27/10/2010 - 10:48

Tiếp tục giải ngân cho các học sinh, sinh viên đủ điều kiện vay vốn

 

Vừa qua, mặc dù Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ đã thông báo rộng rãi việc điều chỉnh cho vay đối với học sinh, sinh viên (HSSV) được vay vốn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định 157) về tín dụng đối với HSSV nhưng vẫn còn gây nhiều bức xúc và vướng mắc đối với các đối tượng được vay vốn. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có trao đổi với ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, xung quanh vấn đề này. Ông Huỳnh Văn Thuận cho biết:

Trong 9 tháng đầu năm 2010, Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ đã giải ngân cho 4.620 hộ gia đình mới và các hộ cũ còn hạn mức tín dụng, với tổng số tiền là 57 tỉ 530 triệu đồng. Tổng dư nợ đến ngày 30-9-2010 là 230 tỉ 205 triệu đồng, với 17.565 hộ vay vốn cho 20.639 HSSV. Trong đó, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính chiếm tỷ lệ 61%.

* So với thời điểm mới ban hành Quyết định 157 vào tháng 9 - 2007, đến nay chính sách tín dụng đối với HSSV theo Quyết định này có thay đổi gì, thưa ông?

-Thực hiện một số điểm theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 31-8-2010 của Văn phòng Chính phủ, ngày 16-9-2010, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn về việc điều chỉnh thực hiện cho vay đối với HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học.

Trước đây, theo Quyết định 157 và văn bản hướng dẫn của Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam thì các đối tượng trên có nhu cầu vay vốn sẽ được xem xét cho vay đủ số năm của khóa học mà HSSV đang theo học. Còn theo Thông báo số 231/TB-VPCP, năm học 2010, HSSV thuộc diện nêu trên chỉ được vay vốn một lần trong thời gian học (không quá 12 tháng) với mức cho vay tối đa hiện nay là 860.000 đồng/tháng/HSSV (tương đương 8,6 triệu đồng/năm/HSSV). Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học.

Tuy nhiên, đến năm học sau, nếu hộ gia đình HSSV thuộc diện nêu trên vẫn còn khó khăn hoặc lại khó khăn tiếp thì người vay tiếp tục được nhận tiền vay không quá 12 tháng tiếp theo. Nhưng phải được UBND cấp xã xác nhận bằng văn bản nêu rõ lý do khó khăn hoặc danh sách do UBND cấp xã lập gửi NHCSXH vào dịp đầu năm học, kỳ học mới.

Trường hợp hộ gia đình đang thuộc diện khó khăn về tài chính nhưng nay thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo cũng phải được UBND cấp xã xác nhận. Khi đã được UBND cấp xã xác nhận là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, NHCSXH thực hiện cho vay theo quy định hiện hành.

* Xin ông cho biết đối với những trường hợp trước đây thuộc diện hộ khó khăn về tài chính, đến nay đã hết khó khăn, thì người vay phải trả nợ, trả lãi như thế nào?

-Đối với những trường hợp thuộc diện hộ gia đình khó khăn về tài chính đã được xét duyệt cho vay. Sang năm học sau, nếu hộ gia đình không còn khó khăn thì Ngân hàng chấm dứt giải ngân và tiến hành định kỳ hạn trả nợ.

Trong thời gian HSSV còn đang học, người vay chưa phải trả nợ gốc và lãi; nếu người vay có khả năng và tự nguyện đóng lãi thì Ngân hàng thu theo yêu cầu của người vay. Lãi tiền vay được tính kể từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc. Số tiền lãi được tính trên số tiền dư nợ, lãi suất cho vay hiện nay là 0,5%/tháng.

Người vay phải bắt đầu trả nợ sau khi sinh viên ra trường, có việc làm nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học; thời gian trả nợ tối đa bằng thời gian nhận tiền vay.

Nếu người vay trả nợ trước hạn thì được giảm lãi tiền vay; việc giảm lãi tiền vay được thực hiện theo quy định hiện hành của Tổng giám đốc NHCSXH.

Ví dụ: Giả định sinh viên học 4 năm (từ tháng 10-2010 đến tháng 10-2014) thuộc diện hộ gia đình khó khăn về tài chính. Năm thứ nhất, hộ vay sẽ được xét duyệt cho vay tối đa 8,6 triệu đồng. Đến năm thứ hai, nếu gia đình sinh viên vẫn còn khó khăn, hoặc khó khăn tiếp (có xác nhận của UBND cấp xã) thì được xét cho vay tiếp với số tiền cho vay tối đa là 8,6 triệu đồng. Đến năm thứ ba, nếu gia đình không còn khó khăn thì không được vay tiếp và phải thỏa thuận việc định kỳ hạn trả nợ. Người vay phải bắt đầu trả nợ từ tháng 10-2015 (tháng 10-2014 sinh viên ra trường, thời gian tìm việc làm tối đa là 12 tháng); thời gian trả nợ tối đa là 2 năm (từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2017) với số tiền gốc và lãi chia theo định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý (tiền lãi tính từ tháng 10-2010 trên số tiền dư nợ mỗi năm).

* Từ nay đến cuối năm 2010, việc giải ngân cho vay đối với HSSV như thế nào, thưa ông?

-Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam về một số điều chỉnh trong cho vay đối với HSSV, Chi nhánh đã báo cáo, tham mưu cho UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp với NHCSXH để tổ chức thông tin, tuyên truyền đến nhân dân biết và thực hiện. Theo đó, công khai đầy đủ thông tin tại các điểm giao dịch ở xã và trụ sở Ngân hàng; UBND cấp xã, các Hội đoàn thể phối hợp với NHCSXH để rà soát lại các đối tượng đã được vay vốn trước đây; sau khi rà soát, có xác nhận hoặc danh sách của UBND xã, Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ sẽ tiếp tục giải ngân cho các đối tượng đủ điều kiện, đồng thời thực hiện định kỳ hạn trả nợ đối với những hộ không còn khó khăn theo quy định.

Đối với những trường hợp vay mới, chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể phối hợp để hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ vay vốn, xét duyệt cho vay và giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Kế hoạch giải ngân từ nay đến cuối năm 2010 khoảng 56 tỉ đồng, cho gần 13.000 HSSV.

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC MINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết