Nhiều người sành ăn độ chừng món hủ tiếu gõ bắt đầu xuất hiện ở Cần Thơ đã trên 20 năm nay. Đa phần người bán hủ tiếu gõ quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Cần cù, chịu khó, không ngại thức khuya dậy sớm, nhạy bén nắm bắt khẩu vị vùng miền để làm vừa lòng thực khách, chỉ với chiếc xe hủ tiếu gõ đơn sơ, nhiều gia đình sống bền với nghề.
Thành nghề truyền thống
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, bán hủ tiếu gõ ở gần ngã tư Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Văn Linh.
Bám trụ điểm bán ở đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn gần ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Văn Linh được nhiều năm nay, xe hủ tiếu gõ của bà Nguyễn Thị Thu Thủy được rất nhiều sinh viên chọn làm điểm hẹn lót dạ vào những buổi tối muộn. Bà Thủy cho biết, đến nay, gia đình bà đã có 3 thế hệ theo nghề hủ tiếu gõ. Cha của bà từ Quảng Ngãi vào TP Hồ Chí Minh kiếm kế mưu sinh từ những năm 1980. Quan sát thói quen ăn uống, thị hiếu, khẩu vị của người miền Nam, cha của bà và một số đồng hương khi đó “sao chép” mô hình xe hủ tiếu của người Hoa nhưng biến tấu cách nấu nước dùng sao cho đơn giản, giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo phù hợp khẩu vị của đa phần người lao động. Theo đuổi mục tiêu: “lời ít nhưng nhờ số nhiều”, xe hủ tiếu gõ của người dân xứ Quảng lập nghiệp ở miền Nam ngày một ăn nên làm ra. Vậy là, từ TP Hồ Chí Minh, món ăn này dần lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành khu vực miền Tây theo những thế hệ tiếp nối với nghề. Riêng gia đình bà Thủy, trong tổng số 5 chị em ruột thì đã có 4 người kế nghiệp cha. Trong đó, người anh thứ 3 của bà đã bán hủ tiếu gõ ở Cần Thơ được hơn 13 năm. Còn bà Thủy, sau thời gian phụ giúp anh trai cũng tách ra bán riêng được gần 3 năm. Mới đây, con gái của bà cũng tự ra bán riêng, trong khi con trai phụ trách đỡ đần phần nhiều việc buôn bán cho mẹ. Tính riêng đại gia đình của bà Thủy bán đã có 4 điểm bán hủ tiếu gõ ven trục đường Nguyễn Văn Cừ.
Sinh năm 1989, anh Trần Văn Điệp, quê ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi theo lời động viên của anh em thân thuộc, vào Cần Thơ lập nghiệp với nghề bán hủ tiếu gõ được 10 năm nay. Anh Điệp cho biết: “Anh em của tôi có 6 người bán hủ tiếu gõ ở Cần Thơ. Còn nếu tính hết người dân xứ Quảng làm nghề này ở đây thì đông lắm. Chúng tôi thường ở gần nhau, thỉnh thoảng họp mặt, sẵn sàng giúp đỡ nhau cùng làm ăn, ổn định cuộc sống. Trong đó, có người vào từ năm 13 tuổi, khởi đầu là “lính gõ”, sau sống ổn định và vươn lên khá, giàu với nghề bán hủ tiếu gõ. Nhưng ai làm nghề này, để ổn định cuộc sống thì cũng phải trải qua mấy chục năm thức khuya, dậy sớm, vất vả vô cùng”.
Vất vả nhưng ổn định
“Làm nghề này ngủ ít lắm!” - anh Điệp cười thân thiện, chia sẻ về nghề của mình. Hơn 12 giờ khuya, anh Điệp còn cặm cụi chùi rửa nồi nước dùng và xe hủ tiếu sau một ngày làm việc vất vả. Anh Điệp nói, hôm nào cũng ngả lưng khi đồng hồ đã qua 1 giờ sáng. Đến sáng hôm sau thì lập lại quy trình: đi chợ mua nguyên liệu, sơ chế, chế biến và nấu nước dùng. Cả nhà anh 4 người, chia việc ra làm, đảm bảo hoàn tất các công đoạn, bắt đầu phục vụ thực khách lúc 2 giờ chiều. Để có món hủ tiếu gõ ngon đúng điệu của người xứ Quảng, anh Điệp chuẩn bị rất nhiều gia vị phụ: hành, tỏi phi; hành, hẹ, ngò rí xắt nhuyễn; tỏi ớt băm nhỏ trộn dấm; ớt tươi xắt lát; mỡ hành; tóp mỡ; tắc hoặc chanh tươi;… Ngoài hủ tiếu, còn có thêm hủ tiếu mì, mì gói, mì tươi, hoành thánh, nui, bánh lọt và hột vịt lộn. Anh Điệp cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 200 tô hủ tiếu, thêm 150-200 hột vịt lộn. Cực lắm, nhưng xe hủ tiếu này đang tạo việc làm cho 4 người trong gia đình và có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cho con ăn học”.
Vất vả là vậy nhưng với những người dân Quảng Ngãi, so với mấy chục năm về trước, nghề bán hủ tiếu gõ bây giờ đã vơi bớt phần nào cực nhọc. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: “Ngày xưa, người bán hủ tiếu gõ phân chia địa bàn. Từ chỗ đậu xe hủ tiếu, người bán phân công “lính gõ” đi trong bán kính 500m, vừa đi vừa cầm đũa gõ lên miếng tre khô hoặc dụng cụ đập nước đá bằng kim loại để phát ra âm thanh mời thực khách. Rồi sau đó, người bán làm hủ tiếu, để lên mâm bưng đến tận nơi cho khách. Hồi xưa, anh Ba tôi có thể đội mâm hủ tiếu đến 6-7 tô một lần để đem giao cho khách. Đợi khách ăn xong thì người bán quay trở lại gom tô, nhận tiền khách trả. Hủ tiếu gõ đơn sơ, mộc mạc, ít tiền nên được rất nhiều thực khách, đặt biệt là người lao động bình dân và sinh viên chọn thưởng thức. Vì lợi nhuận ít nên những chủ xe bán hủ tiếu gõ chọn bán vào ban đêm để nhẹ tiền thuê mặt bằng, nhờ vậy mà trở thành nét đặc biệt riêng có của món ăn này”.
Chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là đủ tiền sắm sửa cả bộ đồ nghề bán hủ tiếu gõ. Ai biết cách đóng xe hủ tiếu thì bớt được một ít tiền công. Số vốn bỏ ra không quá nhiều, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Vì không chỉ là cực nhọc, thức khuya, dậy sớm, người bán hủ tiếu gõ đối mặt với việc nay đây mai đó khi chủ mặt bằng ngưng cho thuê, buộc phải dời đi nơi khác. Chưa kể, những người bán hủ tiếu gõ luôn bận rộn những công việc lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, thời gian vui chơi, giải trí trở nên xa xỉ vì ngoài việc buôn bán là những giây phút ngả lưng hiếm hoi để tái tạo sức lao động. Vì vậy, trong những câu chuyện cùng những người bán hủ tiếu gõ xứ Quảng, dường như trong mắt ai cũng có một nỗi niềm nhớ quê hương xứ sở.
Bài, ảnh: MỸ TÚ