðối với lớp 6, giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến với các nội dung cốt lõi tinh gọn, căn bản nhất hướng dẫn của Bộ GD&ÐT, đồng thời có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn. Ðể thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT mới, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng đổi mới giáo dục. Việc giải bài toán thiếu giáo viên ở các địa phương hiện nay là vấn đề bức thiết.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết