25/07/2008 - 07:42

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tích cực phát huy lợi thế để Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch lớn của đất nước

* Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành vùng kinh tế phát triển
* Đại tướng Lê Hồng Anh làm việc tại tỉnh Đắk Nông

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh miền Trung, ngày 24-7, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã làm việc tại tỉnh Bình Thuận. Thủ tướng đã đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận và di tích lịch sử trường Dục Thanh nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã từng dạy học vào năm 1910, khi mới 20 tuổi. Thủ tướng đã dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trồng cây lưu niệm tại khuôn viên di tích lịch sử trường Dục Thanh và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh này.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành T.Ư, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã phát huy nội lực đạt được thành tựu trên các lĩnh vực, nhiều lĩnh vực phát triển nhảy vọt. Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại yếu kém về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Thuận còn chậm, chưa có bứt phá chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao. Công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường còn thiếu chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm đất trái phép vẫn còn xảy ra... Thủ tướng đề nghị tỉnh đánh giá kết quả đã đạt được và những tồn tại để tính toán phát triển trên tinh thần phát huy nội lực, tạo nhảy vọt về phát triển kinh tế-xã hội. Trong nông nghiệp, Bình Thuận cần phát triển cây thanh long-một sản phẩm ngon có thương hiệu và thị trường tiêu thụ, cây cao su, tiềm năng về du lịch... Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát lại qui hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là cây có lợi thế như thanh long và cao su, đồng thời đảm bảo môi trường phục vụ cho ngành du lịch phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát huy tiềm năng thế mạnh trở thành trung tâm du lịch lớn của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dâng hoa và thắp hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) dạy học năm 1910. Ảnh: ĐỨC TÁM - TTXVN. 

Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, phát triển sản xuất, thực hiện an sinh xã hội và giữ vững mục tiêu tăng trưởng. Tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, triển khai sản xuất vụ hè thu và vụ mùa hợp lý gắn với công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và cây trồng. Rà soát lại đầu tư, nhất là đầu tư giải quyết nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống, tạo bước phát triển bền vững, kiểm soát chặt chẽ giá cả, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đồng bào nghèo, ngư dân theo Quyết định của Chính phủ.

Thủ tướng đã giải đáp một số kiến nghị của tỉnh về việc xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Bình Thuận, sân bay Phan Thiết, khu neo đậu tránh bão, khu vực cho tàu cá tại đảo Phú Quý và kè chống xâm thực của đảo này.

* Ngày 24-7 đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đồng chí Xổm Xa Vạt Lêng Xa Vắt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã đến thăm Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum).

Ông Nguyễn Thế Đạt, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y báo cáo với hai Phó Thủ tướng: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vị trí địa lý - kinh tế - chính trị rất thuận lợi, nằm trong hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam, có một cửa khẩu quốc tế với Lào và một cửa khẩu quốc gia với Campuchia, là trung tâm phát triển của tam giác phát triển kinh tế đã được Thủ tướng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia phê duyệt quy hoạch tại Tuyên bố Viêng Chăn ngày 21-11-2004. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong, là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ (Việt Nam) với các tỉnh Nam Lào, Đông bắc Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Hiện tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã tiếp nhận 24 dự án đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 195.230 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành vùng kinh tế phát triển gắn liền với việc phát huy mối quan hệ hữu nghị giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia để trên cơ sở đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân 3 nước trong khu vực. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y không những là mối quan tâm của Chính phủ, nhân dân và các nhà đầu tư của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia mà còn là mối quan tâm của các nước trong khu vực ASEAN. Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng lưu ý, trước mắt Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lãnh đạo tỉnh Kon Tum có chính sách thu hút mạnh hơn nữa để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế; tiếp tục hoàn thiện cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y phát triển mạnh hơn đồng thời tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y phối hợp với ngành chức năng của các nước bạn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế thương mại, giao lưu kinh tế và văn hóa giữa nhân dân trong khu vực biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xổm Xa Vạt Lêng Xa Vắt nhất trí với đánh giá tầm quan trọng của xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và Campuchia để cùng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế này.

* Ngày 24-7, Đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ công an, trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã làm việc với lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh Đắk Nông, về công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương.

Đồng chí Lê Hồng Anh biểu dương những cố gắng, kết quả bước đầu của tỉnh Đắk Nông trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua. Tuy nhiên, tỉnh cần khắc phục yếu kém, đề ra những giải pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác quan trọng này trong thời gian tới. Đồng chí lưu ý tỉnh Đắk Nông phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng; phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp ủy Đảng phải làm nòng cốt lãnh đạo thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương xác định phòng là chính, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong việc giám sát, phát hiện những tiêu cực đối với cán bộ và cơ quan nhà nước.

THIỆN THUẬT - ĐOÀN HỮU TRUNG - TRẦN HỮU HIẾU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết