24/08/2021 - 17:37

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 bảo vệ phụ nữ mang thai 

“Tất cả phụ nữ mang thai, tuổi thai từ 13 tuần trở lên nên đến cơ sở y tế để được tiêm ngừa, càng sớm chừng nào tốt chừng nấy, để bảo vệ bản thân và thai nhi trước đại dịch COVID-19” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) tư vấn trong chương trình truyền hình trực tuyến Phụ nữ mang thai tiêm vaccine phòng COVID-19 và những điều cần biết. TS.BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ cũng khuyến cáo đối với thai phụ cần chủ động biện pháp phòng ngừa, nhất là tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Tại TP Cần Thơ, BV Phụ sản TP Cần Thơ đang triển khai tiêm ngừa cho gần 1.500 thai phụ trên 13 tuần tuổi thai. Ảnh BV cung cấp.

Tại buổi tư vấn trực tuyến, một thai phụ đặt câu hỏi với các bác sĩ: “Tôi mang bầu bé thứ 2 được 16 tuần tuổi, nếu mắc COVID-19 thì em bé có sao không?”. TS.BS Lê Quang Thanh trả lời, những bà mẹ nhiễm COVID-19 đều dẫn tới nguy cơ cho chính mình và thai nhi. Với bà mẹ, nguy cơ nhiễm trùng cao gấp 5 lần, nguy cơ suy hô hấp nặng, phải vào hồi sức tích cực cao gấp 4 lần. Quan trọng nhất, tỷ lệ tử vong cao gấp 22 lần những bà mẹ không mang thai. Thai kỳ được xem là yếu tố nguy cơ độc lập, một dạng bệnh lý nền khi nhiễm COVID-19 nên khá nguy hiểm. Ðối với em bé, bà mẹ nhiễm COVID-19 trong khi mang thai nguy cơ sẩy thai cao, nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển, thai suy, tử vong sơ sinh cao hơn. Tỷ lệ phải nằm hồi sức tích cực cho cả mẹ và con đều cao, thời gian nằm viện lâu.

Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19 đối với thai nhi chưa có nhiều dữ liệu, tuy nhiên hậu quả rõ rệt trong thai kỳ. Ðặc biệt, khi mẹ nhiễm COVID-19 dẫn đến diễn tiến nặng suy hô hấp, mẹ thiếu oxy có thể dẫn đến sinh non. Một số trường hợp phải đình chỉ thai để cứu sống mẹ. Các bác sĩ đã chứng kiến nhiều thai phụ nhiễm COVID-19, bệnh diễn tiến nặng gây thai lưu hoặc không giữ được cả mẹ lẫn con. Nhiều người chủ quan cho rằng là chỉ ở nhà, không tiếp xúc với yếu tố nguy cơ nên không cần tiêm ngừa. Nhưng thực tế, các bác sĩ gặp trường hợp ở nhà vẫn mắc COVID-19. Vì vậy, dự phòng bằng vaccine là chủ động nhất, toàn diện nhất. Theo các nghiên cứu hiện nay, một người hoàn tất các liệu trình tiêm chủng 2 mũi và có đủ thời gian để phát huy hiệu quả bảo vệ cơ thể thì 100% không có tử vong và 90% là không bị biến chứng nặng.

TS.BS Lê Quang Thanh cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định chính thức từ ngày 10-8, BV Từ Dũ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 khoảng 3.000 thai phụ. Không có trường hợp nào chống chỉ định, trì hoãn. Một số thai phụ quá lo lắng, phải qua 3 vòng đo huyết áp mới có thể ổn định. Thậm chí, có chị em có dấu hiệu ngất xỉu. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp đều được tiêm và an toàn sau tiêm. BV Hùng Vương cũng đã triển khai tiêm được cho khoảng 3.000 thai phụ thời gian qua.

Bên cạnh quan tâm đến lợi ích của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, việc tiêm  vaccine loại gì cho phụ nữ mang thai cũng được các thai phụ quan tâm. Theo TS.BS Lê Quang Thanh, trong các loại vaccine ngừa COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam hiện nay, chỉ duy nhất vaccine Sputnik V ghi rõ cấm sử dụng trong thai kỳ.

Thai phụ thắc mắc, tại sao không tiêm sớm cho phụ nữ mang thai mà phải đợi trên 13 tuần mới được tiêm. Về vấn đề này, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương lý giải, một số Hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới không khuyến cáo tuổi thai để tiêm ngừa. Tuy nhiên, thời gian dưới 13 tuần là thời gian em bé đang định hình, biến đổi… là thời gian dễ dẫn đến sẩy thai. Một số chị em thắc mắc, sau tiêm ngừa bao lâu thì có thể mang thai. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, người tiêm vaccine ngừa COVID-19 không phải trì hoãn việc mang thai. Hoặc trường hợp tiêm xong mới biết mình đang mang thai cũng không nên lo lắng về việc phải buộc đình chỉ thai nghén hay can thiệp gì đặc biệt chỉ vì tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Sau tiêm vaccine COVID-19 bao lâu thì cơ thể mới sinh kháng thể và kháng thể này bảo vệ cơ thể trong bao lâu là vấn đề nhiều mẹ bầu thắc mắc. PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết, việc tạo ra kháng thể sau tiêm vaccine nói chung, vaccine ngừa COVID-19 nói riêng phụ thuộc vào cơ thể mỗi người. Theo nghiên cứu, sau tiêm vaccine COVID-19 khoảng 2 tuần, cơ thể bắt đầu tạo ra miễn dịch. Nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine miễn dịch có thể kéo dài 6-12 tháng. 

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết