24/05/2009 - 10:45

Tỉ phú Bảy Lừa

Ở vùng đất phèn Nang Nơn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), người dân địa phương thường gọi ông Nguyễn Văn Lừa (Bảy Lừa) là tỉ phú đất phèn. Bởi lẽ, không chỉ trồng lúa giỏi, ông còn là nhà nông đầu tiên ở vùng quê nghèo khó này và trong số ít nông dân ĐBSCL dám đầu tư gần 4.000 giạ lúa (thời giá năm 2008 tương đương 220 triệu đồng) để “tậu” chiếc máy gặt đập liên hợp về gặt lúa nhà và hợp đồng gặt lúa thuê cho bà con trong vùng. Việc làm của ông bị nhiều người cho rằng làm liều. Vượt khỏi tư duy “lũy tre làng”, với ông đây là hành trình bước vào thời kỳ hội nhập...

* Từ làm mướn thành phú nông!

Từ trung tâm huyện Cầu Ngang, chúng tôi vượt hơn 15 cây số đến “vương quốc” trồng lúa của phú nông Nguyễn Văn Lừa nằm heo hút trong cánh đồng Nang Nơn. Gọi “vương quốc” là không ngoa, vì ông đang sở hữu 130 công đất ruộng canh tác lúa, vụ đầu mùa mưa lúa xanh mướt mà dân làm nông đi ngang ai thấy cũng thèm. Đậm người, nước da ngăm đen vì rám nắng, so với tuổi 60 trông ông Bảy Lừa còn khỏe khoắn, nói cười sang sảng. Bên tách trà nóng, ông Bảy Lừa kể lại cuộc đời của mình từ một nông dân làm thuê trở thành tỉ phú với nhiều nỗi buồn, niềm vui. Ông kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất phèn toàn năn và cỏ dại. Lớn lên được làm mai mối rồi lập gia đình. Vì nghèo nên hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Ở vùng năn, phèn này trước đây trồng lúa không được, nhiều người bỏ làng tha phương cầu thực khắp nơi. Riêng vợ chồng tôi vẫn bám trụ cải tạo từng công đất phèn để trồng lúa. Và đất đã không phụ lòng người, cây lúa canh tác trên đất phèn này trước kia cho năng suất chưa quá 1tấn/ha, nay năng suất gấp 5-6 lần. Nhờ thâm canh cây lúa mà tôi từ nông dân thiếu ăn trở nên có cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Tỉ phú Bảy Lừa trước niềm vui trúng vụ lúa đông xuân. 

Hơn 40 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở cái tuổi sắp về chiều, ông Bảy Lừa mới hoàn thành được ước nguyện mà hàng triệu nông dân ĐBSCL ao ước. Đó là ông xây dựng một nông trại sản xuất nông nghiệp khép kín, tất cả được cơ giới hóa hiện đại trị giá hàng tỉ đồng. Nghe ông kể rồi tận mắt thấy trang trại của ông gồm mô hình sản xuất VACR rộng 13 ha, một máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày, 2 máy xới, máy suốt lúa, 1 máy chà lúa, mà chúng tôi thán phục đầu óc nông dân tính toán làm ăn không thua gì doanh nhân của ông. 13 ha đất canh tác lúa 2 vụ /năm, ông thu về hơn 100 tấn lúa, một trang trại heo mỗi năm xuất chuồng khoảng 10 - 15 tấn heo hơi... Thu nhập gia đình hàng năm khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng.

* Giỏi tính toán làm giàu

Trải qua bao gian truân, khó nhọc đời làm thuê, làm mướn để ngày nay vươn lên làm chủ nông trại trị giá tiền tỉ, ông Bảy Lừa thấm thía những buổi trưa đồng cùng với con trâu, cái cày dã mồ hôi trên đồng ruộng. Rồi những ngày vào mùa gặt làm “tối mặt tối mày “ 10 đầu ngón tay rướm máu vì tất cả các công đoạn đều bằng thủ công. Hôm chúng tôi đến nhà, đúng lúc ông đang tẩn mẩn lau chùi chiếc máy gặt đập liên hợp sau một vụ đi gặt thuê về. Chỉ chiếc máy mua về vừa làm tròn mùa lúa, ông Bảy Lừa sung sướng nói: “Để có được cái máy này là cả đời làm nông tôi dành dụm chắt chiu đó. Có nó ở trong nhà tôi cầm chắc đang sở hữu 60 nhân công mần lúa như hồi chưa có máy. Khi cần là ra đồng không sợ chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công như trước đây. Đó là chưa kể cái máy còn giúp tôi có thêm những khoản lợi như giảm chi phí so với thu hoạch lúa thủ công, thời gian thu hoạch lúa nhanh hơn, lúa sạch bán được giá”. Theo ông Bảy Lừa cho biết, bình quân 1 tiếng đồng hồ máy làm 2 công nếu là đất ngắn, còn đất dài làm tới 6 công. Chịu làm thẳng thuần, một ngày máy thu hoạch 3 ha lúa như chơi. So ra, làm thủ công 4 người làm các khâu gặt, gom, suốt, bó lúa khi vào bao 4 tiếng đồng hồ mới làm xong 1 công đất lúa. Sử dụng máy gặt đập liên hợp tổng chi phí thu hoạch 1 công đất chưa tới 200 ngàn đồng, còn làm thủ công ở mức khoảng 300 ngàn đồng. Máy gặt đập liên hợp còn có cái lợi là máy tự làm sạch lúa khi tự phun lúa lép ra ngoài. Với 13 ha đất trồng lúa, có máy gặt đập liên hợp, ông Bảy Lừa thu hoạch trong vòng hơn 1 tuần là xong, trong khi đó, trước đây thuê nhân công làm hơn nửa tháng mới xong. Ông đưa ra phép tính nhẩm, nếu bình quân chỉ cho máy thu hoạch lúa mướn khoảng 30 ha, thì trong vòng 6 năm ông sẽ thu hồi vốn. Chúng tôi băn khoăn thời gian hoàn vốn hơi lâu, ông Bảy Lừa gạt ngang, nói: “Chuyện đó không quan trọng, bao lâu cũng được. Miễn là việc làm lúa ngon lành là được rồi. Chứ nay tôi đã 60 tuổi đâu còn sức mần mấy năm nữa, có máy trèo lên ngồi chỉ cần điều khiển làm lúa cũng ào ào”.

Ở vùng quê nghèo xa xôi này, ông Bảy Lừa vừa là người làm thuê vừa là ân nhân của nhiều hộ gia đình nghèo. Trước đây, khi chưa mua máy gặt, hàng năm 3 chiếc máy cày của ông ngoài cày, bừa đất nhà, còn hợp đồng nhận cày xới hàng trăm ha đất canh tác lúa cho nông dân trong vùng. Ai có tiền mặt thì trả, không có đến mùa gặt lúa hoàn công cũng được. Nhiều hộ gia đình nghèo trong vùng thiếu vốn, thiếu gạo ăn, thiếu giống sản xuất, chia sẻ nỗi khó khăn với bà con, ông cho mượn hàng chục tấn lúa, hàng chục triệu đồng sản xuất mà không tính lãi.

Anh Huỳnh Hữu Công, Chủ tịch UBND xã Kim Hòa, rất tự hào khi quê mình có một nông dân làm ăn, tính toán giỏi như ông Bảy Lừa. Anh nói: “Thực hiện chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà giải pháp cơ giới hóa là hàng đầu. Đến thời điểm này các khâu sản xuất trên địa bàn như: làm đất, thủy lợi 100% cơ giới hóa. Đặc biệt, khâu thất thoát sau thu hoạch là điều trăn trở của địa phương. Việc chú Bảy đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp tôi thấy hiệu quả rất tốt: Một là nó giảm được sức lao động, giảm thời gian, chi phí thu hoạch không chỉ cho cá nhân chú mà còn cho nông dân trồng lúa trong vùng. Không chỉ trồng lúa giỏi, hạch toán kinh doanh hay, chú Bảy còn là một nông gia tiêu biểu, chịu tìm tòi sáng tạo để theo kịp xu thế phát triển hiện nay. Đây là mô hình hay để chúng tôi vận động nông dân địa phương noi theo”.

Vấn đề quan tâm hàng đầu của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta hiện nay là phải thay đổi tập quán sản xuất. Câu chuyện ông Bảy Lừa trở thành tỉ phú nhờ “yêu đất” và thực hiện công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn là bài học hay đáng suy ngẫm để nông dân học hỏi, làm giàu.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết