30/12/2017 - 15:30

Tăng cường quan hệ giao thương với Ấn Độ

Tiềm năng chưa khai thác hết ! 

Tân Tổng lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh Srikar Reddy mới đây đã có chuyến thăm và làm việc tại Cần Thơ, chỉ vài tuần sau khi nhận nhiệm vụ. Hồi tháng 8, người tiền nhiệm của ông là bà Smita Pant cũng từng đến đây, cho  thấy Ấn Độ rất quan tâm đến vùng đất Tây Đô.

Chủ tịch Võ Thành Thống tặng quà lưu niệm cho Tổng Lãnh sự Srikar Reddy. Ảnh: Nam HươngChủ tịch Võ Thành Thống tặng quà lưu niệm cho Tổng Lãnh sự Srikar Reddy. Ảnh: Nam Hương

Hướng tới kim ngạch thương mại Việt- Ấn 15 tỉ USD

2017 là tròn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, và được chọn làm Năm Hữu nghị Việt-Ấn. Những năm gần đây, hai bên không ngừng mở rộng và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, khoa học - giáo dục, văn hóa - xã hội.

Hiện Ấn Độ là một trong 3 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam (cùng với Nga và Trung Quốc). Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và xem Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách “Hành động phía Đông” của mình.

Về thương mại, Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 15 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ mức 237 triệu USD tài khóa 2001 - 2002 lên 10,135 tỉ USD tài khóa 2016 - 2017, tức tăng hơn 40 lần chỉ trong vòng 15 năm. Theo dự báo của ngân hàng HSBC, Việt Nam là thị trường xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Ấn Độ giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2030 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ước tính lần lượt là 16% và 14%, còn nhập khẩu vào khoảng 14% và 15%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại sứ Parvathaneni Harish, kim ngạch thương mại song phương hiện vẫn ở dưới mức tiềm năng. Hai nước đang phấn đấu để đưa con số đó lên 15 tỉ USD vào năm 2020.

Dẫn một ví dụ cụ thể, tân Tổng lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh Srikar Reddy cho biết, buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may đạt khoảng 500 triệu USD năm 2016, và có tiềm năng để tăng lên gấp nhiều lần vì ngành dệt may là lĩnh vực mà cả hai nước có thế mạnh và có thể bổ sung cho nhau.

Được biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ vào khoảng 65 tỉ USD trong tài khóa 2016-2017, còn Việt Nam là 31 tỉ USD năm 2017. Việt Nam mỗi năm nhập khẩu nhiều tỉ USD vải sợi, nhưng xuất xứ từ Ấn Độ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn.

Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với tổng GDP trên 2.000 tỉ USD và hơn 1,3 tỉ người tiêu dùng nên đây cũng là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ là 344 tỉ USD, đứng thứ 14 trên thế giới; còn xuất khẩu 256 tỉ USD, xếp thứ 18.

Theo dự báo của ngân hàng Merrill Lynch, Ấn Độ sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2019, lớn thứ ba vào năm 2028, và đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc vào giữa thế kỷ này.

Về đầu tư, tính đến giữa năm 2017, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam đạt 772 triệu USD, với 145 dự án, xếp thứ 22 trong số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các nhà đầu tư Ấn Độ rất ấn tượng về môi trường đầu tư của Việt Nam và chính phủ nước này ủng hộ các doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ quan điểm trên, Đại sứ Parvathaneni Harish cho biết cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Cùng với Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Ấn Độ- ASEAN, Ấn Độ cũng đang chủ trương thúc đẩy thương mại với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Cơ hội cho Cần Thơ

Tại hội thảo “Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại Tiền Giang vào cuối tháng 11 vừa qua, Đại sứ Parvathaneni Harish khẳng định nông nghiệp là lĩnh vực then chốt trong các chương trình hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại song phương.

Đại sứ Parvathaneni Harish cho biết nông sản là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ. Tài khóa 2016-2017, Ấn Độ nhập khẩu hơn 7,3 tỉ USD rau quả các loại, Trong khi đó, Việt Nam đang vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả với kim ngạch năm 2017 ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng gấp đôi so với cách đây 2 năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số này sẽ là 4,5 tỉ USD vào năm 2020 và 7 tỉ USD vào năm 2030. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng đóng góp đáng kể vào sự gia tăng này.

Các đại biểu tại hội thảo “Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức ở Tiền Giang hồi cuối tháng 11.Các đại biểu tại hội thảo “Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức ở Tiền Giang hồi cuối tháng 11.

 

Trong buổi tiếp tân Tổng lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh Srikar Reddy hồi cuối tháng 11, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống đã giới thiệu Cần Thơ là thành phố  trọng điểm của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đề nghị Tổng lãnh sự Srikar Reddy tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến, bảo quản nông sản… đến Cần Thơ tìm hiểu và đầu tư.

Về phần mình, Tổng lãnh sự Srikar Reddy khẳng định bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Ấn Độ cũng mong muốn được hợp tác với Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Gần đây, Ấn Độ đã đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho 8 giảng viên Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, cũng như có các chương trình hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với Đại học Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long...

Hy vọng trong thời gian tới lượng du học sinh, nghiên cứu sinh Cần Thơ chọn Ấn Độ là nơi học tập sẽ tăng cao hơn nữa. Ấn Độ là một trong những quốc gia có chi phí học tập, sinh hoạt thấp nhất đối với sinh viên nước ngoài và ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế đến đây học tập. Được biết, năm 2017 Chính phủ Ấn Độ cấp 20 học bổng đại học và sau đại học cho Việt Nam.

Ông Srikar Reddy cam kết sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư tại Cần Thơ, cũng như làm cầu nối giới thiệu các tỉnh của Ấn Độ kết nghĩa với Cần Thơ.

Ngày 19-12 vừa qua, Cần Thơ cũng đã tham dự buổi giao lưu gặp gỡ giữa Phái đoàn của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và 16 tỉnh thành phía Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại sự kiện này, một số bài thuyết trình đã được trình bày nhằm cung cấp thêm thông tin về các cơ hội đầu tư, chính sách ưu đãi... của các địa phương.

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ, trong 10 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu của Cần Thơ vào Ấn Độ đạt 1,5 triệu USD, với các mặt hàng chủ lực là thủy sản, nông sản, may mặc… Còn kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ vào Cần Thơ đạt 1,7 triệu USD, gồm vải, hóa chất, nguyên liệu cho ngành dược… 

 

Còn nhớ tại triển lãm ảnh “Việt Nam- Ấn Độ vì hòa bình và phát triển” do UBND thành phố Cần Thơ và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hồi tháng 3-2016, Tổng lãnh sự Ấn Độ khi đó là bà Smita Pant đã chia sẻ rằng: “Sở dĩ tôi tổ chức triển lãm này tại Bảo tàng Cần Thơ vì Cần Thơ rất gần gũi trong trái tim tôi”.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết