31/10/2019 - 18:23

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 

Ngày 31-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 2 thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách 2019 và kế hoạch năm 2020. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay, từ chủ trương xuyên suốt, nhất quán đã có những giải pháp rõ ràng cụ thể, quán nhất hơn, làm cho khoa học công nghệ đồng hành và sát hơn với các ngành, các cấp, từ đó sát hơn với thực tiễn kinh tế-xã hội đất nước. Cụ thể là các nghị quyết Trung ương từ tinh thần Đại hội XII đã làm rõ nội hàm khoa học công nghệ từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân...

Bộ trưởng cũng cho biết, trước những khó khăn trong việc chia sẻ, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, hướng tới sẽ có nhiều doanh nghiệp công nghệ hiệu quả, Bộ đang tham mưu Chính phủ đưa vấn đề này vào chỉ tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Theo Bộ trưởng, tháng 12 tới, Bộ sẽ tổ chức hội nghị về chuyển dịch chính sách khoa học công nghệ toàn quốc để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và chuyển giao về công nghệ; đồng thời rà soát tất cả các vấn đề về thể chế.

Đề cập đến tình hình quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang) chỉ rõ phải đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tổng thể các mối quan hệ của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong từng tình huống cụ thể, phải có sách lược phù hợp để bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Phải khẳng định tính đúng đắn, tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng trên, theo đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, phải sử dụng tổng hợp và gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, kể cả chính trị, ngoại giao, lịch sử, pháp lý.

“Theo tôi, chúng ta cũng nên có sự thông tin đầy đủ hơn qua hệ thống chính trị mà chúng ta đã có đầy đủ trong cả nước, kịp thời hơn, đầy đủ hơn, có nhiều cách thức thông tin để người dân có sự yên tâm, tin tưởng vào tương lai và kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước”, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo, giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm về giải pháp phát triển du lịch và xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức trong bối cảnh hiện nay.

Theo Bộ trưởng, xây dựng văn hóa hay sự phát triển con người là mục đích cuối cùng của sự phát triển. Tuy vậy, so với những thành tựu trong phát triển kinh tế, những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người, môi trường văn hóa lành mạnh.

Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân, cộng đồng trong sáng tạo về văn hóa; Phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ trong xây dựng đạo đức văn hóa; Đầu tư tương xứng cho văn hóa, tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam.

Văn hóa cũng là vấn đề mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng là một trong ba yếu tố trụ cột để Việt Nam phát triển bền vững. Hai trụ cột còn lại là bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ rà soát, xác định đúng đủ và toàn diện các tiêu chí liên quan đến gia đình trong thống kê chung và theo thống kê thế giới; tiếp tục nghiên cứu sâu về khía cạnh liên quan đến gia đình và mối quan hệ trong gia đình xây dựng chính sách.

Về câu hỏi “hiện Du lịch Việt Nam đang ở đâu”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ 2015 - 2018, lượng khách du lịch quốc tế tăng gấp 2 lần (là một trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới); khách nội địa tăng 1,4 lần; đóng góp 8,4% GDP. Trong 10 tháng năm 2019, Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, so với con số tăng 4% của toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. Năng lực cạnh tranh liên tiếp cải thiện, đã tăng 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, phát triển du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm còn hạn chế, chưa phong phú... Đồng thời, đưa ra các giải pháp: tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có hợp tác công - tư, Trung ương và địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ...; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề du lịch, dịch vụ chất lượng cao; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch và liên kết du lịch,...; có giải pháp thúc đẩy xã hội hóa.

TTXVN

Chia sẻ bài viết