16/01/2021 - 11:51

Tiếp tục giải quyết các thách thức trong quy hoạch tài nguyên nước

Ngày 15-1, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp bàn về Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chỉ đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cần tiếp tục nghiên cứu chia tiểu vùng khu vực, cân đối nước của 4 vùng trong những năm cực hạn, giải pháp hạn chế dao động vùng biên mặn. Sông Mekong mất cân đối, ảnh hưởng đến quy hoạch, đặc biệt đánh giá xu hướng biến đổi của các nguồn nước trong tương lai gắn với kịch bản biến đổi khí hậu, làm cơ sở cho quy hoạch…

Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, ĐBSCL là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng lại chịu tác động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt, nguồn tài nguyên nước bị phụ thuộc phần lớn vào lượng nước sản sinh từ ngoài lãnh thổ, chịu tác động của hệ thống các hồ chứa thủy điện thượng nguồn ở nước ngoài, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn... Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét lại và cụ thể hóa hơn nữa về những điểm mạnh, điểm yếu và các thách thức của tài nguyên nước cho các vấn đề liên quan đến Quy hoạch.

Đối với mục tiêu phát triển kinh tế, quy hoạch cần bổ sung mục tiêu phát triển hạ tầng thủy lợi đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên mục tiêu được đề ra theo Nghị Quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về việc phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo tài liệu thu thập và kết quả điều tra khảo sát 13 tỉnh/thành, tổng lưu lượng khai thác toàn vùng ĐBSCL là 1.923.681m3/ngày. Các tỉnh có lượng nước dưới đất khai thác lớn như Bạc Liêu - lớn nhất (248.728m3/ngày), Sóc Trăng (244.850m3/ngày), Trà Vinh (224.773m3/ngày), tỉnh Bến Tre có lượng nước dưới đất khai thác ít nhất (17.987m3/ngày), Vĩnh Long (32.473m3/ngày), Hậu Giang (62.543m3/ngày). Các tỉnh còn lại có lượng nước dưới đất khai thác trong khoảng từ 94.000-198.000m3/ ngày.

Hiện nay, ở lưu vực sông Cửu Long, lượng nước dưới đất được khai thác phục vụ chủ yếu cho nhu cầu sinh hoạt (801.730m3/ngày, chiếm 41,68%), sản xuất nông nghiệp (769.619m3/ngày, chiếm 40,01%), phục vụ ít hơn cho sản xuất công nghiệp (352.332m3/ngày, chiếm 18,32%).

Ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, kết quả tính toán bằng mô hình toán đã xác định tổng lượng tài nguyên nước mưa toàn bộ vùng là 68 tỉ mét khối, tương đương lượng mưa bình quân là 1.723mm. Các vùng có lượng mưa trên 2.000mm chủ yếu thuộc dải ven biển từ Cà Mau đến Kiên Giang. Tổng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh từ mưa xác định được trên toàn bộ vùng ĐBSCL là 28,8 tỉ mét khối, tương đương lưu lượng dòng chảy tổng cộng toàn vùng là 909m3/s. Sự phân bố nước mặt sản sinh trên các phân vùng cũng gần tương tự như sự phân bố của mưa, nguồn nước mặt cũng chủ yếu trên 90% trong mùa lũ (từ tháng 6 - tháng 11), còn lại mùa khô gần như không có dòng chảy.

Kết quả tính tổng lượng nước toàn vùng cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa mùa kiệt và mùa lũ. Trong khi mùa lũ chiếm 94% tổng lượng nước thì mùa kiệt chỉ chiếm 4%. Đối với từng vùng, khu vực bán đảo Cà Mau chiếm tỷ trọng lớn nhất là 55,8% tổng lượng nước toàn vùng được sinh ra từ mưa với 16,1 tỉ mét khối, trong khi với 3,2 tỉ mét khối vùng tứ giác Long Xuyên chiếm tỷ trọng nhỏ nhất với 11,3%. Còn lại vùng tả sông Tiền và giữa sông Tiền và sông Hậu lần lượt chiếm 17,1% và 15,7% tổng lượng nước toàn vùng đồng bằng.

Do đó, thời gian tới, Cục Quản lý Tài nguyên nước cần có kế hoạch, sớm hoàn thiện công cụ mô hình toán; đánh giá thêm số lượng nước từ 2016 đến nay; rà soát thêm hiện trạng khai thác sử dụng nước mặt, nước dưới đất… Đồng thời, xác định tỷ lệ phân bổ trong trường hợp bình thường và trường hợp hạn hán, thiếu nước, xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.

DIỆU THÚY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết